Ngày 10/5/2018, Báo Gia đình & Xã hội đã có bài viết về can dầu ăn đóng đông giữa ngày hè của độc giả M.T.H (41 tuổi, ở Cầu Diễn, Hà Nội).
Theo chị M.T.H, vào thời điểm tháng 12/2017, chị được em dâu mua tặng can dầu ăn mang nhãn hiệu Tường An, khối lượng tịnh 9kg, hạn sử dụng đến 22/8/2019. Tuy nhiên, sau khi sang chiết 3 lần vào chai dầu nhỏ để tiện cho việc sử dụng, thì can dầu mang nhãn hiệu Tường An đã kết tủa màu trắng đục, giống mỡ động vật dưới đáy can.
Điều khiến chị M.T.H trăn trở với Báo Gia đình & Xã hội là chất lượng thực sự của dầu ăn. Dù giữa ngày hè oi bức có nền nhiệt lên đến 34, 35 độ C nhưng can dầu mà gia đình chị M.T.H sử dụng vẫn xảy ra hiện tượng kết tủa, đổi màu dưới đáy chai?.
|
Dầu ăn danh tiếng Tường An CookingOil xuất hiện hiện tượng kết tủa dưới đáy chai. Ảnh: NVCC. |
Được biết, can dầu ăn mang nhãn hiệu Dầu ăn Tường An CookingOil do Công ty Cổ phần dầu thực vật Tường An sản xuất, có địa chỉ tại 48/5 Phan Huy Ích, phường 15, quận Tân Bình, TP. HCM. Can dầu có khối lượng tịnh 9kg này có giá bán ngoài thị trường là 240.000 đồng.
Qua trao đổi nhanh trước đó, bà Hoàng Anh Thư, phụ trách khối kỹ thuật nhãn hiệu Dầu ăn Tường An thông tin, với hiện tượng dầu đông thì Công ty Tường An sẽ thu hồi và có chính sách đổi trả cho khách hàng.
Tuy nhiên, ngày 21/5, tiếp tục phản ánh tới Báo Gia đình & Xã hội, chị M.T.H bức xúc: “Tôi đã thông tin tới phía công ty về hiện tượng dầu đông mà gia đình tôi đang gặp phải và công ty cũng thông tin rằng, sẽ có nhân viên liên hệ để đổi trả.
Tuy nhiên đến nay, sau nhiều ngày chờ đợi thì tôi vẫn chưa hề thấy phía công ty dầu ăn liên hệ lại. Thực tình tôi chỉ cần một lời giải thích rõ ràng về hiện tượng này từ hãng dầu thôi, nhưng có lẽ là công ty danh tiếng còn đang bận?”.
|
Hạn sử dụng của can dầu ăn nhãn hiệu Tường An đến hết ngày 22/8/2019. Ảnh: NVCC. |
Cũng theo chị M.T.H: “Tiền lệ đã có nhiều hãng dầu nhanh chóng thu hồi và có lời giải thích, cũng như áp dụng chính sách đổi trả cho khách hàng khi sản phẩm gặp sự cố như hãng dầu ăn Cái Lân, nhãn dầu Marvela chẳng hạn.
Tôi cũng đã tham khảo nhiều chị em nội trợ và họ cũng cho rằng, dầu ăn bị đông là dầu ăn không tốt cho sức khoẻ. Loại dầu ăn này bao giờ cũng có giá rẻ hơn. Nếu dầu ăn không có vấn đề về chất lượng thì tại sao các hãng dầu khác phải nhanh chóng thu hồi và đổi trả cho khách hàng?
Trong khi đó, chính hãng dầu ăn Tường An cũng thông tin là đổi trả cho khách hàng. Tại sao sau nhiều ngày, hãng dầu ăn danh tiếng này vẫn không có động thái với tôi? Là công ty trực thuộc một tập đoàn lớn đến từ Nhật Bản và là hãng dầu ăn danh tiếng, có uy tín trên thị trường, tôi vẫn hy vọng hãng dầu Tường An không để khách hàng quay lưng lại với mình”.
Trước đó, trả lời Báo Gia đình & Xã hội, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết, các nhà sản xuất dầu không sử dụng riêng 1 loại dầu để làm dầu bán ra thị trường, mà thay vào đó, họ phối chế nhiều loại dầu khác nhau, một mặt là để hài hòa giữa các công thức axit béo no với không no, mặt khác là để giảm giá thành và phù hợp với tình hình kinh tế của từng gia đình.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nhận định, việc dầu xuất hiện hiện tượng đông đặc là thể hiện sự vụng về của nhà sản xuất khi pha trộn thành phần, nếu cho tỷ lệ thấp thì không xuất hiện hiện tượng lắng đọng. Đây là vì muốn để giá thành thấp nên khi có lô hàng lắng đặc thì phải thu hồi, nhằm tránh việc khách hàng quay lưng lại với sản phẩm.
|
Dầu ăn kết tủa có màu trắng đục, giống mỡ động vật tạo thành các mảng bám trên thân can. Ảnh: NVCC. |
|
Cận cảnh sự kết tủa của chai dầu ăn. Ảnh: NVCC. |