Đúng là xưa rồi thật bởi chanh của Hiển, từ vỏ đến ruột không những đều được chế biến thành phẩm mà còn làm nên cả “chuỗi giá trị” xuất đi và cạnh tranh ngang ngửa với những thương hiệu nước ngoài. Nhưng chuyện của Hiển không chỉ đơn thuần là chuyện của chanh…
Một ví dụ về doanh nghiệp + nhà khoa học
Hồi mới nghe chuyện, không hiểu sao cứ hình dung Nguyễn Văn Hiển là một anh “Hai lúa” đặc trưng cười nói chất phác, xởi lởi như bao anh “Hai lúa” làm ăn lớn khác mà tôi đã gặp ở miền Tây Nam Bộ. Đến khi “đụng nhau” lại thấy bất ngờ bởi Hiển trông quá trẻ so với tuổi tròn 40; lại có gì đấy lầm lỳ, cẩn trọng kiểu đặc trưng miền Trung.
|
“Nông dân” Nguyễn Văn Hiển trong trang trại chanh của mình. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Chuyện một hồi thì hóa ra Hiển người Trung thật. “Mình quê ở Quế Trung (Nông Sơn, Quảng Nam)” - Hiển nói. “Tôi cũng miền Trung”. Thế là hai thằng xa lạ bỗng dưng ôm chầm lấy nhau chỉ hai chữ “miền Trung” cất lên giữa nắng gió phương Nam. Và chuyện cứ thế bắt đầu bằng những hồi ức khó nghèo về quê hương của Hiển từ việc quần áo mặc chưa bao giờ đủ ấm chứ chưa nói là đẹp; những bữa cơm độn sắn, khoai và vị tanh thường niên là mắm cái chấm cà thay cho cá thịt. “Nhà tôi nghèo đến mức, có lần tôi bị viêm ruột thừa, phải đưa ra Đà Nẵng mổ cấp cứu mà nhà không có tiền, ba mẹ tôi đành phải đi xin quanh bệnh viện để lo chạy chữa”.
Tốt nghiệp đại học, Hiển may mắn được nhận vào làm một chân chạy việc ở Sở Xây dựng TPHCM. Nhưng Hiển cũng chỉ được 5 năm thì thấy chán bỏ việc nhà nước ra ngoài, cùng mấy anh em bạn bè tự tạo lập cho mình một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng. Khi làm xây dựng có chút của ăn của để, Hiển cùng mấy người bạn lang thang về vùng Thạnh Lợi (Bến Lức, Long An) để mua một khu đất nằm dọc QLN2 còn rất hoang sơ rộng khoảng 20ha của người dân địa phương.
“Lúc đó chỉ nghĩ là mua để dành, mai này làm cái trang trại vườn ao chuồng để cuối tuần bạn bè tụ tập cho đỡ nhớ quê; một phần do nghề xây dựng bôn ba các công trình, tối ngày cơm áo gạo tiền, rất cần một nơi để thư giãn. Nhưng mua xong bỏ đất lại thấy lãng phí nên chúng tôi quyết định phải làm một cái gì đó”.
Đầu tiên, Hiển định trồng thanh long nhưng sau lại thôi bởi thấy năng suất thì thấp nhưng đầu tư lại lớn, chả bõ công. Trăn trở mãi, Hiển quyết định khăn gói xuống các trường đại học ở miền Tây và Trường Đại học Nông Lâm TPHCM thọ giáo các chuyên gia với mong ước tìm ra một hướng trồng cây mới.
Rồi “duyên cộng với may mắn”, anh gặp được Anh hùng Lao động - GS-TS Võ Tòng Xuân, hiện là Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ cùng nhiều chuyên gia đầu ngành khác về nông nghiệp của Đồng bằng sông Cửu Long và tỉnh Long An....
“Họ khuyên chúng tôi nên trồng chanh theo phương pháp hữu cơ gắn với thị trường xuất khẩu để tăng giá trị. Tôi thấy có lý nên nghe theo và ngay từ đầu, chúng tôi đã tuân thủ theo quy trình sản xuất của Châu Âu để cạnh tranh với các thương hiệu nước ngoài chứ không cạnh tranh với nông dân trong nước”.
Từ một khu đất hoang sơ để làm trang trại cho đỡ nhớ quê, đến giờ sau hơn 7 năm, Hiển đã có trong tay một cánh đồng chanh bạt ngàn rộng hơn 150ha hút tầm mắt, phải ở “trên trời” mới nhìn được tổng quát cùng Cty Thương mại và Đầu tư Chanh Việt có thương hiệu Chavi vượt biên giới Việt Nam.
Và tôi thật sự choáng khi nghe Hiển tổng kết từ tiền đất, hệ thống điện, nước, kho lạnh, nhà máy chế biến… tổng mức đầu tư của Công ty Chanh Việt đến thời điểm này đã tròm trèm con số 7 triệu đôla Mỹ nhưng chưa có dấu hiệu dừng lại bởi sắp tới có nhiều phần việc mới cần phải đầu tư thêm tiền.
“Xa rồi và nên từ bỏ kiểu làm ăn nhỏ lẻ. Làm nông nghiệp bây giờ là việc của người giàu, phải có thật nhiều tiền thì mới mong thành công!”. Một chuyên gia về nông nghiệp ở Đại học Cần Thơ đã đúc kết như vậy trong một cuộc phỏng vấn nhưng tôi đã không tin cho đến khi gặp Nguyễn Văn Hiển và tận mắt chứng kiến cánh đồng chanh không có đường chân trời của anh!
Vì sao Thái Lan làm được, còn mình không?
