Theo lộ trình và kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường đối với các làng nghề trên địa bàn Thủ đô đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 vừa được ban hành, UBND TP Hà Nội đã đưa ra danh sách 29 làng nghề đã bị mai một, cần rà soát, đề xuất đưa ra khỏi danh sách công nhận danh hiệu làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn. Lộ trình thực hiện đến hết năm 2023.
Cụ thể, địa phương chiếm nhiều nhất là huyện Chương Mỹ có 8 làng nghề, gồm mây tre đan và mây song giang đan xuất khẩu ở các thôn: Lam Điền (xã Lam Điền), Yên Trường (xã Trường Yên), Thái Hòa (xã Hợp Đồng), Hạ Dục (xã Đồng Phú), Trung Cao (xã Trung Hòa), Lưu Xá (xã Hòa Chính), Yên Kiện (xã Đông Sơn), Bài Trượng (xã Hoàng Diệu).
Tương tự, tại huyện Thanh Oai có 3 làng nghề gồm: Mây tre đan xuất khẩu thôn Mùi, xã Bích Hòa; khâu bóng thể thao thôn Bùi Xá, xã Tam Hưng; may dân dụng, may công nghiệp thôn Giữa, xã Bích Hòa. Tại huyện Phú Xuyên có 3 làng nghề gồm: Cào bông thôn Xuân La, xã Phượng Dực; đan võng thôn Thao Nội, xã Sơn Hà; nghề mộc, cơ khí Kim Long Thượng, xã Hoàng Long. Huyện Thường Tín có 2 làng nghề gồm: Cơ khí thôn Liễu Nội, dệt đũi tơ tằm thôn cống Xuyên, xã Nghiêm Xuyên.
Cùng đó, huyện Phúc Thọ có 3 làng nghề gồm: Chế biến nông sản thực phẩm thôn Hạ Hiệp, thôn Hiếu Hiệp, xã Liên Hiệp; dệt thảm thôn Làng Đông, xã Phụng Thượng. Huyện Đan Phượng có 2 làng nghề gồm: Cơ khí thôn Thúy Hội, xã Tân Hội; chế biến nông sản thực phẩm thôn Tháp Thượng, xã Song Phượng). Huyện Mỹ Đức có làng nghề mây tre giang đan xuất khẩu thôn Đông Mỹ, xã An Tiến. Huyện Quốc Oai có làng nghề mây tre đan thôn Đồng Lư, xã Đồng Quang.
|
Cốm Mễ Trì, may Cổ nhuế… “lọt” danh sách làng nghề đề xuất rút danh hiệu (ảnh minh họa: Internet). |
Đáng chú ý, trong danh sách trên có làng nghề truyền thống cốm Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm); làng nghề may cổ Nhuế (quận Bắc Từ Liêm) cũng được đề xuất đưa ra khỏi danh sách công nhận danh hiệu làng nghề, làng nghề truyền thống.
Ngoài ra, tại quận Hà Đông có 2 làng nghề gồm: Dệt vải thôn La Dương và dệt in hoa La Nội, xã Dương Nội. Huyện Ứng Hòa có làng nghề bông vải sợi Trung Thượng, xã Đại Hùng; huyện Hoài Đức có làng nghề dệt Đồng Nhân, xã Đông La.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, với 1.350 làng nghề và làng có nghề, Hà Nội là địa phương có số lượng làng nghề lớn nhất cả nước. Làng nghề có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như: giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu và đa dạng hóa ngành nghề nông thôn. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh của các làng nghề cũng gây ra một số tác động tiêu cực tới môi trường sống.
Trước đó, trong giai đoạn 2017 - 2020, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã rà soát 315 làng nghề; tiến hành đánh giá, phân loại mức độ ô nhiễm đối với 293 làng nghề đang hoạt động, trong đó có 271 làng nghề được công nhận. Kết quả cho thấy, có 139 làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (chiếm 47,5%); 91 làng nghề ô nhiễm (chiếm 31%); 63 làng nghề không ô nhiễm (chiếm 21,5%). Trong đó, các nhóm ngành nghề có nhiều làng nghề gây ô nhiễm môi trường như: Nhóm ngành thủ công mỹ nghệ, chế biến nông sản thực phẩm, dệt, nhuộm, tái chế, gia công cơ kim khí.
Theo Đề án bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, đến hết năm 2023 Hà Nội phải hoàn thành việc rà soát, đánh giá, phân loại mức độ, khắc phục ô nhiễm môi trường đối với 100% làng nghề đã được công nhận trên địa bàn thành phố và bảo đảm các tiêu chí về môi trường theo quy định.
Đến hết năm 2025, Hà Nội phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu: 100% chất thải nguy hại ở các làng nghề, các khu, cụm công nghiệp được xử lý; 100% cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề (đang hoạt động và xây dựng mới) có trạm xử lý nước thải; 100% làng nghề được công nhận, đánh giá, phân loại theo quy định hiện hành; 100% làng nghề được công nhận của Hà Nội đáp ứng các điều kiện về bảo vệ môi trường.