Cực nhọc nghề "trộm" mật ong dừa chỉ có ở miền Tây

Google News

Người thợ lấy mật ong đi hết vườn này qua vườn khác để tìm bắt tổ ong tận ngọn dừa. Họ phải là việc âm thầm vì sẽ có thể bị đuổi nếu chủ nhà phát hiện.

Hơn 30 năm làm nghề lấy mật ong, ông Lê Văn Nhánh (62 tuổi, ngụ ở xã Hữu Định, Châu Thành, Bến Tre) nói rằng, ở bán kính 25km quanh nhà không có vườn dừa nào ông chưa từng ghé. Người đàn ông thậm chí còn khẳng định rằng mình "nhớ rõ từng gốc dừa, từng liếp dừa có đặc điểm ra sao".

Cực nhọc nghề "trộm" mật ong dừa chỉ có ở miền Tây (Thực hiện: Nguyễn Cường).

Ngày nắng cũng như ngày mưa, cứ 7h, nhóm đồng nghiệp của ông Nhánh lại tập trung ở một địa điểm đã định sẵn, thống nhất ai sẽ đi hướng nào. Đồ nghề của họ chỉ có một chiếc rổ tre, một con dao nhỏ và một sợi dây vải.

Sau khi chia "địa bàn", mỗi người sẽ tỏa đi một hướng. Ông Nhánh nhận cho mình những vườn dừa ở một xã cách nhà hơn 20km. "Ngày xưa là đi bộ, sau đó là đi xe đạp, giờ có xe máy nên đi được xa hơn, cũng đỡ cực hơn", ông Nhánh nói.

Cuc nhoc nghe

Người thợ luôn phải ngửa mặt lên ngọn dừa để tìm tổ ong (Ảnh: Nguyễn Cường).

Đến nơi, gửi xe máy ở một nhà ven đường, ông Nhánh lội qua con mương đi vào những vườn dừa để bắt đầu một ngày làm việc. Người đàn ông đi thông vườn này sang vườn khác, biết rõ từng đường đi lối lại, biết rõ vườn nào có chó, vườn nào hay có mật.

Dù lội sình, đi qua bụi rậm hay những lối nhỏ quanh co thì lúc nào mặt ông Nhánh cũng trong trạng thái ngửa lên trời. Một bàn tay dơ cao che gần hết mặt, đôi mắt nheo lại như xạ thủ đang ngắm bắn. Ông Nhánh nói che cho đỡ chói, càng tối càng dễ thấy được tổ ong.

"Nghề này không khác gì đi ăn trộm, phải đi âm thầm không để chủ nhà biết. Cứ vườn có mật là vào, chủ đuổi thì ra. Có vườn chủ dễ, người ta cho, có vườn người ta đuổi vì sợ mình cắt lá ảnh hưởng trái dừa.

Hơn ba chục năm đi làm rồi, vườn dừa khắp mấy huyện xung quanh đều từng vào hết, thuộc từng liếp dừa, chỗ nào hay có mật cũng đều biết cả. Như vườn này, khoảng một tháng sau có đợt mật mới lại đến lần nữa", ông Nhánh nói.

Ong mật thường chọn những cây dừa cao trên 10m để làm tổ. Tổ ong thường chỉ to bằng bàn tay, treo ở dưới tàu dừa, lại bị ong bu kín thành một cục màu đen nên rất khó thấy.

Đi bộ liên tục qua các vườn, ông Nhánh nói rằng trung bình cứ khoảng 30 phút mới bắt gặp một tổ. Khi thấy tổ ong, người thợ sẽ quan sát kỹ, đánh giá xem tổ đủ lớn chưa, có mật không rồi mới bắt.

Để lấy tổ ong, ông Nhánh phải trèo lên tận ngọn dừa. Công cụ hỗ trợ chỉ có sợi dây vải lồng vào nối hai bàn chân để trèo đỡ mất sức. Gặp cây cao quá, có khi người thợ già phải nghỉ giữa chừng mấy bận.

Lên đến nơi, ông Nhánh đốt đám khói thổi vào tổ để đàn ong "chậm chạp hơn và hiền lại". Tiếp đó, một tay ôm lấy thân dừa, tay còn lại ông Nhánh cầm con dao cắt luôn cả tàu dừa nơi ong làm tổ. Người thợ tuột xuống, nắm chắc chiến lợi phẩm trên tay đảm bảo tổ ong không bị rơi vỡ, mất giá trị.

Chạm mặt đất, ông Nhánh sẽ cắt tổ ong ra khỏi tàu dừa. Tổ ong được xếp ngay ngắn, nhẹ nhàng trong chiếc rổ tre rồi phủ lên bằng lớp vải mỏng, không ít tổ vẫn còn đàn ong bu kín.

Liên tục đi bộ, leo cây, lội sình, cứ bắt được khoảng 3 tổ ong ông Nhánh lại phải ngồi nghỉ một lúc. Tấm áo mỏng đã ướt đẫm mồ hôi, người đàn ông ngồi xuống, thở hồng hộc.

Ông Nhánh bảo rằng, mấy năm trước ông đã tính nghỉ công việc bắt ong nguy hiểm. Nhưng, đùng một cái con trai bị bệnh qua đời, con dâu bỏ đi, để lại đứa cháu đang ăn học, vì vậy mà dù sức đã yếu ông vẫn phải ráng đi làm.

"Làm nghề này cực lắm, lại nguy hiểm, ong chích cũng đau lắm, sưng tím hết tay chân. Vậy mà mỗi tổ bán chừng 20.000-30.000 đồng, đi cả buổi cũng chỉ được hơn trăm nghìn đồng là nhiều, không có nghề gì nên phải ráng bươn theo", vừa nói ông Nhánh vừa xoa bóp đôi cánh tay bầm tím.

Mật ong mật có giá khoảng 1,4 triệu đồng mỗi lít, cao gấp 4 lần mật ong ruồi. Tuy nhiên do mỗi tổ thường chỉ có mấy giọt mật nên phải tìm cả tuần người thợ mới gom được một lít.

Theo Dân Trí

>> xem thêm

Bình luận(0)