Trở lại với chuyện trồng chanh theo phương pháp hữu cơ gắn với thị trường xuất. Hiển kể, nói nghe thì dễ, nhưng khi bắt tay vào làm là lập tức đụng phải một núi khó khăn. Đầu tiên là “bắt mối” với một đối tác chuyên xuất hàng đi Châu Âu và một trong những điều kiện để họ nhận lời hợp tác là phía Hiển phải gửi mẫu chanh sang tận Châu Âu để kiểm nghiệm.
Vấn đề nữa là chanh của Hiển trồng theo phương pháp hữu cơ nên trái không thể to đẹp đều như nhau và trái loại 1 đủ chuẩn xuất đi Châu Âu chỉ khoảng 30-40% sản lượng. “Phần còn lại nếu bán giá thấp như trồng đại trà thì lỗ. Đây là lý do để chúng nghĩ nhiều hướng để chế biến những quả chanh còn lại theo hướng làm sao để vắt chanh mà không cần phải bỏ vỏ”.
Và đây cũng là hành trình mở đầu cho một loạt ví dụ thành công kinh điển về sự kết hợp giữa ý tưởng, vốn liếng… của doanh nghiệp và chất xám của các nhà khoa học trong sản xuất nông nghiệp. Bắt đầu từ việc “thầy GS Võ Tòng Xuân và các thầy khác (PGS-TS Bùi Văn Miên, TS Kha Chấn Tuyền, TS Huỳnh Hữu Đức, TS Nguyễn Bạch Đằng…) đã dang hai tay ủng hộ khi nghe chúng tôi trình bày ý tưởng làm vì tự ái của người Việt và làm sao để đưa nông sản Việt đi xa hơn.
Đầu tiên, chúng tôi đặt hàng TS Kha Chấn Tuyền, nghiên cứu sinh Trương Quang Bình và các cộng sự nghiên cứu chiết xuất tinh dầu chanh bởi theo thông tin khoa học thì tinh dầu chanh (chiết xuất từ vỏ chanh) chứa hơn 20 hoạt chất chống ung thư. Tuy nhiên khi khảo sát ngoài thị trường, tôi thấy tinh dầu chanh chủ yếu là loại pha hóa chất, hương liệu chứ chưa có loại chiết xuất nguyên chất”.
Lấy vỏ chiết xuất tinh dầu thì ruột chanh lại thừa ra không biết làm gì. Hiển lại cùng ngồi với các nhà khoa học đặt hàng. Và thế là những sản phẩm từ quả chanh lần lượt ra đời: Tinh dầu chanh, nước cốt chanh, bột chanh sấy, nước chanh đóng lon, kẹo mứt từ bã chanh. Gia vị thì có muối tiêu chanh, muối ớt chanh, chanh xắt lát hoặc lá chanh sấy giữ lại độ xanh và dinh dưỡng làm gia vị để chế biến thức ăn. Cứ làm từng sản phẩm một...
Hiển khoe, “một số sản phẩm của Chanh Việt, như bột chanh hòa tan, Châu Âu thì chưa dám chắc như toàn Châu Á, chỉ có duy nhất Chanh Việt đang độc quyền sản xuất”. Ngoài thị trường chanh trái Châu Âu những ngày đầu, đến thời điểm này, một số sản phẩm của Chanh Việt đã có mặt ở hầu hết các thị trường khó tính, đòi hỏi chất lượng cao như Nhật Bản, Đức, Pháp, nhiều nước Châu Á và sắp tới sẽ là Mỹ.
Hiển bảo, thời gian qua có nhiều đối tác đến từ Trung Quốc đặt vấn đề sẽ đặt hàng với số lượng lớn đầy thèm muốn xét trên yếu tố kinh doanh. Tuy nhiên, anh luôn nói không bởi không chấp nhận yêu cầu của họ là tăng thời gian bảo quản sản phẩm, điều này đồng nghĩa với việc yêu cầu các sản phẩm của Chanh Việt phải thêm phụ gia và các hóa chất bảo quản. “Chúng tôi thà bán ít đi chứ không làm điều trái lương tâm”.
Cuộc trò chuyện sau cùng với Hiển, tôi đề cập đến doanh thu. Hiển cười trầm tư, bảo “nói thì không nhiều người tin, nhưng tôi làm nông nghiệp là vì đam mê nên tôi không muốn đề cập đến trị giá. Tôi chỉ có thể nói là hiện chúng tôi đang sống tốt với chanh. Tôi nghĩ để kiếm tiền thì ở Sài Gòn có thể kiếm nhiều hơn. Mục đích ban đầu không phải vì kinh tế nên chúng tôi quyết tâm làm ra cái gì đó gắn liền với sản phẩm nông nghiệp nước nhà. Đó là lý do tôi đặt tên công ty là Chanh Việt...”.
Ngoài những đam mê và làm ra cái gì đó gắn liền với nông nghiệp nước nhà như vừa kể, Hiển bảo một trong những động lực thôi thúc anh phải làm thành công bằng mọi giá là sự tự ái của một người Việt Nam!
“Thấy người Thái qua thu mua trái cây của Việt Nam với giá rất rẻ, sơ chế rồi xuất qua Malaysia, Singapore với giá cao; các nước ấy chế biến xong lại xuất ngược lại Việt Nam với giá gấp nhiều lần tôi thấy xót xa không chịu nổi. Những lúc đó tôi lại tự hỏi mình: Vì sao người Thái họ làm được, còn mình thì không? Và sau 7 năm với Chanh Việt, bây giờ tôi có thể tự tin trả lời mình rằng: Người Thái bây giờ không cạnh tranh được sản phẩm từ quả chanh với Chanh Việt!”.
Thật ra trong thời buổi này, làm nông dân, chỉ suy nghĩ được như Nguyễn Văn Hiển thôi đã là của hiếm, đằng này anh còn nói được, làm được…