Loài cá kỳ lạ: biết leo cây, chạy nhảy
Cá leo cây (cá thòi lòi hay cá lác ngoách) xuất hiện nhiều ở những ven biển vùng bùn đất ngập mặn như Cần Giờ, Nhơn Trạch, Gò Công, Bạc Liêu, Cà Mau và vùng biển phía bắc Ninh Bình. Đây là loài động vật lưỡng cư, có hình thù gần giống với cá bống sao nhưng da xù xì và hai mắt lồi to trên chóp đầu.
|
Kỳ lạ loài cá biết leo cây (Ảnh: Gia Đình và Xã Hội) |
Những ai đã từng nghe đến loài cá dị hình này thì khi tận mắt chứng kiến cảnh chúng đi lại, chạy nhảy, thậm chí leo lên cây đều phải trầm trồ thán phục. Theo Gia đình và Xã hội, dựa vào đặc điểm di chuyển như thế nên người phương Tây gọi chúng là loài "cá đi bộ". Còn Tổ chức Sinh vật thế giới xem chúng là một trong 6 loài vật "kỳ lạ nhất hành tinh".
Thịt cá thòi lòi săn chắc, mềm và thơm ngon, được chế biến thành nhiều món ăn ngon, trở thành một trong những đặc sản có tiếng, mang nét rất riêng của vùng đất miền Tây nói chung và Cà Mau nói riêng. Cá thòi lòi khô hiện được bán ra thị trường với giá khoảng 350.000-400.000 đồng/kg.
Đặc sản dị tên là cỗ lá ở Tây Bắc
Cỗ lá là món ăn truyền thống của đồng bào Mường ở vùng Tây Bắc. Theo Báo Dân Việt, nói đến món cỗ lá của người Mường là nói đến sự độc đáo từ khâu lựa chọn nguyên liệu, cách chế biến đến việc bày trên mâm.
|
Mâm cỗ lá truyền thống của người Mường ở Hòa Bình được xác lập lớn nhất Việt Nam. (Ảnh: Báo Tin Tức) |
Trong mâm cỗ lá của người Mường không thể thiếu món đặc trưng, đó là món rau đồ. Nguyên liệu để chế biến món rau đồ khá dễ kiếm, là các loại rau, lá có trên rừng, được trộn lẫn, rửa sạch rồi thái nhỏ trước khi cho vào đồ. Cỗ lá của người Mường cũng có món ăn rất độc đáo, mang đậm bản sắc cổ truyền, đó là món chả cuốn lá bưởi. Để làm nên món này, ngoài lá bưởi còn có thịt lợn của người Mường nuôi, loại thịt ba chỉ có lẫn nạc và mỡ, hành củ, hạt sẻng, hạt dổi, rau thơm các loại và không quên chuẩn bị than hoa.
Ngày 7/12/2019, tại liên hoan ẩm thực và nghề truyền thống Hoà Bình, các nghệ nhân ẩm thực Mường đã tạo nên một mâm cỗ lá đặc sắc nhất Việt Nam và được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam - Hội Kỷ lục gia Việt Nam trao bằng chứng nhận xác lập kỷ lục mâm cỗ lá truyền thống của người Mường ở Hòa Bình lớn nhất Việt Nam.
Cô gái biến vỏ trái cây thành sản phẩm hữu ích
Đang là việc ở một công ty bảo hiểm với mức lương tương đối ổn định, tình cờ biết đến nghiên cứu của một tiến sĩ người Thái về phương pháp ngâm ủ và lên men các phế phẩm nông sản để tạo ra Enzyme sinh học Bùi Thị Bích Ngọc (SN 1987, Thanh Hóa) đã say mê và yêu thích công nghệ này.
"Đó là một công nghệ khá mới mẻ ở Việt Nam lúc bấy giờ. Sau khi tìm hiểu tôi thấy ở ngay chính quê hương mình có rất nhiều vùng trồng dứa xuất khẩu, đây là điều kiện thuận lợi cho sản xuất.", chị Ngọc kể trên báo Dân Trí.
