Chính quyền địa phương thông tin…“bất nhất”
Liên quan đến thông tin công trình số 72 phố Trạm (phường Long Biên, quận Long Biên, TP. Hà Nội) bị tố vi phạm trật tự xây dựng (TTXD) và nhanh chóng được “hợp thức hóa” bằng giấy phép xây dựng mới, ngày 17/1/2022, PV báo Tri thức và Cuộc sống đã có buổi làm việc với ông Ngô Văn Nam - Chủ tịch UBND phường Long Biên.
Tại buổi làm việc, ông Nam bất ngờ cho biết phường đã kiểm tra công trình số 72 phố Trạm nhưng thấy công trình vẫn thi công đúng và đủ theo giấy phép xây dựng.
|
Công trình số 72 phố Trạm, phường Long Biên, quận Long Biên, Hà Nội. |
Đáng nói, thông tin trên trái ngược với những gì mà Tổ quản lý TTXD đô thị phường Long Biên cung cấp theo chỉ đạo của chính vị Chủ tịch phường Long Biên cho phóng viên vào ngày 28/12/2021.
Cụ thể, trước đó, theo chỉ đạo của ông Ngô Văn Nam, đại diện Tổ quản lý TTXD đô thị phường Long Biên trả lời phóng viên rằng công trình số 72 phố Trạm là của gia đình ông Trần Ngọc Đàm Khoa, khi xây lên 5 tầng + tum thì phần tum mở ra hơi rộng. Sau đó, phường đã lập biên bản vi phạm hành chính.
Theo tài liệu Tổ quản lý TTXD đô thị phường Long Biên cung cấp, tại giấy phép xây dựng do ông Nguyễn Mạnh Trình - Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên ký, cấp cho ông Khoa vào ngày 9/11/2021, thì công trình trên chỉ cho phép cải tạo 5 tầng + tum. Tổng diện tích sàn là 199,29m2; chiều cao công trình là 20,9m.
|
Giấy phép xây dựng trước và sau khi được điều chỉnh của công trình 72 phố Trạm bị tố vi phạm trật tự xây dựng và nhanh chóng được “hợp thức hóa". (Ảnh: Tổ quản lý TTXD phường Long Biên cung cấp). |
Đại diện Tổ quản lý TTXD phường Long Biên khẳng định: “Về quy mô sai thì không hẳn là sai. Trước khi cải tạo, hiện trạng công trình là 4 tầng. Ông ấy xin cải tạo lên 5 tầng + tum. Khi lên 5 tầng, 1 tum thì tum của ông ấy lại mở ra hơi rộng. Bọn em lập biên bản vi phạm hành chính, dừng thì ông ấy tiếp tục đi xin điều chỉnh được giấy phép lên 5 tầng + lửng + tum”.
Theo giấy phép xây dựng mà ông Trần Ngọc Đàm Khoa được Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Nguyễn Mạnh Trình cấp mới ngày 16/12/2021, công trình nói trên được điều chỉnh lên 5 tầng + lửng+ tum. Tổng diện tích sàn là 256,09m2; mật độ xây dựng 73,16%; chiều cao là 22,5m.
“Từ khi phát hiện ra ông ấy sai là bọn em dừng luôn. Hiếm mới xin được như thế…”, đại diện Tổ quản lý TTXD phường Long Biên nhấn mạnh.
Trước nội dung thông tin “bất nhất” giữa Chủ tịch UBND phường Long Biên và Tổ quản lý TTXD phường Long Biên, phóng viên đã hỏi lại Chủ tịch phường Long Biên về việc phường có lập biên bản vi phạm hành chính đối với công trình số 72 phố Trạm hay không? thì vị Chủ tịch cho biết “phường chưa lập biên bản”?
Tiếp đó, Chủ tịch UBND phường Long Biên nói rằng: “Nếu có chăng, khi kiểm tra người ta có vi phạm, phải lập biên bản và ra quyết định xử phạt…”.
Trước thông tin của người dân cho rằng, chính quyền sở tại đang “tạo điều kiện” để “hợp thức hóa” vi phạm công trình số 72 phố Trạm, phóng viên đã liên hệ và cung cấp thông tin qua điện thoại với ông Đường Hoài Nam - Bí thư Quận ủy Long Biên, ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch UBND quận Long Biên, ông Nguyễn Mạnh Trình - Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên. Tuy nhiên, phóng viên chỉ nhận được phản hồi từ Bí thư Quận ủy Long Biên ông Đường Hoài Nam.
