Chuyên gia nói gì về lùm xùm tự miễn giảm tiền mặt bằng của Thế Giới Di Động?

Google News

Câu chuyện Thế Giới Di Động ra công văn "ép" chủ nhà phải giảm tiền cho thuê đang có rất nhiều ý kiến với hai luồng khen - chê. Vậy dưới góc nhìn chuyên gia truyền thông, thương hiệu thì như thế nào?

Công văn Thế Giới Di Động gửi là "vô giá trị"
Từ đầu năm đến nay, CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã chứng khoán: MWG) liên tiếp dính khủng hoảng. Cách đây mấy tháng, khi TPHCM và các tỉnh phía Nam là "điểm nóng" dịch Covid-19 thì Bách Hóa Xanh liên tiếp bị tố tăng giá bất hợp lý, vi phạm về niêm yết giá.
Gần đây, Thế Giới Di Động lại tiếp tục vướng lùm xùm khi gửi công văn thông báo đến chủ mặt bằng việc miễn giảm tiền thuê trong những tháng đóng cửa hoàn toàn hoặc bị hạn chế để phòng chống Covid-19.
Chuyen gia noi gi ve lum xum tu mien giam tien mat bang cua The Gioi Di Dong?
 
Liên quan đến vụ việc này, có khá nhiều góc nhìn khác nhau. Theo chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long, câu chuyện Thế Giới Di Động ra công văn "ép" chủ nhà phải giảm tiền cho thuê đang có hai luồng ý kiến khen chê.
Theo đó, một số ý kiến cho rằng đây là cách quản trị tốt, làm đúng giá trị cốt lõi, bảo vệ lợi ích cổ đông, nhân viên; dịch bệnh khó khăn thì phải tìm mọi cách cắt giảm chi phí…
Trong khi đó, một số ý kiến lại tỏ ra không đồng tình cách làm này, thậm chí cho rằng đây là hành vi vi phạm hợp đồng, ra lệnh, không đúng luật.
Vậy Thế Giới Di Động có hành xử sai luật không? Ông Long cho rằng, công văn họ gửi là "vô giá trị" về mặt pháp luật.
"Các luật sư phân tích cũng nói vậy, cũng trấn an chủ nhà rằng hãy yên tâm đi, các công văn này chẳng có giá trị pháp lý gì. Nếu chẳng có giá trị pháp lý gì thì sao nói Thế Giới Di Động làm sai hợp đồng? Pháp luật có cấm họ viết công văn không? Không hề", ông Long đặt vấn đề.
Theo ông Long, trong thực tế, nếu chiếu theo hợp đồng thì chỉ coi như đang chậm thanh toán và nếu đến cuối cùng không thể tìm được tiếng nói chung, phải thanh lý hợp đồng hoặc ra tòa và tòa buộc kết thúc hợp đồng. Lúc ấy Thế Giới Di Động sẽ trả tiền tháng 9, tháng 10 theo phán quyết cuối cùng với phần phạt trả chậm.
Vậy thử lý giải Thế Giới Di Động vì sao lại hành xử như vậy? Ông Long cho rằng đây đơn giản là cách để họ đàm phán. Mục đích của họ là kéo bằng được chủ nhà ngồi lên bàn đàm phán. Còn cuối cùng kéo không được thì ngưng hợp đồng, ông Long bình luận.
Và khi quyết định ngừng hợp đồng thì cứ đúng các điều khoản hợp đồng đúng pháp luật để làm. Theo đó, tháng nào chưa trả thì trả. Tháng nào trả chậm thì trả thêm phần phạt trả chậm.
Vậy Thế Giới Di Động sai gì, "sai" ở đâu?
Theo thông tin được truyền thông đăng tải, ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch tập đoàn này cũng từng chia sẻ rất nhiều về chuyện thuê mặt bằng của MWG trong sự kiện Shark Tank Forum 2020, thời điểm đã xuất hiện Covid-19.
Vị Chủ tịch này cho biết tỷ lệ chi phí mặt bằng trên doanh thu của mỗi cửa hàng chỉ khoảng 1,5-2%, trong khi với một số chuỗi khác có thể lên tới 4-5%. "Theo các bạn làm tài chính, tiền thuê mặt bằng là chi phí cố định, không thay đổi được. Thế Giới Di Động nói cố định thì kệ nó chứ, tôi sẽ cho nó biến động. Chúng tôi đi một vòng và lấy về 200 tỷ đồng tiền giảm giá thuê", ông Tài từng chia sẻ.
