Áp lực từ cơn sốt giá nguyên vật liệu cùng với sự hoành hành của đại dịch COVID-19 khiến hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn và đặc biệt là doanh nghiệp xây dựng.
Trong đó hai ông lớn trong ngành là Coteccons (CTD) và Xây dựng Hòa Bình (HBC) cũng không ngoại lệ, đánh giá chung hoạt đông kinh doanh chính đều bị sụt giảm, cổ phiếu cũng lình xình.
Biên lãi gộp đều sụt giảm, nhờ hoạt động tài chính cứu cánh
Quý 2/2021 là quý thứ 2 điều hành trọn vẹn dưới thời Chủ tịch mới ông Bolat Duisenov thuộc nhóm cổ đông Kusto thay ông Nguyễn Bá Dương tại Coteccons.
Trong kỳ, Coteccons ghi nhận doanh thu 2.550 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ. Giá vốn giảm chậm hơn khiến lợi nhuận gộp chỉ bằng một nửa cùng kỳ năm trước, ở mức 135 tỷ đồng.
Sau khi trừ chi phí, Coteccons báo lãi ròng 45 tỷ đồng, giảm 71% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức thấp nhất kể từ quý 1/2013. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Coteccons ghi nhận 5.119 tỷ doanh thu và 99 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 32% và 65% so với cùng kỳ.
Như vậy, sau khi Kusto nắm quyền, kết quả kinh doanh của Coteccons vẫn chưa cho thấy những biến chuyển khả quan, thậm chí, lợi nhuận của "ông lớn" ngành xây dựng còn liên tục lao dốc.
Mới đây nhất, Ban Tổng giám đốc Coteccons vừa thông qua Nghị quyết không ký hợp đồng mới hoặc dừng hợp đồng hiện hữu với một loạt nhà thầu phụ, nhà cung cấp gồm 9 đơn vị: Ricons, Newtecons, công ty vật liệu và giải pháp SOL, BM Windows, Boho Descor, DCons, công ty TNHH Cơ khí - thương mại - đầu tư An Gia Minh và 2 chi nhánh tại Bình Dương, Hưng Yên.
Nguyên nhân Coteccons đưa ra do những đơn vị này đang mâu thuẫn lợi ích và là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Coteccons cũng như công ty con là Unicons.
|
Hai ông lớn xây dựng đều gặp khó trong mảng kinh doanh chính. |
Tại Hoà Bình (HBC) dưới sự dẫn dắt của CEO Nguyễn Viết Hiếu – ‘hậu duệ’ của Chủ tịch Nguyễn Viết Hải, doanh thu thuần của Xây dựng Hoà Bình lại tăng 8% so với cùng kỳ, đạt 3.180 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vốn tăng mạnh hơn khiến lợi nhuận gộp giảm 17% xuống còn 195 tỷ đồng.
Đáng chú ý, doanh thu tài chính tăng đột biến gấp 7,5 lần lên 65 tỷ đồng do xuất hiện khoản lãi chuyển nhượng các khoản đầu tư gần 51 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các chi phí tài chính và quản lý được tiết giảm cùng khoản lãi chuyển nhượng đã giúp Xây dựng Hoà Bình lãi ròng đột biến gần 66 tỷ quý 2, gấp hơn 35 lần cùng kỳ năm trước.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, công ty đạt 5.443 tỷ đồng doanh thu thuần, xấp xỉ cùng kỳ, trong khi lãi sau thuế đạt 67 tỷ đồng, gấp hơn 7 lần so với bán niên 2020.
Có thể nhận thấy hoạt động cốt lõi của 2 ông lớn đều gặp khó khi biên lãi gộp đều sụt giảm biên lãi gộp quý 2/2021 của Coteccons chỉ ở mức 5,2% dù cải thiện đôi chút so với quý trước (4,7%) nhưng lại thấp hơn nhiều so với con số 6,1% cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, sau quý đầu năm tăng mạnh, biên lợi nhuận gộp quý 2/2021 của Xây dựng Hòa Bình đã quay đầu giảm sâu xuống mức 6,1%, thấp hơn đáng kể so với con số 7,9% cùng kỳ. Nhờ có hoạt động tài chính cứu cánh thì Hoà Bình mới có thể bứt phá và ghi lãi tăng mạnh.
Cổ phiếu lình xình trước muôn vàn khó khăn
Ngoài việc kinh doanh trái ngược giữa 2 kỳ phùng địch thủ trong nhiều năm thì diễn biến giá cổ phiếu cũng biến động ngược chiều.
Sau khi nhóm Kusto trực tiếp nắm quyền hành, áp lực tứ phía từ khách quan đến chủ quan, thị trường dần rời bỏ cổ phiếu CTD, tất nhiên bên cạnh giá thép, câu chuyện nội tại của CTD cũng khiến nhà đầu tư giảm kỳ vọng vào cổ phiếu.
|
Cổ phiếu vẫn đà lao dốc chưa quay lại đỉnh. |
Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu CTD liên tiếp giảm mạnh. Kết thúc phiên giao dịch ngày 13/8, CTD được mua bán xung quanh mức giá 68.000 đồng/cp, tương ứng giảm giảm 14% trong vòng một năm qua.
Ở diễn biến khác, trong 1 năm qua, giá cổ phiếu HBC tăng 65% lên mức 15.600 đồng/cp ở thời điểm hiện tại. Tuy vậy khi nhìn về quá khứ, cổ phiếu HBC từng hút dòng tiền và chạm đỉnh vào năm 2017, kể từ đó cổ phiếu lao dốc mạnh và chỉ giao dịch quanh mức 15.000-16.000 đồng/cp trong thời gian gần đây.
Dù triển vọng kinh doanh của HBC cải thiện, tuy nhiên cổ phiếu vẫn ở mức thấp khiến nhiều cổ đông đặt dấu hỏi về sự thao túng, làm giá?
Trả lời điều này, Thành viên HĐQT, ông Đặng Doãn Kiên phân trần giá cổ phiếu HBC đi xuống là nỗi buồn với các nhà lãnh đạo. Tuy nhiên, trên thị trường hiện cũng còn rất nhiều cổ phiếu có thị giá không bằng giá trị sổ sách, không riêng HBC.
|
HBC vẫn chưa thể quay về thời hoàng kim. |
Phía HBC khẳng định "không biết có ai đang thao túng cổ phiếu, và nếu cổ đông biết thì xin thông báo với cơ quan chức năng".
Còn nhớ tại ĐHĐCĐ thường niên 2020, Chủ tịch Lê Viết Hải đã ủy quyền cho cố vấn cấp cao đưa ra tầm nhìn ba năm sau rằng giá HBC sẽ lên 68.000 đồng/cp. Thực tế hơn 1/3 quãng đường, HBC mới chỉ dừng ở 15.600 đồng/cp.
"Tôi tin trong 2 năm tới, tình hình sẽ cải thiện nhiều, chắc chắn giá cổ phiếu cũng sẽ được cải thiện" - Chủ tịch HBC khẳng định.