Trên con đường sinh tồn trong cuộc chiến thương mại với Mỹ, các công ty xuất khẩu của Trung Quốc không có cách gì khác ngoài việc thay đổi chính mình để trở thành 'muôn hình vạn trạng', theo một bài viết trên AFP.
|
Các doanh nghiệp Trung Quốc đang đau đầu nghĩ các chiêu để 'né' thuế quan của Mỹ. Ảnh AFP |
Các nhà máy dọc bờ biển phía Đông Trung Quốc, các nhà xuất khẩu nước ép trái cây ở miền Trung và nông dân ở miền Nam Trung Quốc đã buộc phải thay đổi mô hình kinh doanh kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động cuộc chiến thuế quan, tăng thuế nhập khẩu đối với mọi sản phẩm của Trung Quốc vào nước Mỹ, từ xe máy đến các thiết bị, máy móc MRI.
Nhưng bất kể chiến thuật sinh tồn được áp dụng là gì đi nữa, giờ là thời khắc khó khăn và mọi thứ còn đang tồi tệ đi hơn nữa khi cả Trung Quốc và Mỹ thi nhau ăn miếng trả miếng đưa ra các mức thuế quan mới cho hàng hóa xuất khẩu của cả hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này.
"Nó ảnh hưởng lên tất cả các nhà xuất khẩu của chúng tôi. Giờ thì chúng tôi buộc phải tính thêm cả các khoản thuế phải trả vào tờ báo giá mới", một giám đốc bán hàng của nhãn hiệu nước ép hoa quả Shaanxi Hengtong nói với AFP.
Xuất khẩu nước ép táo của Trung Quốc tới Mỹ đã giảm tới 93% trong nửa đầu năm nay sau khi ông Trump nâng mức thuế nhập khẩu lên mặt hàng này kể từ tháng 9 năm ngoái.
|
Táo xuất khẩu của Trung Quốc. Ảnh AFP |
Công ty nước ép trái cây Shaanxi Hengtong xuất khẩu hầu hết sản phẩm của mình ra nước ngoài, do vậy một số công ty con đã buộc phải cầm cố hết số cổ phiếu đang có làm tài sản thế chấp cho một khoản vay khác của họ vào năm ngoái.
Không chỉ vậy, ngành công nghiệp chế biến cá của Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng nặng nề của các mức thuế quan mới mà Mỹ áp đặt.
Trung Quốc là nhà cung cấp chính rô phi đông lạnh cho thị trường Mỹ, nhưng những mặt hàng xuất khẩu này cũng đã giảm đáng kể trong năm nay và các nông dân nuôi cá đang buộc phải trở lại với thị trường nội địa.
"Hoa Kỳ đang hưởng lợi từ lợi thế thị trường và 'bắt nạt' các nhà cung cấp cá rô phi nhỏ lẻ", Liên minh vì sự bền vững của cá rô phi tỉnh Hải Nam viết trên tài khoản WeChat.
"Cuộc chiến thương mại là cú đấm cuối cùng khiến ngành công nghiệp này bị 'đo ván'.
Nhóm liên minh thương mại này đã vắt óc suy nghĩ để tìm cách gia tăng doanh thu tại thị trường trong nước. Nhưng thị hiếu khác nhau đã khiến cho sản lượng buộc phải cắt giảm.
"Mặt hàng cá rô phi được bán rất chạy ở Mỹ bởi nó được tẩm bột và chế biến, nhưng thịt của nó lại khá nhạt nhẽo. Trong khi đó người Trung Quốc lại thích cá tươi và đậm vị cá hơn", Even Pay, một nhà phân tích nông nghiệp tại Công ty Tư vấn Trung Quốc cho biết.
Công ty chế biến cá lớn Evergreen Aquatic ở thị trấn Triệu Khánh thì buộc điều chỉnh lại nhà máy của mình trong mùa đông tới để tập trung đưa ra sản phẩm phục vụ thị trường nội địa, theo thông tin trên tờ Undercurrent News.
Những công ty khác trong ngành công nghiệp đang gặp khó này khi chưa nghĩ ra kế sách gì mới thì buộc phải gồng mình đương đầu với 'nỗi đau thuế quan'.
Một số công ty Trung Quốc đã chuyển sản xuất ra nước ngoài đến các nước như Indonesia, Việt Nam và Malaysia để né thuế quan Mỹ áp dụng đối với các sản phẩm đến từ Trung Quốc.
Tập đoàn dệt may Jasan Group, đơn vị chuyên cung cấp nguyên liệu cho Nike và Adidas, nhà sản xuất phụ tùng xe đạp HL Corp, và nhà sản xuất sợi công nghiệp Zhejiang Hailide New Material đã buộc phải chuyển các cơ sở sản xuất của mình sang Việt Nam.
|
Công nhân một nhà máy sản xuất linh kiện ô tô, xe máy của Trung Quốc. Ảnh AFP |
Nhưng cuộc chiến thương mại, nhìn ở một bình diện khác lại có tác dụng tích cực, giúp đỡ một số ngành khác ở Trung Quốc.
"Mức thuế trả đũa của chính phủ (Trung Quốc) đã giúp chúng tôi trồng nhiều đậu tương hơn, nhờ sự trợ giá của chính phủ, thu nhập của chúng tôi đã gia tăng", Sun Changhai, một nông dân thuộc một hợp tác xã nông nghiệp ở khu vực phía Bắc Nội Mông cho biết.
Mặc dầu được chính phủ trợ giá nhưng sản lượng đậu tương của Trung Quốc vẫn còn thấp và 85% lượng tiêu thụ đậu tương hằng năm vẫn buộc phải đến từ nhập khẩu, trong đó không ít đến từ các nhà sản xuất hàng đầu của Mỹ.
"Chúng tôi buộc phải giảm giá để hỗ trợ phần nào giúp các nhà nhập khẩu Mỹ bớt trả thuế", Andy Zhou thuộc công ty Anytone, một trong những nhà sản xuất thiết bị thu thanh của Trung Quốc nói.
Lượng xuất khẩu thiết bị thu thanh sang Mỹ đã giảm xuống còn 33 triệu USD trong 6 tháng đầu năm 2019 so với con số 230 triệu USD của năm ngoái.
Ông Zhou cũng đang tìm kiếm các thị trường khác ở châu Á và châu Âu để khỏa lấp lỗ hổng doanh thu mà công ty đang phải hứng chịu.
Một số nhà sản xuất thiết bị vô tuyến cấp thấp buộc phải tính đến các biện pháp quyết liệt để tránh né thuế quan của Mỹ, thậm chí bằng cách hoán đổi mã hải quan để không bị áp thuế khi vào Mỹ.