Quyết định từ bỏ ngôi biệt thự rộng gần 200m2 ở Mỹ Đình để lên núi của ông Hải (Chủ tịch Công ty BĐS ở Hà Đông) khiến không ít nhân viên và đối tác xôn xao. Có nhà cao cửa rộng như ông là điều bao người mơ ước. Vậy mà, ông sẵn sàn rời bỏ sự xa hoa để đi tìm cho mình một cuộc sống riêng.
Khi đại gia như ông quyết định về quê, lên núi, có người bảo ông hâm hay dở hơi. Nhưng thực tế, họ không sống ở vị trí của ông, họ không hiểu hết được áp lực với một chủ tịch Hội đồng quản trị là thế nào, tiêu tiền ra sao,... trăm thứ đổ vào đầu.
|
Đại gia tìm chỗ ở ẩn, ảnh minh họa. |
Trong một cuộc trò chuyện cách đây không lâu, vị đại gia bỏ biệt thự lên núi ở đã trải lòng: “Có tiền đâu phải là sướng, ai cũng mong kiếm thật nhiều tiền để sướng nhưng rồi lại thấy cực.
Nhưng khi đã “cưỡi lên ngựa”, với vai trò là người chèo lái công ty gồm cả trăm nhân viên, với dự án lên tới tiền trăm tỷ, ông Hải không thể nào “cưỡi ngựa xem hoa”. Mọi thứ ông đều khá chăm chút từ cái thư mời tới hợp đồng, văn bản, ông đều đích thân ký duyệt. Khối lượng công việc lớn, ông hoạt động liên tục từ sáng sớm tới tận khuya vẫn còn phải check email, dặn dò các giám đốc bộ phận...
Thời gian đầu, đám nhân viên thi thoảng cả tuần không gặp ông. Phòng chủ tịch luôn im ắng. Tuy nhiên, họ không được tự do, mọi vấn đề vẫn được ông liên tục kiểm tra giám sát, nhắc nhở qua email, họp trực tuyến để phân công công việc. Nhưng cũng nhờ cái sự “mất tích” của ông mà không ít cấp dưới thở phào nhẹ nhõm về mặt tư tưởng, không còn nơm nớp phải đối mặt với ánh mắt giận dữ hay nghe những lời cáu gắt của ông. Họ cũng tự tin và làm tốt hơn.
Sau nhiều chuyến đi như vậy, ông Hải thấy mình khoẻ khoắn hẳn, tinh thần cũng thư thái. Đặc biệt, ông nhận ra rằng, đã tới lúc cần trao lại quyền cho người kế cận để tĩnh tâm.
Ông lẳng lặng cho người đi tìm một khu đất có địa thế đẹp trên núi, cách Hà Nội không xa để xây cho nhà. Năm ngoái, ông đã rời hẳn dinh cơ về đó. Hàng ngày ông vẫn thường xuyên kiểm tra email, phân công nhắc nhở cấp dưới.
Thời gian còn lại, ông ngồi thiền, vui thú điền viên. Thỉnh thoảng cuối tuần, cả hội đồng quản trị lại lên nhà ông họp vừa để gặp sếp vừa là một cách đi thư giãn.
|
Nhiều khu dành cho giới nhà giàu biệt lập với thế giới bên ngoài. |
Cũng giống như ông Hải, bà Phạm Thị Tâm, giám đốc một công ty tài chính cũng đã lùi về sân sau để nghỉ ngơi. Vẫn giữ chức chủ tịch nhưng bà chỉ xuất hiện trong các cuộc họp lớn, mọi việc bà giao lại cho cấp dưới.
Đại gia về ở ẩn sau khi tham gia một khoá tu ngắn hạn ở Thiền viện. Một tuần sống không điện thoại, không email,... bà mới nhận ra rằng giá trị của cuộc sống không còn ở khối tài sản.
Trước khi lùi về phía sau, bà đã dành hai năm để đào tạo cho lớp kế cận có thể đủ sức đủ tài chèo lái công ty. “Không trực tiếp quản lý công ty cũng là cách trao quyền cho người trẻ, để họ tự tin khẳng định mình. Nhiều khi mình cứ giám sát, can thiệp lại không hay”, bà chia sẻ.
Khác với ông Hải lên núi, bà Tâm chọn một khu biệt thự biển ở Đà Nẵng. Nơi hàng này bà có thể ngồi thiền, chạy bộ trên bãi cát, đêm nghe tiếng sóng biển rì rào.
Trên thế giới, nhiều tỷ phú sở hữu những ngôi nhà giữa rừng hay khu resort ngoài đảo khơi. Hơn 30 năm trước, Richard Branson mua đảo Necker, thuộc quần đảo British Virgin với 180.000 bảng Anh (285.000 USD). Hiện tại, hòn đảo này có giá khoảng 100 triệu USD. Tỷ phú người Anh đã biến hòn đảo 74 hecta thành một khu nghỉ dưỡng cao cấp với những ngôi nhà kiểu Bali và 60 nhân viên phục vụ.
Tỷ phú giàu nhất thế giới Bill Gates thường tới Rancho Paseana - trang trại ngựa có diện tích lên tới hơn 900.000 m2 tại Rancho Santa Fe để xả hơi, thư giãn vào mỗi kỳ nghỉ.
Giản dị phải kể tới tỷ phú Nhật. Họ thích cách sống thầm lặng, hòa nhập vào cộng đồng. Chính bởi quan điểm trên đã khiến cho những tỷ phú ở Nhật Bản không thích xây biệt thự quá lớn, không muốn ở biệt thự siêu sang, sống cô lập như hầu hết các tỷ phú khác trên thế giới.
Có thể nói, sự phát triển về công nghệ đã khiến cho khoảng cách không còn là rào cản. Đó cũng là cơ hội cho những người lãnh đạo có thêm khoảng thời gian “đi trốn” để hưởng thụ cho riêng mình.
Xu hướng này cũng đang hình thành ở không ít nhà lãnh đạo trẻ. Thỉnh thoảng, họ vẫn “xách ba lô lên đường” hay tham gia các khóa tập thiền 10-15 ngày, thậm chí cả tháng, tạm rời xa cuộc sống ồn ào, bon chen nơi phố thị để tìm đến sự tĩnh lặng, an yên trong tâm tưởng.
Và có lẽ nhờ thế, khi nghe ai đó nói rằng mình "dở hơi" họ chỉ mỉm cười thay cho lời đáp "tôi không dở" và mãn nguyện với lối sống 'thời thượng; của mình.