Con số giật mình: 83 loài hải sải biến mất khỏi vùng biển Việt Nam

Google News

Trong 5 năm qua đã có 83 loài hải sản không còn bắt gặp ở vùng biển Việt Nam, đó là con số đáng báo động, hậu quả của thực trạng vi phạm trong khai thác hải sản.

“Nhức nhối” khai thác tận diệt
Chỉ riêng trong tháng 3, lực lượng thanh tra của Chi cục Thủy sản Quảng Bình đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 41 lượt tàu cá ở cửa biển Nhật Lệ, phát hiện 7 tàu vi phạm quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Lực lượng chức năng đã ra quyết xử vi phạm hành chính, với tổng số tiền 34,5 triệu đồng, tịch thu 15 dụng cụ kích điện.
Khai thác tận diệt đang khiến nguồn lợi thủy hải sản ngày càng cạn kiệt. Ảnh minh họa. 
Còn tại Nghệ An, trong lúc tuần tra kiểm soát tại khu vực cách đảo Ngư 1 hải lý về phía Đông nam, lực lượng tuần tra Đồn Biên phòng cảng Cửa Lò - Bến Thủy (BĐBP Nghệ An) đã phát hiện, bắt giữ 3 phương tiện sử dụng lưới kéo và lưới kéo kết hợp xung điện đánh bắt hải sản trái phép.
Phòng Cảnh sát Đường thủy - Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, đã tạm giữ 2 tàu cá của 2 ngư dân Nguyễn Văn Hải (trú tại thôn Minh Thọ, xã Minh Lộc) và ông Nguyễn Đức Thu (trú tại thôn Thắng Lộc, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc) vì hoạt động trên vùng biển không được phép.
Những thông tin trên phần nào phản ánh thực tế là: dù công tác quản lý khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã được các cấp từ trung ương đến địa phương quan tâm triển khai tuyên truyền, giáo dục… tuy nhiên một số bộ phận ngư dân vì lợi ích trước mắt vẫn cố tình vi phạm trong khai thác, đánh bắt hải sản.
Ngư dân chủ yếu khai thác bằng tàu nhỏ, hiện đội tàu nhỏ dưới 20CV có tới gần 46.000 chiếc, chiếm gần 1/2 tổng số tàu cá trên cả nước. Bên cạnh đó, bà con đa phần sử dụng các phương pháp khai thác có tính hủy diệt như: dùng xung điện, đánh bắt bằng các ngư cụ có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định, khai thác sai vùng, khai thác vào các vùng sinh trưởng của cá con…
Sẽ có hạn ngạch khai thác hải sản
Nguyên nhân khác khiến ngành thủy sản phát triển thiếu bền vững, là khâu tổ chức sản xuất liên kết chuỗi trong sản xuất còn yếu, công nghệ bảo quản chất lượng sản phẩm trong khai thác vẫn còn lạc hậu, tổn thất sau thu hoạch lớn và vấn đề liên quan đến khâu tiêu thụ sản phẩm hải sản vẫn còn bất cập.
 
5 năm/lần sẽ chia khu vực khai thác và cấp hạn ngạch khai thác cụ thể. Ảnh minh họa. 
Hội nghề cá Việt Nam thông tin: trong 5 năm qua, đã có 83 loài hải sản không còn bắt gặp ở vùng biển Việt Nam so với giai đoạn trước đó, nhóm hải sản tầng đáy giảm tới 42% trữ lượng, tổn thất sau thu hoạch hải sản ở mức 15-25%.
Một vấn đề nữa là trình độ lao động đi biển rất thấp, trong số gần 850.000 ngư dân, chỉ có 2% học hết cấp III, 98% học hết cấp II trở xuống, hơn 8% ngư dân mù chữ. Do đó, đào tạo để cao trình độ cho ngư dân cũng là giải pháp để ngành phát triển bễn vững, tuy nhiên, đào tạo như thế nào lại không hề đơn giản.
Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho rằng: “Tốt nhất là theo hình thức đào tạo tại hiện trường, đào tạo trên tàu. Còn nếu chỉ đào tạo lý thuyết, tập huấn 1-2 ngày thì đâu sẽ lại vào đó”.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, để ngành thủy sản phát triển bền vững, các địa phương cần xây dựng dựa trên 3 trụ cột là khai thác theo chuỗi khép kín; tăng cường khâu chế biến sâu gắn với thị trường và ứng dụng khoa học, công nghệ để phát triển nuôi trồng hải sản.
Bộ trưởng cũng lưu ý, việc phát triển khai thác, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm hải sản cần phải xuất phát từ cái gốc của thị trường, muốn vậy cần phải nhận diện cho được nhu cầu của thị trường trong nước cũng như nghiên cứu để chế biến các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường xuất khẩu.
Tổ chức lại hoạt động khai thác ở cả 3 lớp bờ, lộng và khơi; đối với chế biến, doanh nghiệp cần phải nghiên cứu để chế biến sâu nhằm mang lại giá trị gia tăng cao nhất; đối với ứng dụng khoa học công nghệ cần rà soát cập nhật các tiến bộ mới nhất; bên cạnh đó cần tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thủy sản…
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: “Chúng ta không cần số lượng nhiều, chỉ cần một số mặt hàng chiến lược ở những thị trường trọng điểm, còn lại có thể để đẩy mạnh tiêu thụ thị trường trong nước. Tôi đề nghị các cơ quan nghiên cứu có trách nhiệm phân tích và giải quyết vấn đề này. Thời gian tới, dựa vào số lượng điều tra thủy sản 5 năm/lần sẽ chia khu vực khai thác và cấp hạn ngạch khai thác cụ thể, đến 30/8/2018 cả nước sẽ chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm lãnh hải nước ngoài”.
Theo Danh Hùng/Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)