Năm 2019, chị Ngọc từ bỏ công việc ở công ty bảo hiểm rồi về quê cùng chồng mở xưởng, thành lập công ty rồi tập trung sản xuất nước rửa tay, nước giặt, nước rửa chén bằng công nghệ Eco Enzyme. Theo chị Ngọc, ưu thế lớn nhất của công nghệ Enzyme đó là các sản phẩm được làm hoàn toàn 100% nguyên liệu tự nhiên, không có hóa chất độc hại. Việc tận dụng các phế phẩm nông sản còn góp phần bảo vệ môi trường từ các nhà máy chế biến nông sản.
Chuỗi cửa hàng không người bán, mua trước trả tiền sau
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều cửa hàng trên địa bàn TP. Hà Nội đã có những mô hình mới lạ nhằm thuận tiện cho việc kinh doanh cũng như đáp ứng yêu cầu giãn cách xã hội.
|
Cửa hàng không người bán, mua hàng trước trả tiền sau ở Hà Nội (Ảnh: Người Lao Động) |
Báo Người Lao Động cho hay, có một chuỗi của hàng ở Hà Nội đã thực hiện mở hệ thống "Cửa hàng không người bán", trong đó các mặt hàng rau, củ, quả các loại... được đóng gói với giá niêm yết dán bên ngoài, người mua tự lựa chọn và tự trả tiền. Mô hình này dựa trên sự trung thực, tự giác của khách hàng. Nếu hoàn cảnh khó khăn có thể mua trước trả tiền sau. Tất cả những mặt hàng ở đây đều đồng giá 10.000 đồng/1 sản phẩm.
Chế tác bìa carton thành sản phẩm độc đáo, giá tiền triệu
Vốn là một thợ làm non bộ chuyên nghiệp, anh Nhật (trú quận 12, TP.HCM) đã lấy bìa carton để tạo ra những hòn non bộ độc đáo.
Anh Nhật kể trên Dân Việt, trong mùa dịch, ở nhà rảnh, anh nghĩ đến việc sử dụng các nguyên liệu có sẵn trong nhà để làm vài món giả đá. “Suy nghĩ mãi, tôi thấy chỉ có giấy làm là ổn nhất, không bụi bặm như mài đá, không bẩn như xi măng mà lại không nặng nề. Nguyên liệu trong nhà thì có sẵn như vỏ thùng mì tôm, giấy vệ sinh”, anh cho hay.
Chỉ mới bắt đầu làm một tháng, anh Nhật đã hoàn thiện được 2 sản phẩm non bộ từ bìa carton. Các mô hình non bộ này có thể sử dụng để trang trí trong nhà, làm đẹp không gian sống, thậm chí có thể sử dụng làm tiểu cảnh bể cá. Vì đây là sản phẩm làm từ giấy nên cần chú ý không để thấm nước. Nếu muốn trang trí bể, hồ cá cần làm kỹ bước quét keo và làm thêm một lớp chống thấm nước trước khi sơn giả đá. Giá bán mỗi sản phẩm từ 1 triệu đồng trở lên.
Chàng phụ hồ làm cây tí hon nhìn như thật, khách mua ầm ầm
Do thuê trọ ở vùng ngoại ô TP.HCM, cây cỏ, đồng ruộng nhiều, anh Lê Mỹ Dặm (sinh năm 1992) bắt đầu lên ý tưởng lấy bẹ chuối khô, gốc cây tranh, xơ dừa,... về hiện thực hóa ý tưởng làm cây khô.
Sau một thời gian học hỏi cách phối và tô màu, anh đã làm được những cây khô mà nếu chỉ nhìn qua, nhiều người còn tưởng là cây thật. Do thời gian làm lâu, mỗi sản phẩm thường bán giá cao. Khách hàng liên hệ đặt mua nhiều nhưng anh thường nhắn tin từ chối.