Liên kết sản xuất cho ra sản phẩm chất lượng, cây thạch đen đặc sản Lạng Sơn đang được khách hàng Trung Quốc, Ấn Độ bao mua lượng lớn. Khách Đài Loan, Hong Kong hay Malaysia muốn đặt mua phải “xếp hàng” chờ tới lượt bởi không đủ cung.
Từ chối bớt khách vì không đủ hàng
Nếu lần đầu đi qua những cánh đồng xanh um ở vùng miền núi biên giới Tràng Định (Lạng Sơn), nhiều người sẽ nhầm tưởng thạch đen (sương sáo) là cây dại. Thế nhưng, loại cây này lại là đặc sản nổi tiếng của địa phương, là thế mạnh của huyện miền núi giúp người nông dân nơi đây đổi đời.
Ông Lý Văn Giang - dân tộc Nùng - khoe gia đình ông có 5 nhân khẩu nên trồng được 1,4 mẫu thạch đen, sản phẩm được doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ với giá cao. Nhờ vậy, mỗi vụ ông thu về khoảng 100 triệu đồng.
Ông kể, trước đây cuộc sống vốn khó khăn vất vả, người dân trồng lúa trên vùng đồi núi năng suất thấp, thu không đủ ăn. Từ năm 2000, người dân bắt đầu trồng thạch đen, thu nhập tăng hơn so với trồng lúa, nhưng hàng chủ yếu bán cho thương lái xuất khẩu sang Trung Quốc dưới dạng thô nên giá cả bấp bênh. Thời điểm nào thương lái mua nhiều được giá 15.000 đồng/kg (cây thạch phơi khô). Còn khi khó xuất khẩu giá rớt, hàng cũng khó bán.
|
Thạch đen là cây đặc sản bản địa của tỉnh Lạng Sơn (ảnh: Đ.Anh) |
Từ năm 2021 đến nay, ông Giang không còn lo vấn đề đầu ra của cây thạch đen nữa. Bởi, vào mùa thu hoạch doanh nghiệp đều bao tiêu hết với giá 30.000-40.000 đồng/kg tuỳ chất lượng.
“Ngày trước tôi trồng thạch theo phương thức truyền thống, mua bán tự do với thương lái. Giờ liên kết với doanh nghiệp sản xuất, trồng đúng quy trình họ yêu cầu nên giá bán ra cao, thu nhập cũng ổn định”. Ông Giang nói rồi khoe, trồng một vụ thạch cho thu bằng 3 lần trồng lúa. Thế nên, ông tậu được tivi to, sắm được tủ lạnh, xe máy.
Ông cho biết, do gia đình ít ruộng, thạch trồng không nhiều. Còn những hộ khác nhiều đất có thể thu được vài trăm triệu đồng một vụ, xây nhà to, sắm sửa đủ thứ. Đời sống người dân nơi đây dần sung túc, ấm no hơn ngày trước rất nhiều.
Ông Hà Việt Quý, chủ một doanh nghiệp sản xuất thạch đen xuất khẩu ở Lạng Sơn, cho biết, ông đang liên kết hớn 500 hộ dân ở Tràng Định để trồng cây thạch đen. Đến ngày thu hoạch, loại cây này sẽ được doanh nghiệp của ông bao tiêu toàn bộ theo giá đã ký thoả thuận trước đó.
|
Nhờ liên kết sản xuất mà người nông dân ở các huyện miễn núi của tỉnh Lạng Sơn có thu nhập ổn định (ảnh: Đ.Anh)
|
Hiện ông thu mua cây thạch đen khô của những hộ dân liên kết ở mức giá 40.000-42.000 đồng/kg.
Theo ông Quý, thạch đen là cây bản địa, được người dân nơi đây trồng đã nhiều năm. Loại cây này có tiềm năng phát triển thành mũi nhọn kinh tế của tỉnh Lạng Sơn. Tuy nhiên, từ trước đến nay, cây thạch đen chủ yếu phơi khô và xuất thô sang thị trường Trung Quốc, giá cả không ổn định.
