Khi nghỉ việc, chị Ánh không để ý trong hồ sơ mà bộ phận nhân sự công ty trả không có quyết định thôi việc. Hơn 1 tháng sau, Ánh đến trung tâm dịch vụ việc làm để nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp thì không được giải quyết vì thiếu quyết định nghỉ việc.
Sau đó, Ánh phải mất rất nhiều thời gian liên hệ lại công ty cũ lấy quyết định nghỉ việc, suýt nữa không kịp thời gian để làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Những trường hợp như chị Ánh không hiếm vì nhiều lao động không am hiểu thủ tục cần có để làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Có nhiều trường hợp đến khi người lao động nhận được quyết định thôi việc từ công ty thì đã hết thời hạn giải quyết hồ sơ.
Theo báo cáo của Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM, trong 11 tháng đầu năm 2023, Trung tâm đã tiếp nhận hơn 156.000 người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là gần 154.000 người, tức là có hơn 2.000 hồ sơ không hợp lệ, không đủ điều kiện hưởng.
|
Người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp (Ảnh minh họa: CTV). |
Trong buổi giao lưu trực tuyến giữa Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam với người lao động mới đây, các khách mời nhận rất nhiều câu hỏi xoay quanh nội dung thủ tục và hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Thậm chí, có người lao động còn thắc mắc là: "Có bắt buộc phải có giấy nghỉ việc không, vì tôi đã có sổ BHXH rồi mà?".
Theo BHXH Việt Nam, trong thành phần hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp bắt buộc phải có giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động.
Cụ thể, hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp được quy định tại Điều 16 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP; sửa đổi, bổ sung tại khoản 6 Điều 1 Nghị định 61/2020/NĐ-CP.
Theo đó, hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp bao gồm 3 thành phần: Đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định; giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc; sổ BHXH.
Trong 3 thành phần trên, giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc là phức tạp nhất. Giấy tờ này bao gồm 7 loại, người lao động chỉ cần cung cấp 1 trong số 7 loại giấy tờ này. Người lao động có thể cung cấp bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu.
Trong trường hợp người lao động không có các giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động do đơn vị sử dụng lao động không có người đại diện theo pháp luật và người được người đại diện theo pháp luật ủy quyền thì quy trình xác minh phức tạp hơn.
Đầu tiên, Sở LĐ-TB&XH hoặc BHXH cấp tỉnh gửi văn bản yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư xác nhận đơn vị sử dụng lao động không có người đại diện theo pháp luật hoặc không có người được người đại diện theo pháp luật ủy quyền.
Sở KH&ĐT có trách nhiệm phối hợp với cơ quan thuế, cơ quan công an, chính quyền địa phương nơi đơn vị sử dụng lao động đặt trụ sở chính thực hiện xác minh nội dung đơn vị sử dụng lao động không có người đại diện theo pháp luật hoặc không có người được người đại diện theo pháp luật ủy quyền.
Sau đó, Sở KH&ĐT gửi văn bản trả lời cho Sở LĐ-TB&XH và BHXH cấp tỉnh về nội dung đơn vị sử dụng lao động không có người đại diện theo pháp luật hoặc không có người được người đại diện theo pháp luật ủy quyền trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu xác nhận của Sở LĐ-TB&XH hoặc BHXH cấp tỉnh.
Riêng trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo hợp đồng lao động mùa vụ hoặc hợp đồng theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng thì áp dụng riêng. Giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp này là bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu của hợp đồng đó.