Từ ngày 12/10-9/11, CTCP Malblue đã bán gần 2,5 triệu cổ phiếu trong số 3,6 triệu đơn vị đăng ký giao dịch do là thị trường không thuận lợi. Công ty cho biết trong đó bao gồm 641.500 cổ phiếu do công ty chứng khoán thực hiện giải chấp vào ngày 25/10 (phiên giảm sàn thứ 7 liên tiếp).
Sau giao dịch, Malblue hạ sở hữu xuống còn 4 triệu đơn vị, tương ứng với tỷ lệ 4,45% vốn và không còn là cổ đông lớn.
Sau các đợt bán giải chấp, 2 nhân sự trong HĐQT của Vneco đều đang đăng ký bán cổ phiếu VNE. Chủ tịch HĐQT Nguyễn Anh Tuấn chủ động đăng ký bán thêm 409.010 cổ phiếu từ ngày 30/10 đến cuối tháng 11, dự kiến chỉ còn nắm giữ 2 triệu cổ phiếu VNE. Phó chủ tịch HĐQT Trần Quang Cẩn cũng đăng ký bán toàn bộ 5,86 triệu cổ phiếu còn lại trong tháng 11.
|
CTCK tiếp tục bán giải chấp cổ phiếu VNE. |
Làn sóng thoái vốn còn đến từ một cổ đông lớn khác là ông Smit Cheancharadpong, khi cá nhân này đã bán hết 4,3 triệu đơn vị, tương đương 5,3% vốn vào ngày 23/10.
Bên mua khả năng là ba La Mỹ Phượng, khi báo cáo mua vào đúng số lượng trên, nâng sở hữu lên 9,5 triệu đơn vị, tương ứng với 11,6%.
Đứng trước diễn biến bất thường của giá cổ phiếu, sau 5 phiên sàn liên tiếp, ông Trần Văn Huy, Phó tổng giám đốc Vneco khẳng định, Vneco không có sự tác động đến giá giao dịch trên thị trường, việc giao dịch cổ phiếu là do các nhà đầu tư quyết định nằm ngoài sự kiểm soát của Vneco. Lãnh đạo công ty này cũng cho biết, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư vẫn đang diễn ra bình thường.
Về hoạt động kinh doanh, Vneco báo lãi ròng 1,14 tỷ đồng trong quý 3/2023, khả quan hơn mức thua lỗ hơn 5 tỷ đồng cùng kỳ, nhưng vẫn là mức khiêm tốn đối với một doanh nghiệp có quy mô vốn điều lệ 904 tỷ đồng.
Lãnh đạo Vneco cho biết, một số công trình còn vướng các thủ tục đền bù giải phóng mặt bằng thi công, tiền thanh toán từ các chủ đầu tư về chậm ảnh hưởng đến việc giải ngân thanh toán vốn cho nhà thầu, nhà cung cấp vật tư, thiết bị.... Vì vậy, đã không đẩy nhanh được tiến độ thị công các công trình để nghiệm thu kịp thời với các chủ đầu tư.