Chuyen gia noi gi ve lum xum tu mien giam tien mat bang cua The Gioi Di Dong?-Hinh-2
 Một cửa hàng của Thế Giới Di Động (Ảnh: MWG).
Trở lại với công văn gần đây gây tranh cãi của Thế Giới Di Động - việc này là đúng hay sai? Chuyên gia Nguyễn Ngọc Long cho rằng, về mặt bảo vệ quyền lợi của họ và về mặt đàm phán thì công ty đang dùng mọi cách để giành lấy lợi thế trên bàn đàm phán. Như vậy "không sai".
Về mặt giá trị cốt lõi, văn hóa doanh nghiệp, ông Long cũng cho rằng họ chưa làm gì tổn hại đến chủ nhà. Còn nếu chủ nhà không đồng ý, chấm dứt hợp đồng, hoặc kiện ra tòa thì khi ấy mới có phán quyết. Như vậy là ít nhất họ "chưa sai". "Trừ khi ra tòa rồi, tòa phán quyết Thế Giới Di Động phải thanh toán 100% tiền cho chủ nhà mà họ tự ý thanh toán 30% thì lúc ấy mới sai", ông Long bình luận.
Tuy nhiên về mặt truyền thông, ông Long cho rằng Thế Giới Di Động đã để xảy ra khủng hoảng. Theo đó, cách sử dụng từ ngữ trong công văn gây phản ứng dư luận. Hai là, mục đích của họ là kéo chủ nhà lên bàn đàm phán (và cuối cùng nếu không được thì thanh lý hợp đồng) nhưng lại làm cho dư luận và truyền thông hiểu rằng họ đã và đang ép chủ nhà.
Một chuyên gia marketing khác lại nhìn nhận vụ việc này rất "bình thường" trong nền kinh tế thị trường. Nếu có kiện ra tòa thì đây cũng là tranh chấp dân sự, tranh chấp kinh tế, cơ bản vẫn sẽ hướng tới đàm phán, thỏa thuận.
Cả hai bên - chủ mặt bằng và người thuê đều là những người hiểu biết, họ nắm được việc tuân thủ hay không tuân thủ hợp đồng thì hậu quả sẽ thế nào. "Đặc biệt với Thế Giới Di Động - họ là doanh nghiệp, họ chắc chắn đã hình dung hết mọi khả năng, lường trước được vấn đề", vị chuyên gia nói.
Trong trường hợp bên chủ mặt bằng kiện phía Thế Giới Di Động ra tòa như một số giả thuyết đưa ra, vị chuyên gia cho rằng phía người cho thuê cũng một số lợi thế về các điều khoản trong hợp đồng. Họ có thể yêu cầu phía Thế Giới Di Động tuân thủ hợp đồng nhưng đối phương cũng sẽ tìm cách giành lợi thế cho họ.
Theo đó, Thế Giới Di Động vẫn có khả năng "lấn át" người cho thuê. Bởi nếu chủ mặt bằng xác định khởi kiện sẽ phải đối mặt với những trình tự thủ tục pháp lý khá tốn kém và mất thời gian. Nếu thời gian kiện tụng kéo dài cả một năm thì đồng nghĩa với việc mặt bằng sẽ phải "đắp chiếu" cả năm vì đang xảy ra tranh chấp. Như vậy thiệt hại đối với họ cũng không nhỏ. Giả sử với các chủ mặt bằng lớn, có tiềm lực thì họ có thể chọn cách này, còn đối với các chủ mặt bằng nhỏ lẻ thì chưa chắc họ đã lựa chọn.
Cũng theo vị này, Thế Giới Di Động có lẽ đã tính hết các kịch bản. Theo đó có 3 nhóm: một là những chủ nhà sẽ chấp nhận yêu cầu miễn giảm mặt bằng của họ, thứ hai là chấp nhận thỏa thuận sau khi Thế Giới Di Động làm "căng" và một nhóm có khả năng sẽ kiện ra tòa vì không chấp nhận cách hành xử này.
"Thương trường là chiến trường, cạnh tranh gay gắt, doanh nhân vốn là những người không thể "hiền". Phát biểu có thể không khéo léo trong cách dùng từ. Nhưng bản chất người làm kinh doanh là đàm phán, giành giật, tận dụng mọi thứ để cấu trúc vận hành kinh doanh", vị chuyên gia bình luận.
*Tiêu đề do báo Tri thức và Cuộc sống đặt lại
Theo Nguyễn Khánh/Dân trí

>> xem thêm

Bình luận(0)