Khuyến nghị mua NT2 với giá mục tiêu 30.000 đồng/cp
CTCK Bản Việt (VCSC): CTCP Nhiệt điện Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2) đã công bố KQKD quý 4/2022 với doanh thu đạt 1,9 nghìn tỷ đồng (+18% YoY), LNST sau lợi ích CĐTS đạt 5 tỷ đồng (-96% YoY) và LNST sau lợi ích CĐTS sau điều chỉnh đạt 55 tỷ đồng (-54% YoY). Theo VCSC, LNST yếu là do chi phí bảo dưỡng tăng 13% YoY và một khoản bồi thường lớn cho sản lượng điện hợp đồng không huy động trong quý 4/2021.
LNST sau lợi ích CĐTS báo cáo cả năm 2022 của NT2 đạt 729 tỷ đồng (+37% YoY), hoàn thành 83% dự báo cả năm. Trong khi đó, LNST sau điều chỉnh của công ty đạt 634 tỷ đồng (+19% YoY), hoàn thành 90% dự báo cả năm. LNST điều chỉnh thấp hơn dự phóng chủ yếu do sản lượng thấp hơn kỳ vọng khi tiêu thụ điện quốc gia thấp trong quý 4/2022 dù giá thị trường phát điện cạnh tranh cao.
Đáng chú ý, chi phí quản lý doanh nghiệp năm 2022 của NT2 tăng gấp 4 lần YoY đạt 330 tỷ đồng do công ty ghi nhận khoản dự phòng 240 tỷ đồng cho khoản nợ khó đòi từ EVN và dự kiến sẽ hoàn nhập trong tương lai.
VCSC nhận thấy rủi ro điều chỉnh giảm nhẹ đối với dự báo LNST điều chỉnh năm 2023 dù cần thêm đánh giá chi tiết. NT2 ghi nhận 240 tỷ đồng dự phòng nợ xấu từ EVN trong chi phí bán hàng & quản lý doanh nghiệp năm 2022. Trong đó, 187 tỷ đồng được ghi nhận trong 9T 2022 và 52 tỷ đồng được ghi nhận trong quý 4/2022.
Khoản nợ xấu này bắt đầu phát sinh vào năm 2019 và ước tính khoảng 360 tỷ đồng trong giai đoạn 2019-2021. Trước năm 2019, Chính phủ đã chấp thuận cho GAS xây dựng đường ống dẫn khí Phú Mỹ – TP. HCM để cung cấp điện cho nhà máy điện Hiệp Phước. GAS cũng được chấp thuận thu phí vận chuyển 0,52 USD/MMBTU từ các nhà máy điện tại khu vực Phú Mỹ và Nhơn Trạch (bao gồm NT1 và NT2).
Các nhà máy điện này đã thanh toán chi phí vận chuyển và đưa vào thành phần khả biến của giá hợp đồng mua bán điện (PPA) mặc dù không sử dụng đường ống dẫn khí. Tuy nhiên, EVN không đồng ý thanh toán mức giá này dẫn đến việc NT2 bị chậm nộp và trở thành nợ khó đòi.
Theo đề nghị của Kiểm toán Nhà nước, NT2 phải hạch toán chi phí dự phòng cho đến khi có hướng dẫn tiếp theo của Chính phủ. NT2 dự kiến sẽ hoàn nhập dự phòng cho khoản nợ xấu này trong thời gian tới.
|
CTCK khuyến nghị cổ phiếu nào phiên 30/1? |
Khuyến nghị mua PNJ với giá mục tiêu 94.000 đồng/cp
CTCK Bản Việt (VCSC): PNJ công bố KQKD sơ bộ quý 4/2022 với doanh thu thuần đạt 8,3 nghìn tỷ đồng (+18% YoY) và LNST đạt 466 tỷ đồng (+3% YoY). Trong năm 2022, doanh thu thuần của PNJ đạt 33,9 nghìn tỷ đồng (+73% YoY) và LNST đạt 1,8 nghìn tỷ đồng (+76% YoY). Doanh thu và LNST sơ bộ đều hoàn thành 98% dự báo cả năm và thấp hơn nhẹ so với kỳ vọng.
KQKD trên cho thấy doanh thu thuần đạt 2,8 nghìn tỷ đồng (+1% YoY) và LNST đạt 168 tỷ đồng (-13% YoY) vào tháng 12/2022. Doanh thu bán lẻ đạt 5,4 nghìn tỷ đồng (+24% YoY) trong quý 4/2022. Doanh thu bán lẻ tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ trong quý 4/2022 chủ yếu nhờ mức tăng trưởng lần lượt là 40% YoY và 28% YoY vào tháng 10 và tháng 11/2022.