“Tôi đã mất một thời gian khá dài để tìm hiểu về loại cây đặc sản này, thậm chí sang cả Trung Quốc, Đài Loan để học hỏi quy trình chế biến cây thạch theo hướng hiện đại”, ông chia sẻ. Sau đó, ông quyết định chi hơn 30 tỷ đồng để mua công nghệ chế biến của Đài Loan đem về xây dựng nhà máy, liên kết cùng nông dân để phát triển cây thạch đen theo hướng bền vững.
Thay vì làm sản phẩm xuất thô, doanh nghiệp của ông Quý phát triển sản phẩm theo hướng nâng cao giá trị, tiện lợi cho người sử dụng. Các sản phẩm từ cây thạch đen hiện đã đạt OCOP 4 sao cùng các chứng chỉ tiêu chuẩn khác đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm.
|
Cây thạch sau thu hoạch được phơi khô bán cho nhà máy sản xuất với giá cao (ảnh: Đ.Anh)
|
“Sản phẩm chế biến từ cây thạch đen chủ yến xuất khẩu sang thị trường truyền thống Trung Quốc và Ấn Độ. Các khách hàng khác từ Đài Loan, Hong Kong, Malaysia cũng ngỏ ý muốn mua nhưng tôi chưa đủ hàng để bán cho họ, bởi vùng nguyên liệu vẫn còn nhỏ”, ông cho hay.
Vậy nên, thời gian tới ông Quý có kế hoạch mở rộng vùng liên kết sản xuất nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu, đưa cây thạch đen trở thành cây thế mạnh của các huyện miền núi tỉnh Lạng Sơn.
Thành cây đặc sản nghìn tỷ
Trao đổi với PV. VietNamNet, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lạng Sơn Lý Việt Hưng cho biết, thạch đen là cây trồng bản địa của tỉnh. Cây này dùng để chế biến ra món thạch ăn giải nhiệt vào mùa hè, có nhiều tác dụng tốt cho sức khoẻ.
Sản xuất thạch đen cũng là nghề truyền thống của địa phương, nhất là ở các huyện Tràng Định. Song, trước năm 2021, cây thạch đen thường được xuất khẩu thô sang Trung Quốc theo hình thức tiểu ngạch. Từ năm 2021 đến nay, thạch đen được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường 1,5 tỷ dân này. Nhờ vậy, giá cả ổn định hơn trước rất nhiều.
|
Trước kia thạch thường được xuất khẩu dưới dạng thô, nay được đưa vào chế biến sâu (ảnh: Đ.Anh)
|
|
Sản phẩm sản xuất ra được xuất khẩu sang Trung Quốc và Ấn Độ (ảnh: D.Anh)
|
Theo ông Hưng, diện tích cây thạch đen tại tỉnh Lạng Sơn năm 2021 vào khoảng 3.200ha, trong đó trồng chủ yếu tại huyện Tràng Định. Các mô hình liên kết sản xuất loại cây đặc sản này để phục vụ xuất khẩu xuất hiện ngày càng nhiều.
“Trước thì chủ yếu xuất bán cây khô. Nay có nhiều sản phẩm chế biến như thạch đen ăn liền, tán bột đóng gói. Đáng nói, sản phẩm tán bột này khi người tiêu dùng mua về chỉ việc cho vào nồi nước theo tỷ lệ hướng dẫn trên bao bì rồi đun sôi lên là có món thạch ngon”, ông giới thiệu và khẳng định đây là sản phẩm tiện ít, được sản xuất theo công nghệ hiện đại, đang được thị trường ưa chuộng.
Năm vừa qua, giá thạch đen đạt mức từ 30.000-40.000 đồng/kg, sản lượng đạt 16.000 tấn, tăng 36% so với năm 2020. Với mức giá này, người nông dân trồng thạch đen thu về khoảng 480-640 tỷ đồng.
Lạng Sơn đã đưa thạch đen là cây trong danh mục sản phẩm nông sản chủ lực của địa phương để chỉ đạo phát triển theo chuỗi sản xuất khép kín, đẩy mạnh sản phẩm chế biến sâu.
Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh sẽ mở rộng diện tích trồng thạch đen lên khoảng 10.000 ha/năm, sản lượng 60.000 tấn và tiềm năng của tỉnh có khả năng mở rộng diện tích lên khoảng 30.000 ha/năm. Thời gian tới, đây sẽ là cây trồng giúp nông dân thu về hàng nghìn tỷ đồng.