Đầu tư lớn cho bóng đá
Cũng như ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) hay ông Đỗ Quang Hiển (Bầu Hiển), ông Nguyễn Hoài Nam được biết đến là một đại gia Việt có đam mê mãnh liệt với bóng đá. Trong khi Bầu Hiển là chủ của nhiều CLB trong đó có Hà Nội T&T với những gương mặt nổi bật như Quang Hải, Đình Trọng, Duy Mạnh,... hay Bầu Đức với HAGL và Công Phượng thì ông Nguyễn Hoài Nam cũng đang nổi lên với hướng đi thẳng tới thị trường bóng đá thế giới.
Ông Nguyễn Hoài Nam hiện là thành viên HĐQT của hai câu lạc bộ bóng đá gồm: K.V Kortrijk (Bỉ) và Sarajevo (Bosnia Herzegovina). Trong mùa giải 2018-2019 vừa kết thúc, Sarajevo đã giành ngôi vô địch Bosnia Herzegovina và có quyền tham dự vòng sơ loại Champions League 2019-2020.
Đây được xem là cơ hội để những cầu thủ ngôi sao trong nước như Quang Hải, Công Phượng,... có thể được xuất ngoại sang châu Âu thi đấu với những cái tên hàng đầu thế giới như Ronaldo, Messi,...
|
Các doanh nhân đầu tư cho bóng đá. |
Mục tiêu đưa các cầu thủ trong nước sang châu Âu cọ xát đã được nhiều doanh nhân và doanh nghiệp đặt ra từ lâu nhưng vẫn chưa thành. Ngân hàng SHB của Bầu Hiển từng ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với CLB bóng đá Manchester City. Nhiều ngân hàng khác cũng đã hợp tác phát triển thương hiệu với các đội bóng hàng đầu của Anh, như BIDV với Manchester United, VietinBank với Chelsea FC, hay việc Eximbank mời đội trưởng Manchester City Vincent Kompany sang Việt Nam trong một chiến dịch quảng bá thương hiệu,...
Bầu Đức thậm chí mở học viện Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal... cũng với mục đích vừa kinh doanh vừa tìm cách thúc đẩy bóng đá Việt Nam. Có những thời điểm, HAGL cung cấp một lượng cầu thủ lớn cho đội tuyển U19, U23 Việt Nam.
Chia sẻ trên truyền thông, ông Nguyễn Hoài Nam luôn khẳng định mong muốn đưa cầu thủ Việt Nam sang châu Âu thi đấu để mở mang kiến thức, tích lũy kinh nghiệm giúp chất lượng ĐTQG được nâng cao, từ đó kéo giấc mơ World Cup lại gần hơn, thay vì loay hoay với ước mơ vô địch Đông Nam Á, với SEA Games...
Cuối năm 2018, doanh nhân Nguyễn Hoài Nam, Tổng giám đốc Tập đoàn Berjaya Việt Nam đã tham gia tranh cử vị trí Phó Chủ tịch Tài chính và Tài trợ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) khóa VIII nhưng không thành công.
Trong bài thuyết trình về đề án tranh cử của mình, ông Nam nhấn mạnh đến ước mơ đưa bóng đá Việt vào tham dự World Cup. Ông Nam chia sẻ rằng đã theo dõi rất sát bóng đá Việt Nam và thấy, bóng đá trẻ Việt Nam có nhiều khởi sắc, đặc biệt là kết quả tuyệt vời của tuyển U23 tại Giải Vô địch U23 châu Á đầu năm 2018.
Ước mơ World Cup càng trở nên khả thi hơn trong bối cảnh nhiều khả năng tại World Cup 2026, FIFA sẽ nâng số đội tham dự lên 48 thay vì 32 đội.
Vợ á hậu, đại gia kín tiếng quản lý loạt dự án khủng
Là một doanh nhân đứng đầu hàng loạt các dự án khủng tại Việt Nam nhưng ông Nguyễn Hoài Nam mới thực sự được chú ý rộng rãi sau vụ ủng hộ 240 triệu đồng cho tài xế đánh lái cứu 2 nữ sinh ở Hải Phòng.
Ông Nguyễn Hoài Nam cũng được biết đến là chồng của Hoa khôi thể thao 1995 kiêm Á hậu quý bà thế giới 2011 Thu Hương.
Ông Nam tốt nghiệp Đại học Ngoại thương, Khoa Quản trị Kinh doanh Đại học Southernb California. Năm 1992-1998, ông Nam giữ vai trò Giám đốc tài chính Công ty 3C Corporation rồi giữ chức vụ Giám đốc tài chính Công ty TTT Corporation. Từ 2005-2006, ông là Tổng giám đốc Công ty Viet Au Investment.
Từ 2007 đến nay, ông Nam giữ vai trò Tổng giám đốc Berjaya Việt Nam (một chi nhánh thuộc tập đoàn Berjaya Corporation Berhad của Malaysia). Đây là đối tác duy nhất của Công ty Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott) trong dự án triển khai kinh doanh xổ số tự chọn tại Việt Nam 210 triệu USD trong 18 năm với rất nhiều vụ người dân trúng trăm tỷ giấu tên.
Đại gia Nguyễn Hoài Nam còn đứng đầu Công ty Cổ phần Truyền thông và Đầu tư Nam Hương và nắm giữ các vị trí chủ chốt trong hàng loạt công ty liên quan tới Berjaya như: Chứng khoán SaigonBank Berjaya, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Làng Nghi Tàm TPC (chủ sở hữu khách sạn Intercontinental Hanoi), thành viên HĐQT Công ty TNHH Berjaya Hồ Tây (chủ sở hữu khách sạn Sheraton Hà Nội),...
Trước khi trở thành đối tác của Vietlott, từ giữa thập kỷ 2000, Berjaya đã chính thức trở thành tập đoàn Malaysia đầu tiên nhận được giấy phép đầu tư và phát triển về bất động sản tại Việt Nam với những dự án như Khu đô thị mới Thạch Bàn (Ha Noi Garden City), Khu đô thị đại học quốc tế Việt Nam - VIUT (3,5 tỷ USD) tại TP.HCM, Nhon Trach New City Center tại Đồng Nai (2 tỷ USD), Dự án Biên Hòa City Square (230 triệu USD), Long Beach Resort tại Phú Quốc, Kiên Giang,...
Mặc dù công bố nhiều dự án lớn nhưng nhiều trong số đó vẫn chưa thể triển khai hoặc bị bỏ hoang như Nhon Trach New City. Dự án Trung tâm tài chính (VFC) được cấp chứng nhận đầu tư từ đầu 2008 với vốn đầu tư 930 triệu USD nhưng cho tới nay vẫn là đất trống,...
Gần đây, Berjaya đã và đang thoái vốn tại khá nhiều dự án đã đầu tư tại Việt Nam. Dự án Khu đô thị Đại học Quốc tế Việt Nam tại Hóc Môn mà Berjaya Việt Nam được cấp phép trong năm 2008 sau 10 năm đã được nhượng tới 97,7% phần vốn góp cho Vinhomes của ông Phạm Nhật Vượng.