Trong khi đó, doanh thu bán lẻ đạt 1,9 nghìn tỷ đồng (+8% YoY) vào tháng 12/2022, tăng 18% so với tháng trước. Xét về KQKD năm 2022 theo mảng, doanh thu bán lẻ (61% tổng doanh thu năm 2022) tăng 80% YoY, doanh thu bán buôn (12% tổng doanh thu năm 2022) tăng 56% YoY và doanh thu vàng miếng (25% tổng doanh thu năm 2022) tăng mạnh 75% YoY.
Biên lợi nhuận gộp của PNJ thấp hơn so với cùng kỳ trong quý 4/2022 (đạt 17,7% trong quý 4/2022 so với mức 18,2% trong quý 4/2021). Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp tăng 70 điểm cơ bản QoQ đạt 17,7% trong quý 4/2022, chủ yếu nhờ biên lợi nhuận gộp cải thiện 60-70 điểm cơ bản mỗi tháng kể từ tháng 11/2022. VCSC kỳ vọng biên lợi nhuận gộp của PNJ sẽ tiếp tục cải thiện trong tương lai nhờ chi phí đầu vào giảm.
Số lượng cửa hàng của PNJ đạt 364 vào cuối năm 2022 so với 341 vào cuối năm 2021. Trong năm 2022, PNJ mở mới 33 cửa hàng vàng, nâng cấp 31 cửa hàng vàng, mở mới 3 cửa hàng Style by PNJ và 2 cửa hàng PNJ Watch mới, đóng cửa 9 cửa hàng vàng và 6 cửa hàng bạc. Vào cuối năm 2022, PNJ có 343 cửa hàng vàng, cao hơn 1 cửa hàng so với kỳ vọng.
Khuyến nghị mua SSI với giá mục tiêu 23.600 đồng/cp
CTCK Bản Việt (VCSC): CTCP Chứng khoán (SSI) công bố KQKD hợp nhất năm 2022 với lợi nhuận ròng đạt 1,7 nghìn tỷ đồng (-37,0% YoY), hoàn thành 95,8% dự báo năm 2022.
Thu nhập từ HĐKD năm 2022 (được định nghĩa là bao gồm lãi nhưng không bao gồm lỗ tự doanh) giảm 14,9% YoY đạt 6,3 nghìn tỷ đồng - hoàn thành 99,0% dự báo cả năm - chủ yếu do lãi từ FVTPL và HTM giảm cũng như doanh thu môi giới giảm, được bù đắp một phần nhờ doanh thu cho vay ký quỹ vẫn duy trì tăng trưởng.
Trong khi đó, chi phí hoạt động năm 2022 giảm 14,3% YoY một phần nhờ khoản lỗ từ thanh lý tài sản tài chính FVTPL thấp hơn, hoàn thành 92,6% dự báo cả năm. VCSC nhận thấy rủi ro điều chỉnh giảm đối với dự báo lợi nhuận đối với SSI.
Chỉ số VN-Index giảm 32,8% trong năm 2022 tác động tiêu cực đến lợi nhuận đầu tư của SSI. LNTT hợp nhất năm 2022 từ mảng tự doanh giảm 43,9% YoY, chiếm 26,1% LNTT của SSI.
Các khoản đầu tư HTM năm 2022 (bao gồm tiền gửi và chứng chỉ tiền gửi có kỳ hạn dưới 1 năm) giảm 42,1% YoY do số dư HTM bình quân giảm 42,3% YoY.
Doanh thu môi giới giảm 32,2% YoY năm 2022 do giá trị giao dịch trung bình hàng ngày (ADTV) thấp hơn và thị phần giao dịch của SSI giảm trong kỳ. ADTV tổng 3 sàn giao dịch năm 2022 đạt 20,2 nghìn tỷ đồng - giảm 25,0% YoY. ADTV quý 4/2022 tổng 3 sàn đạt 14,1 nghìn tỷ đồng, giảm 12,0% QoQ và 58,1% YoY và là mức thấp nhất trên cơ sở QoQ kể từ quý 4/2020.
Dư nợ cho vay ký quỹ của SSI giảm 29,1% QoQ và 53,3% YoY xuống 11,1 nghìn tỷ đồng vào quý 4/2022 so với dự báo cả năm là 16,2 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh thu cho vay ký quỹ năm 2022 tăng 14,7% YoY nhờ con số quý 1/2022 cao, hoàn thành 94,5% dự báo cả năm.