Đậu phộng Tân Tân “ngủ quên” trên chiến thắng
Công ty cổ phần Tân Tân, đóng trụ sở tại KP Nội Hoá 1, phường Bình An, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Doanh nghiệp này xuất phát điểm chỉ là một cơ sở chế biến đậu phộng chiên từ năm 1984, với các nhãn hàng như: Đậu Phộng Nước Cốt Dừa, Đậu Phộng Da Cá, Đậu Phộng Amero, Hạt Điều Wasabi, Đậu Hà Lan Wasabi, Hạt Sen Nước Cốt Dừa…
Năm 1997, tại Bình Dương đậu phộng Tân Tân đã có một nhà máy quy mô hàng vạn m2, với gần 1 nghìn nhân viên, hơn 140 nhà phân phối, hơn 40.000 điểm bán lẻ, ở hầu hết các siêu thị và trung tâm thương mại chiếm 80% thị phần trong cả nước. Thậm chí sản phẩm còn được xuất khẩu đi cả Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nigeria, Cuba….
Đậu phộng Tân Tân có quãng thời gian đạt 150.000 điểm bán lẻ trên cả nước, ngang với các thương hiệu FMCG như Unilever, Thuốc lá 555.
|
Đậu phộng Tân Tân đang là "con nợ" của nhiều Ngân hàng. |
Thế nhưng, từ một doanh nghiệp tiên phong với các sản phẩm đậu phộng làm mưa làm gió trên thị trường, “ông chủ” Tân Tân lại “tham vọng” “lái” doanh nghiệp này sang lĩnh vực bất động sản, đổ vốn từ Bình Thuận, Bình Dương đến TP HCM,… mà thay vì chăm chút mẫu mã, cải thiện chất lượng đậu phộng và bám chặt các thị trường trọng điểm để bán đang được khách hàng chào đón.
Ban đầu là tiền tích lũy, đến tiền Công ty và tiếp đó là thế chấp vay mượn cầm cố ngân hàng, vay mượn cá nhân... Vì vậy, chưa đến 5 năm, Công ty cổ phần Tân Tân đã rơi vào tình trạng "ăn đong" đơn hàng. Từ năm 2012, nhãn hàng Tân Tân đã biến mất khỏi tất cả các kệ hàng siêu thị.
Hiện Công ty cổ phần Tân Tân vướng nợ xấu tại nhiều ngân hàng. Ngay cả Cục Thuế Bình Dương cũng trở thành “chủ nợ” bất đắc dĩ của doanh nghiệp này.
Cụ thể, trong thông báo số 34067/TB-CT, Cục thuế đã gửi ngày 16/7./2019 yêu cầu Công ty cổ phần Tân Tân phải nộp số tiền nợ thuế hơn 50,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay Tân không chịu chấp hành gây thất thoát lớn nguồn ngân sách Nhà nước.
Ngoài ra, Công ty cổ phần Tân Tân còn nợ hàng chục tỷ đồng tiền sử dụng đất, tiền bảo hiểm xã hội và nợ cả tiền của người lao động. Đặc biệt là 33 bản án buộc phải thi hành.
BISUCO: “Quả đấm thép” của ngành mía đường một thời
Công ty cổ phần Đường Bình Định (BISUCO) được thành lập năm 1995, có trụ sở tại xã Tây Giang (Tây Sơn, Bình Định). Người đứng tên đại diện pháp luật của BISUCO là ông chủ người Ấn Độ Arunachalam Nandaa Kumar.
BISUCO từng được mệnh danh là “quả đấm thép” của ngành mía đường Bình Định, có một thời là doanh nghiệp hoạt động kinh doanh hiệu quả, thu lãi hơn 200 tỷ đồng. Trong 8 năm sau đó, BISUCO chuyển sang doanh nghiệp cổ phần, với vốn điều lệ 34 tỷ đồng.
|
BISUCO từng được mệnh danh là “quả đấm thép” của ngành mía đường Bình Định. (Ảnh minh họa). |
Đến năm 2006, hơn 90% cổ phần tại BISUCO đã được chuyển nhượng cho Tập đoàn Anagar Juna (Ấn Độ), với tổng trị giá 93 tỷ đồng. Đến giữa năm 2017, trong lúc BISUCO công bố triển khai dự án mở rộng, nâng cấp công suất chế biến đường lên 5.000 tấn mía nguyên liệu/ngày, thì ông Arunachalam Nandaa Kuma, Chủ tịch Hội đồng quản trị, người đại diện pháp luật của BISUCO lặng lẽ rời khỏi Việt Nam.
|
Công ty cổ phần Đường Bình Định đã đóng cửa, ngừng hoạt động. (Ảnh: Báo Đầu Tư). |
Giữa tháng 3/2018, UBND tỉnh Bình Định có văn bản yêu cầu BISUCO tạm dừng hoạt động sản xuất để thực hiện các biện pháp khắc phục tồn tại về bảo vệ môi trường, nhưng doanh nghiệp này không tuân thủ.
Ngày 15/6/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã ban hành quyết định xử phạt hành chính hơn 1,9 tỷ đồng đối với BISUCO, do có hành vi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và chậm khắc phục. Ngoài hình thức phạt tiền, quyết định nêu trên còn áp dụng hình phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động 4 tháng 15 ngày để Công ty khắc phục sai phạm, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải, đảm bảo việc xử lý nước thải đạt quy chuẩn cho phép trước khi xả thải ra môi trường.
