Cổ phiếu bị hạn chế giao dịch, VNG lãi - lỗ thế nào?

Google News

Từ ngày 25/10/2023, cổ phiếu VNZ của VNG bị đưa vào diện hạn chế giao dịch do doanh nghiệp chậm nộp báo cáo tài chính bán niên 2023 đã được soát xét quá 45 ngày so với quy định.

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) mới đây đã có quyết định đưa cổ phiếu VNZ của Công ty CP VNG vào diện hạn chế giao dịch kể từ ngày 25/10/2023. Theo đó, cổ phiếu VNZ chỉ được giao dịch vào ngày thứ 6 hàng tuần. Nguyên nhân, do VNG chậm nộp báo cáo tài chính (BCTC) bán niên 2023 đã được soát xét quá 45 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn công bố thông tin, thuộc vào trường hợp bị hạn chế giao dịch theo quy định.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VNZ từng là tâm điểm chú ý khi liên tiếp tăng trần hồi mới lên sàn UPCoM đầu năm nay. Sau chuỗi tăng nóng và có thời điểm lập đỉnh hơn 1,4 triệu đồng/cp, thị giá VNZ bắt đầu chuỗi giảm giá. Hiện, cổ phiếu VNZ đang đứng ở mức 802.000 đồng, giảm 45% so với giá cao nhất vào đầu năm. Dù vậy, đây vẫn là cổ phiếu đắt giá nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Được biết, đây không phải lần đầu tiên cổ phiếu VNZ của VNG bị hạn chế giao dịch. Trước đó, hồi tháng 5/2023, VNZ cũng đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch do chậm nộp BCTC kiểm toán năm 2022 quá 45 ngày so với quy định. Tuy nhiên, hơn một tuần sau đó, cổ phiếu VNZ đã thoát diện hạn chế giao dịch sau khi VNG nộp BCTC kiểm toán 2022, kể từ ngày 5/6.
Tăng lỗ 7,3 lần sau kiểm toán
Được thành lập từ năm 2004, VNG đã nỗ lực vươn lên từ một công ty khởi nghiệp 5 người để trở thành công ty công nghệ có hệ sinh thái số thuần Việt lớn nhất Việt Nam, với các sản phẩm và dịch vụ gắn bó mật thiết với cuộc sống hàng ngày của hàng triệu người dùng.
Theo Newzoo, VNG hiện là nhà phát hành game dẫn đầu thị trường Việt Nam và đang mở rộng nhanh chóng ở thị trường toàn cầu, đồng thời sở hữu Zalo, ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất Việt Nam với hơn 75 triệu người dùng hoạt động hàng tháng, theo F&S. Các sản phẩm tiêu biểu khác của VNG bao gồm Zing MP3 (nền tảng nghe nhạc trực tuyến lớn nhất Việt Nam với hơn 28 triệu người dùng hoạt động hàng tháng, theo F&S) và ZaloPay (ví điện tử có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại Việt Nam, theo F&S).
Co phieu bi han che giao dich, VNG lai - lo the nao?
Cổ phiếu bị hạn chế giao dịch, VNG lãi - lỗ thế nào? (ảnh minh họa: Internet). 
Theo BCTC tự lập, lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, VNG đạt doanh thu 4.098 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Khấu trừ chi phí, VNG lỗ sau thuế gần 40 tỷ đồng, cải thiện đáng kể với khoản lỗ gần 510 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Phần lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt gần 60 tỷ đồng.
Thông tin cập nhật, ngay sau khi bị hạn chế giao dịch trở lại, phía VNG đã công bố BCTC kiểm toán bán niên 2023 với doanh thu thuần 4.098,3 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá vốn hàng bán và dịch vụ cung cấp tăng 4,2% lên gần 2.152 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận gộp đạt 1.946 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2022.
Bên cạnh đó, chi phí tài chính ghi nhận ở mức 91,6 tỷ đồng, tăng gấp 8 lần so với cùng kỳ năm ngoái; chi phí quản lý doanh nghiệp ở mức gần 752 tỷ đồng, tăng 21%. Ngược lại, chi phí bán hàng giảm 17% xuống còn 1.097 tỷ đồng.
Tuy nhiên, doanh thu không đủ bù chi khiến công ty lỗ thuần hơn 185 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ gần 315 tỷ đồng), cộng thêm khoản lỗ khác là 18,4 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 1,78 tỷ đồng). Khấu trừ chi phí, VNG báo lỗ sau thuế 293,3 tỷ đồng sau nửa đầu năm, giảm hơn 215 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước (510 tỷ đồng). Đáng chú ý, mức lỗ sau thuế này tăng gấp 7,3 lần mức lỗ 40 tỷ đồng được ghi nhận tại báo cáo tự lập.
Theo giải trình từ phía VNG, công ty chuyển từ lãi sang lỗ sau kiểm toán là do ghi nhận thêm các khoản chi phí liên quan đến các khoản dự phòng. Cùng đó, VNG cũng cho biết, lỗ sau thuế trên BCTC hợp nhất kỳ này giảm chủ yếu nhờ sự thành công của các sản phẩm trò chơi mới, cũng như việc tiết giảm chi phí quảng cáo.
Tại thời điểm 30/6/2023, tổng tài sản của VNG tăng từ 8.899 tỷ đồng lên mức 9.316 tỷ đồng. Trong đó, khoản tiền và các khoản tương đương tiền và tiền gửi ghi nhận hơn 3.550 tỷ đồng; nợ phải trả tăng 19% lên 4.503 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn ghi nhận ở mức 3.284 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu giảm từ 5.114 tỷ đồng cùng kỳ năm 2022 về gần 4.813 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế chưa phân phối giảm từ 5.093 tỷ đồng xuống còn gần 4.900 tỷ đồng.
Cuối tháng 6/2023, VNG ghi nhận 1.980 tỷ đồng đầu tư vào 8 công ty liên kết, trong đó lớn nhất là 515 tỷ đồng của Telio và 513 tỷ đồng của Funding Asia. VNG ghi nhận lỗ lần lượt 282 tỷ đồng và 69 tỷ đồng từ 2 công ty liên kết nói trên.
Ở một diễn biến khác, hồi tháng 8/2023 vừa qua, VNG Limited, cổ đông lớn của VNG đã nộp hồ sơ đăng ký theo mẫu F-1 lên Uỷ ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC). Cổ đông chi phối VNG dự kiến sẽ chào bán ra công chúng (IPO) cổ phiếu phổ thông loại A tại sàn chứng khoán Nasdaq Global Select Market với mã giao dịch “VNG”. Tuy nhiên, nhiều thông tin gần đây cho thấy kế hoạch IPO đã được lùi lại sang năm 2024 khi thời điểm thuận lợi hơn.
Liên Hà Thái

>> xem thêm

Bình luận(0)