Dân châu Âu phẫn nộ khi bị lừa ăn thịt ngựa giá thịt bò

Google News

Người dân châu Âu phẫn nộ nhận ra mình có thể đã ăn thịt ngựa với giá thịt bò cả thập kỷ nay mà không biết.

Hai tháng sau vụ bê bối thịt ngựa lần đầu tiên gây chấn động châu Âu, các nước EU đã tiến hành các cuộc kiểm tra khẩn cấp. Kết quả, Pháp là nước đã tìm thấy nhiều sản phẩm thịt bò có chứa DNA ngựa nhất, trong khi Anh đứng đầu về số lượng dấu vết của một loại thuốc giảm đau bị cấm trong chuỗi thực phẩm của con người.

Hơn 7.000 cuộc xét nghiệm đã được thực hiện bởi 27 quốc gia trong EU, các cơ quan chức năng đã tìm thấy DNA của ngựa trong khoảng 5% mẫu. Trong khi đó, phenylbutazone, một loại thuốc bị cấm được sử dụng làm thuốc giảm đau cho ngựa, được phát hiện trong khoảng 0,5% mẫu.

Tonio Borg, ủy viên châu Âu về chính sách sức khỏe và người tiêu dùng, cho biết những phát hiện này là "vấn đề gian lận thực phẩm chứ không phải an toàn thực phẩm". Tuy nhiên, ông nói thêm: "Việc khôi phục niềm tin của người tiêu dùng châu Âu và các đối tác thương mại vào chuỗi thực phẩm sau vụ bê bối gian lận này hiện có tầm quan trọng sống còn đối với nền kinh tế châu Âu, vì ngành thực phẩm là ngành lớn nhất khu vực kinh tế" tại EU.

Dan chau Au phan no khi bi lua an thit ngua gia thit bo

Tấm biển "cấm thịt ngựa" xuất hiện nhiều ở miền trung nước Anh trong giai đoạn đỉnh điểm của vụ "scandal thịt ngựa"

Ông Borg cho biết ủy ban sẽ đề xuất các quy định mới trong những tháng tới. Vụ bê bối dẫn đến việc các sản phẩm trị giá hàng triệu euro bị thu hồi khỏi các cửa hàng. Điều này cũng phản ánh một sự thật rằng các nhà sản xuất không có khả năng đảm bảo các thành phần trong các sản phẩm thịt đã qua chế biến.

Bởi vì số liệu thống kê được cung cấp bởi các cơ quan an toàn thực phẩm ở các quốc gia, lấy mẫu số lượng sản phẩm thịt bò khác nhau, nên không có đủ dữ liệu để so sánh toàn diện. Tuy nhiên, Pháp đã kiểm tra 353 sản phẩm được dán nhãn thịt bò, trong đó 47 sản phẩm chứa DNA ngựa; Hy Lạp đã thử nghiệm 288 và tìm thấy thịt ngựa ở 36 sản phẩm; và Đức đã kiểm tra 878 mẫu và phát hiện thịt ngựa ở 29.

Đặc biệt, mức độ cao nhất của thuốc giảm đau cho ngựa được phát hiện tại Anh, với 14 trong số 836 mẫu. Hàng triệu người tiêu dùng khắp châu Âu quay lưng với các siêu thị, đổ ra đường biểu tình đòi các chính phủ ra tay quyết liệt hơn để bảo vệ người dân.

Khoảng 20% thịt ngựa được bán và sử dụng ở châu Âu là ngựa nhập khẩu từ Bắc Mỹ. Hiệp hội Nhân đạo Mỹ cảnh báo rằng chỉ xét nghiệm phenylbutazone là không đủ để đảm bảo an toàn thực phẩm. Tổ chức bảo vệ quyền động vật lưu giữ một danh sách dài 29 trang về các loại thuốc khác được cung cấp cho ngựa ở Mỹ, đây đều là thuốc độc hoặc chưa được kiểm tra về tác động đối với sức khỏe con người.

Ví dụ, EU cấm điều trị cho động vật nuôi để lấy thịt bằng thyrostats, nhưng lại được cấp phép sử dụng cho ngựa để chữa bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và thúc đẩy sự phát triển của mô nạc. Một trường hợp khác, thuốc Firocoxib được chỉ định cụ thể "không sử dụng cho ngựa lấy thịt". Nhưng các bác sĩ thú y ở Mỹ khuyên dùng thuốc này để điều trị hoặc ngăn ngừa chứng viêm ở ngựa.

"EU đã thất bại trong việc kiểm tra một loạt các loại thuốc thú y bị cấm khác thường được sử dụng cho ngựa. Điều này đã vô hình trung cho phép bán thịt từ những động vật đó trong EU, làm trái với luật an toàn thực phẩm và các quy định bảo vệ người tiêu dùng của chính mình", Humane Society cho biết trong một tuyên bố.

Chương trình kiểm tra đã được đồng ý sau khi phát hiện ra thịt ngựa trong món lasagna đông lạnh. Nhà sản xuất món lasagna, Findus, cho biết họ đã rút sản phẩm này sau khi Comigel, nhà cung cấp ở Pháp, nêu quan ngại về loại thịt được sử dụng. Thịt viên do Ikea bán cũng bị thu hồi.

Dan chau Au phan no khi bi lua an thit ngua gia thit bo-Hinh-2

Một mẫu thịt nhiễm độc được tìm thấy trong món lasagna ở một số quốc gia

Sau tất cả, Ủy ban châu Âu đã tiến hành 7.259 cuộc kiểm định. Ủy ban cho biết: Tổng cộng, 193 lần xét nghiệm, tương đương 4,66%, cho thấy dấu vết của DNA ngựa, và 16 lần cho thấy dấu vết dương tính với thuốc giảm đau, tương đương với 0,51% mẫu.

Những phát hiện này đã làm gia tăng áp lực, siết chặt các quy định đối với ngành công nghiệp thực phẩm. Mặc dù các quy tắc yêu cầu thịt bò tươi phải được dán nhãn xuất xứ, nhưng những quy định này không áp dụng cho các sản phẩm đã qua chế biến.

"Chúng tôi khẩn cấp cần EU đưa ra các quy định về ghi nhãn "nguồn gốc xuất xứ" đối với thịt trong thực phẩm đã qua chế biến", Glenis Willmott, phát ngôn viên về thực phẩm và sức khỏe của Đảng Lao động Anh tại Nghị viện châu Âu, cho biết. "Chỉ có loại quy định này mới buộc các nhà sản xuất phải cẩn thận với chuỗi cung ứng của họ", bà nói và thêm rằng "thật sốc khi thấy mức độ lan rộng của vụ bê bối thịt ngựa".

 

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

>> xem thêm

Bình luận(0)