Cũng từ thời điểm đó, ông chủ của BISUCO cũng “biến mất”, doanh nghiệp như “rắn mất đầu” để lại nhiều khoản nợ nần chồng chất. Kể từ tháng 7/2018 đến nay, BISUCO đã ngưng hoạt động, máy móc bị tháo tung, nhà máy để cỏ mọc um tùm.
Những người từng gắn bó trên 20 năm với BISUCO sau đó phải chạy đôn đáo, cầu cứu nhà chức trách để đòi quyền lợi.
Theo Báo Đầu tư, tháng 5/2019, có 327 công nhân của Công ty đã nộp đơn yêu cầu tuyên bố phá sản đối với BISUCO.
Theo số liệu của TAND tỉnh Bình Định, tính đến tháng 12/2019, BISUCO nợ 23 đơn vị với tổng số tiền hơn 1.000 tỷ đồng (cả gốc và lãi). Trong đó, nợ Ngân hàng Standard Chartered hơn 876,7 tỷ đồng, Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc tế - Chi nhánh TP HCM hơn 98,8 tỷ đồng, Cục Thuế Bình Định 26 tỷ đồng, Bảo hiểm Xã hội huyện Tây Sơn hơn 7 tỷ đồng, Công đoàn BISUCO hơn 17 tỷ đồng (tiền lương và các khoản phụ cấp, trợ cấp thôi việc của người lao động)…
Ngày 25/8/2020, TAND tỉnh Bình Định xác nhận, Công ty Hợp danh quản lý thanh lý tài sản Việt (ở TP HCM) đã chọn Công ty Đấu giá hợp danh Toàn Cầu Group là đơn vị tổ chức đấu giá tài sản của BISUCO để giải quyết vụ việc phá sản của BISUCO với mức đưa ra tổng cộng gần 77 tỷ đồng.
Từ hào quang đến phá sản của Món Huế, Phở Ông Hùng
Thành lập từ năm 2007, nhưng sau một thời gian dài im ắng, năm 2015, Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Huy Việt Nam trở thành nhân tố gây “sốt” trên thị trường ẩm thực trong nước với chuỗi cửa hàng: Phở Ông Hùng, Món Huế, Cơm Express, tăng từ 14 cửa hàng năm 2014 lên 110 cửa hàng cuối năm 2015.
Trong đó, thương hiệu Món Huế ra đời sớm nhất và cũng mạnh hơn cả, có độ phủ trên cả nước. Cơm Expres và Phở Ông Hùng có ít nhà hàng hơn và cũng mới có mặt tại Sài Gòn...
|
Phở Ông Hùng, Món Huế - Thương hiệu hào quang một thời. |
Thời gian đầu, chiến lược kinh doanh và thương hiệu của doanh nghiệp này đã đạt được sự thành công nhất định. Sau khi vượt qua được giai đoạn khắc nghiệt của lĩnh vực nhà hàng, Món Huế nhanh chóng mở rộng quy mô chuỗi. Trong hai năm 2014 và 2015, chuỗi nhà hàng đã gọi vốn thành công với tổng giá trị 30 triệu USD từ các nhà đầu tư Malaysia, Hong Kong, Hàn Quốc và Mỹ.
Chưa kể trước đó chuỗi nhà hàng này được nhiều quỹ đầu tư khác nhau rót vốn nâng tổng số lên đến 65 triệu USD (khoảng 1.500 tỷ đồng).
Mặc dù vậy, Huy Việt Nam lại không đăng ký hoạt động tại Việt Nam mà là đảo Cayman (nằm ở phía Tây vùng biển Caribe, thuộc lãnh thổ hải ngoại của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland).
Đến 10/2019, chuỗi nhà hàng Món Huế, Phở Ông Hùng đã tạo ra cú sốc cho thị trường khi đóng cửa toàn bộ hệ thống, còn những người lãnh đạo biệt tăm, trốn nợ.
|
Chân dung ông Huy Nhật. |
Hồi tháng 5/2020 giới truyền thông trong nước cho biết, trong thông báo kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm mà Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an, gửi đến Vụ 3 - VKSND Tối cao và một số tổ chức, cá nhân liên quan, đơn vị này cho biết, đã có quyết định khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản của một nhóm nhà đầu tư nước ngoài liên quan tới ông chủ chuỗi nhà hàng Món Huế Huy Nhật.
Theo thông báo, Bộ Công an nhận được đơn tố giác của một số Công ty nước ngoài cùng tố giác ông Huy Nhật - Giám đốc Công ty TNHH MTV Horizon Property Group, chiếm đoạt số tiền 25 triệu USD, thông qua việc góp vốn đầu tư thực hiện dự án khu nghỉ dưỡng diện tích 162 ha tại thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Ngoài ra, ông Huy Nhật, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Huy Việt Nam, Chủ tịch HĐTV Công ty nhà hàng Món Huế, và một số cá nhân khác liên quan, cũng bị 1 Công ty nước ngoài tố giác có hành vi chiếm đoạt số tiền hơn 1.000 tỷ đồng.
Giữa tháng 10/2019, hệ thống nhà hàng Món Huế của ông Huy Nhật vỡ nợ, nhóm 4 nhà đầu tư nước ngoài liên hệ ông Huy Nhật nhưng không được. Trong khi đó, hàng trăm nhà cung cấp thực phẩm cho chuỗi nhà hàng Món Huế cũng gửi đơn tố cáo lên nhiều cơ quan chức năng về việc bị quỵt hàng chục tỷ đồng.