Liên quan đến sự việc công trình 49 Bát Đàn (phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) xây dựng, sửa chữa thành 4 tầng, 2 tum, phần tum xây tràn gần như thành tầng “phá vỡ” quy hoạch phố cổ Hà Nội, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Hoàng Tùng - Trưởng văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nhấn mạnh, tại Điều 89 Luật xây dựng năm 2014 đã quy định rất rõ, trước khi khởi công xây dựng công trình, chủ đầu tư phải có giấy phép xây dựng do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định của luật này (ngoại trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này).
Đối chiếu với khoản 2 Điều luật nêu trên, luật sư Tùng khẳng định công trình ở phố cổ Hà Nội phải xin cấp giấy phép khi xây dựng. Trường hợp công trình không có giấy phép xây dựng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 15 nghị định 139/2017. Ngoài ra, buộc dụng biện pháp phải khắc phục hậu quả.
|
Công trình số 49 Bát Đàn hiện đã xây dựng, cải tạo lên thành 4 tầng, 2 tum, phần tum xây tràn gần như thành tầng. |
“Các cán bộ có thẩm quyền khi nhận được phản ánh của người dân cần phải có trách nhiệm kiểm tra, làm rõ công trình 49 Bát Đàn được cấp phép xây dựng, cải tạo hay chưa? Nếu cấp phép, việc thực hiện có đúng theo giấy phép không? Trong quá trình thực hiện có đảm bảo các yêu cầu về an toàn xây dựng, bảo vệ môi trường, trật tự mỹ quan đô thị hay không?”, luật sư Tùng nói.
Theo ông Tùng, chính quyền phường Cửa Đông cũng phải chịu trách nhiệm với việc thực hiện công vụ, nhiệm vụ trong thẩm quyền của mình. Nếu có hành vi thiếu trách nhiệm hoặc cố tình “nhắm mắt làm ngơ” bỏ qua vi phạm trong khu vực phố cổ, cần phải xử lý nghiêm khắc.
“Quy hoạch phố cổ Hà Nội là quy hoạch đã có các văn bản của các cấp Nhà nước quy định. Mục đích nhằm bảo tồn nét văn hóa đặc trưng, kiến trúc đặc biệt và lưu giữ những nét độc đáo trong cuộc sống của người dân nơi đây. Điều này có ích rất nhiều trong việc phát triển kinh tế đất nước (đặc biệt là du lịch dịch vụ) và còn lưu giữ những nét độc đáo mang tính chất lịch sử của nước ta”, luật sư Tùng chia sẻ.
|
Công trình 49 Bát Đàn thi công chỉ che chắn tạm bợ và dù vi phạm TTXD nhưng vẫn nhanh chóng được hoàn thiện các hạng mục. |
Như Báo Tri thức và Cuộc sống đã phản ánh, trong quá trình xây dựng, sửa chữa công trình số 49 Bát Đàn không tuân thủ theo các quy định, hiện đã xây dựng, cải tạo lên thành 4 tầng, 2 tum, phần tum xây tràn gần như thành tầng. Hoạt động xây dựng tại công trình 49 Bát Đàn cũng không thực hiện các biện pháp che chắn kỹ càng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động, đe dọa tính mạng người đi đường.
Đáng nói, dù công trình 49 Bát Đàn vi phạm TTXD, “phá vỡ” quy hoạch phố cổ Hà Nội nhưng không hiểu vì sao vẫn ngang nhiên hoàn thiện mà không gặp phải bất cứ sự can thiệp nào của lực lượng chức năng sở tại?
Điều 15 nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định mức xử phạt hành chính vi phạm quy định về trật tự xây dựng như sau:
“5. Phạt tiền đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng như sau:
a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc xây dựng công trình khác không thuộc các trường hợp quy định tại điểm b, điểm c khoản này;”
Trường hợp đã xin giấy phép xây dựng phù hợp với quy chế Quản lý quy hoạch - Kiến trúc khu phố cổ Hà Nội (Ban hành kèm theo Quyết định số 6398/QĐ-UBND ngày 24/10/2013 của UBND TP Hà Nội) nhưng có hành vi xây dựng vượt giấy phép, xây dựng trái giấy phép xây dựng sẽ bị xử lý như sau:
“4. Xử phạt đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp (trừ trường hợp quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 7 Điều này) đối với trường hợp cấp phép xây dựng mới như sau:
b) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc xây dựng công trình khác không thuộc trường hợp quy định tại điểm a, điểm c khoản này;…”
Ngoài việc áp dụng phạt tiền nêu trên thì sẽ phải tiến hành áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như sau:
“ 12. Đối với hành vi quy định tại khoản 2, khoản 4 và khoản 5 Điều này mà đang thi công xây dựng thì xử lý như sau:
a) Lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm dừng thi công xây dựng công trình;
b) Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh hoặc cấp giấy phép xây dựng;
c) Hết thời hạn quy định tại điểm b khoản này, tổ chức, cá nhân vi phạm không xuất trình với người có thẩm quyền xử phạt giấy phép xây dựng hoặc giấy phép xây dựng được điều chỉnh thì bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.”
Chúng tôi tiếp tục thông tin.