Cần xác minh việc điều chỉnh giấy phép xây dựng công trình
Liên quan đến sự việc nói trên, trao đổi với phóng viên báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, để xác định sự việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hay không cần làm rõ những điểm sau.
Thứ nhất, cơ quan chức năng đã xử phạt hay chưa phạt hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về trât tự xây dựng đối với công trình cải tạo, sửa chữa nhà ở của ông Trần Ngọc Đàm Khoa tại số 72 phố Trạm, phường Long Biên, quận Long Biên, TP. Hà Nội.
Bởi theo quy định Luật xây dựng 2014, Nghị định 15/2021/NĐ-CP ngày 3/3/2021 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số nội dung về quản lý đầu tư, thì đối với công trình xây dựng của gia đình ông Trần Ngọc Đàm, khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm trật tự xây dựng, UBND phường và quận phải yêu cầu dừng việc thi công xây dựng và lập biên bản; đồng thời ra quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với công trình.
Luật sư Hoàng Tùng viện dẫn, theo quy định tại khoản 4 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 quy định về xử phạt hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở, đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp đối với trường hợp cấp phép sửa chữa, cải tạo thì bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Tuy nhiên, phía chính quyền phường Long Biên không hề đề cập tới việc đã phạt hay chưa phạt với vi phạm của ông Trần Ngọc Đàm Khoa về trật tự xây dựng.
Thứ hai, theo khoản 30 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020, khi sửa chữa, cải tạo công trình (bao gồm nhà ở riêng lẻ) phải có giấy phép sửa chữa, cải tạo. Luật xây dựng 2014 sửa đổi 2020 cũng rút ngắn thời gian cấp giấy phép xây dựng từ 30 ngày xuống còn 20 ngày. Đối với thủ tục điều chỉnh giấy phép xây dựng đối với trường hợp cải tạo, sửa chữa nhà ở riêng lẻ thì thời gian xử lý hồ sơ là 15 ngày.
Mặt khác, căn cứ khoản 1 Điều 98 Luật Xây dựng 2014 và Điều 51 Nghị định 15/2021/NĐ-CP, công trình cải tạo nhà ở của ông Trần Ngọc Đàm Khoa đang thi công xây dựng chưa xong nên vẫn có thể nộp hồ sơ xin điều chỉnh giấy phép xây dựng.
Như vậy, xét về thời gian cấp giấy phép điều chỉnh của UBND quận Long Biên cho ông Khoa không trái thời hạn luật định nhưng cần xác minh việc điều chỉnh giấy phép xây dựng.
“Việc điều chỉnh giấy phép xây dựng phải thực hiện theo đúng quy định pháp luật xây dựng về thẩm định lại công trình cải tạo sửa chữa nhà của ông Trần Ngọc Đàm Khoa. Thực tế, thì UBND quận Long Biên đã thực hiện đúng thủ tục này chưa? Công trình của ông Trần Ngọc Đàm Khoa có đủ điều kiện điều chỉnh giấy phép xây dựng?”, luật sư Hoàng Tùng đặt câu hỏi.
Theo luật sư Hoàng Tùng, không hiếm trường hợp chủ đầu tư, cá nhân cố tình xây dựng vượt hoặc sai giấy phép xây dựng được cấp. Đây không phải là hành vi vi phạm do thiếu hiểu biết pháp luật mà là cố tình vi phạm. Một phần do “dây dưa” từ người vi phạm chấp nhận xử phạt để tiếp tục tìm cách thi công cho hoàn thiện, rồi tìm cách “chạy” để “hợp thức hóa” cho công trình bằng cách xin điều chỉnh giấy phép. Chỉ đến khi không thể điều chỉnh được thì mới chấp nhận phá bỏ.
Mặt khác, pháp luật chưa có chế tài xử lý nghiêm đối với những vi phạm về trật tự xây dựng, nhiều cán bộ thậm chí hỗ trợ “hợp thức hóa” những vi phạm này.
Do vậy, luật sư Hoàng Tùng cũng kiến nghị làm rõ việc công trình xây dựng trên được điều chỉnh giấy phép bổ sung lần 2 có đúng với quy định của pháp luật không? Hay là hình thức hợp pháp hóa cho sai phạm của người dân mà chính quyền phường, bộ phận cấp phép xây dựng của quận là những người hậu thuẫn?
Báo Tri thức và Cuộc sống tiếp tục thông tin.