Cty Phú Mỹ kiến nghị “trả góp” khoản nợ ngân sách hơn 350 tỷ đồng
Liên quan thông tin Cty Phú Mỹ nợ 350 tỷ ngân sách, mới đây, giới truyền thông đưa tin UBND TP HCM đã chuyển cho Kiểm toán Nhà nước kiến nghị của Công ty CP đầu tư xây dựng Phú Mỹ (gọi tắt Công ty Phú Mỹ; PMC) - Chủ đầu tư dự án đường kết nối cầu Phú Mỹ, về việc cho phép trả góp khoản tiền phải hoàn trả ngân sách Nhà nước hơn 350 tỷ đồng.
Số tiền Công ty Phú Mỹ nợ ngân sách nêu trên liên quan đến sai phạm về phê duyệt quyết toán sai lệch 355 tỷ đồng tại dự án xây dựng đường kết nối với cầu Phú Mỹ mà Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra trước đó.
Tuy nhiên, đến ngày 25/6/2020, Công ty Phú Mỹ mới nộp ngân sách 5 tỷ đồng và đề nghị cho trả góp hơn 350 tỷ đồng còn lại theo phương thức thanh toán từng quý, chia thành 10 đợt, bắt đầu từ tháng 10/2020 và dự kiến đến tháng 12/2022 sẽ nộp đủ về ngân sách.
|
Cầu Phú Mỹ. (Ảnh: Zing). |
Lùm xùm tai tiếng tại BOT cầu Phú Mỹ
Theo tìm hiểu của PV, cầu Phú Mỹ được UBND TP HCM ký hợp đồng giao Công ty Phú Mỹ xây dựng theo hình thức BOT vào năm 2005 và khởi công năm 2007. Tại thời điểm hợp đồng được ký kết, tổng số vốn của dự án là hơn 1.806 tỷ đồng, trong đó vốn tự có của PMC là 30% (khoảng 542 tỷ) còn 70% là vốn đi vay (1.264 tỷ).
Trong quá trình thi công, UBND TP HCM đã yêu cầu bổ sung thiết kế kỹ thuật cầu, tăng hệ số chống ảnh hưởng của sóng thần và dư chấn động đất. Vì vậy, PMC đề xuất điều chỉnh vốn lên 2.176 tỷ đồng, chưa kể lãi vay ngân hàng nước ngoài trong thời gian thực hiện đầu tư dự án.
Sau hơn 2 năm thi công, tháng 9/2009 cầu Phú Mỹ được đưa vào sử dụng và được xem là cây cầu biểu tượng của TP HCM. Đây là cầu dây văng có quy mô lớn nhất nước với chiều dài hơn 2 km, tĩnh không thông thuyền 45 m. Tuy nhiên, sau đúng 8 năm đưa vào sử dụng, cây cầu Phú Mỹ liên tục xảy ra lùm xùm.
|
Đây là vị trí được cho là khe hở gần 1m trên cầu dây văng lớn nhất TP HCM (phía bờ quận 2)... |
Cụ thể, năm 2017, Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận thanh tra các dự án BOT và BT trên địa bàn TP HCM. Đồng thời kiến nghị xử lý sai phạm với số tiền trên 2.100 tỷ đồng tại 6 dự án, trong đó có dự án xây dựng cầu Phú Mỹ, dự án đường kết nối cầu Phú Mỹ.
Lùm xùm tiếp theo là vào tháng 8/2015, xuất hiện tin đồn trên cây cầu Phú Mỹ có vết nứt, nguy cơ đổ sập khiến dư luận hoang mang. Tuy nhiên đối với những người am hiểu thì đây không phải là vết nứt mà là khe hở kỹ thuật đúng với thiết kế cầu dây văng.
Trước sự việc nói trên, lãnh đạo TP HCM đã chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm những kẻ tung tin đồn nhảm gây bất an dư luận. “Chúng tôi khẳng định, so với bảng thiết kế và quá trình kiểm tra thực tế cây cầu Phú Mỹ sau hơn 6 năm đưa vào sử dụng, khoảng hở này vẫn không thay đổi và cầu Phú Mỹ vẫn an toàn tuyệt đối; hơn 100 năm sau vẫn không có vấn đề gì xảy ra”, ông Vũ Văn Thủ - Phó Tổng Giám đốc công ty BOT cầu Phú Mỹ cho biết.
Ngoài ra, cầu Phú Mỹ cũng là nỗi ám ảnh của giới tài xế khi lưu thông qua lại vì thảm cảnh kẹt xe và nghiêm trọng nhất là tại khu vực 2 dốc cầu liên tiếp xảy ra nhiều vụ TNGT thảm khốc.
Dự án BT Phú Mỹ đã được Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra hàng loạt sai phạm. Việc chuyển đổi hình thức đầu tư chưa được UBND TP HCM gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành có liên quan lấy ý kiến để xây dựng danh mục và công bố dự án theo quy định.
Công tác lựa chọn nhà đầu tư không tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật. Công tác thẩm định, phê duyệt dự án, dự án BT Phú Mỹ không lập, phê duyệt theo quy định, thiếu nội dung thuyết minh về hiệu quả đầu tư, sự cần thiết phải đầu tư theo hình thức PPP…
Công tác lựa chọn nhà thầu, thương thảo, ký kết và thực hiện hợp đồng tại dự án BT đường dẫn Phú Mỹ, nhà đầu tư không thông báo với UBND TP HCM về kết quả lựa chọn theo quy định của Chính phủ. Chi phí đầu tư dự án BT Phú Mỹ được phê duyệt quyết toán còn nhiều sai sót, qua kiểm toán phải giảm trừ 368,296 tỷ đồng, có những nội dung chưa đủ cơ sở pháp lý, chưa phù hợp với các quy định của hợp đồng BT với giá trị 646,585 tỷ đồng,…
Báo cáo quyết toán dự án chưa phù hợp và bảo đảm tính pháp lý như xác định tổng chi phí đầu tư vượt tổng vốn đầu tư, vượt giá trị hợp đồng BT và các phụ lục đã ký đến thời điểm trình thẩm tra quyết toán; các cơ sở xác định chi phí đầu tư chưa căn cứ vào các thỏa thuận giữa hai bên tại hợp đồng BT và quy định của pháp luật.
Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất việc tuân thủ quy định về quản lý chất lượng công trình. Việc thanh toán thực hiện dự án cho PMC với tổng số tiền hàng nghìn tỷ đồng nhưng không lập kế hoạch, phương án phân bổ đầu tư trình HĐND TP HCM quyết định, không phân bổ và giao kế hoạch vốn cho dự án, khi chưa phê duyệt điều chỉnh tổng vốn đầu tư và điều chỉnh giá trị hợp đồng BT.