VNZ: Mảng trò chơi trực tuyến và công nghệ tài chính dự kiến dẫn dắt tăng trưởng dài hạn
Chứng khoán Vietcap: Chúng tôi cung cấp báo cáo công ty đối với CTCP VNG (VNZ) sau khi công ty nộp hồ sơ đăng ký IPO trên sàn NASDAQ thông qua Công ty TNHH VNG vào ngày 24/8.
VNZ là công ty niêm yết kinh doanh dựa trên nền tảng internet hàng đầu tại Việt Nam chuyên phát triển và xuất bản trò chơi trực tuyến, truyền thông, công nghệ tài chính (ví điện tử) và chuyển đổi số (dịch vụ điện toán đám mây và các dịch vụ công nghệ khác).
Từ năm 2016 đến năm 2022, VNZ đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) 16% về doanh thu, chủ yếu nhờ lợi nhuận từ mảng trò chơi. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh công nghệ tài chính của công ty vẫn đang trong giai đoạn đầu và công ty ghi nhận khoản lỗ ròng 1,3 nghìn tỷ đồng từ mảng này vào năm 2022.
Trong giai đoạn 2023-2025, chúng tôi dự đoán lợi nhuận của VNZ sẽ có diễn biến tích cực. Điều này sẽ được thúc đẩy bởi khoản giảm lỗ từ mảng công nghệ tài chính và khoản đóng góp lợi nhuận cao hơn từ mảng trò chơi trực tuyến. Lợi nhuận có thể cải thiện nhờ: (1) ZaloPay thu được lợi nhuận thông qua các sản phẩm tài chính số và cơ sở người dùng mạnh của VNZ, và (2) công ty cải thiện năng lực phát triển trò chơi trong nước và tăng cường sự hiện diện trên toàn cầu.
Trong dài hạn, chúng tôi cho rằng VNZ sẽ là cơ hội đầu tư hấp dẫn nếu công ty có thể đạt được động lực phát triển hoạt động mảng công nghệ tài chính bằng cách tận dụng danh mục kinh doanh đa dạng của mình, đặc biệt là nền tảng xã hội Zalo.
VNZ hiện đang giao dịch với EV/doanh thu trượt là 3,2 lần – thấp hơn 22% so với EV/doanh thu trượt của trung vị một số công ty trong ngành dịch vụ dựa trên internet trên thế giới là 4,1 lần.
Rủi ro: Rủi ro pháp lý đối với trò chơi trực tuyến, cạnh tranh gay gắt hơn dự kiến trong lĩnh vực công nghệ tài chính.
FRT (Khuyến nghị Mua): Động lực tăng trưởng từ sự mở rộng chuỗi bán lẻ dược phẩm và phục hồi mảng kinh doanh ICT
Chứng khoán Tiên Phong: Đóng góp của mảng kinh doanh dược phẩm & y tế vào doanh thu của FRT retail ngày càng tăng. Doanh thu thuần 6T.2023 đạt 14,924 tỷ đồng, tăng 6.6%yoy và đạt 43.9% kế hoạch. Trong đó, mảng kinh doanh bán lẻ thuốc đạt 6,899 tỷ đồng, tăng 95.5%yoy, đưa tỷ trọng của mảng bán lẻ thuốc tăng từ 29% trong 6T.2023 lên 46% trong 6T.2023.
Ngược lại, do áp lực cạnh tranh cao khi sức mua suy yếu, mảng ICT ghi nhận mức lợi nhuận 8,118 tỷ đồng, giảm 19.2%yoy. Về thị phần, FPT Shop đứng thứ 2 sau Thế giới di động về thị trường điện tử và đứng đầu về mảng bán lẻ Laptop tại Việt Nam, bao phủ 31% thị phần Laptop Việt Nam năm 2021. Bên cạnh đó, thị phần về bán lẻ thuốc của FRT không ngừng tăng lên, bao phủ 45% thị phần mảng phân phối dược phẩm và thiết bị y tế năm 2021 của Việt Nam.
Sở hữu chuỗi nhà thuốc có số lượng cửa hàng lớn nhất Việt Nam và là chuỗi duy nhất có lãi ở thời điểm hiện tại. Tính tới cuối tháng 9/2023, số lượng cửa hàng thuốc của FPT Long Châu lên tới 1,350 cửa hàng, tăng 413 cửa hàng so với cuối năm 2022. Công ty có dự kiến đưa số lượng nhà thuốc của FPT Long Châu lên tới 1,400 – 1,500 cửa hàng tại thời điểm cuối năm 2023 và đạt mốc 3,000 cửa hàng trong vòng 5 năm tới.
Tính tới thời điểm hiện tại, FPT Long Châu đã vượt xa về số lượng nhà thuốc của An Khang (537 cửa hàng) và Pharmacity (1,118 cửa hàng). Không chỉ đạt mức tăng trưởng thần tốc trong việc tăng số lượng cửa hàng trong thời gian ngắn mà FPT Long Châu cũng đang dẫn đầu về hiệu quả hoạt động của chuỗi nhà thuốc ở Việt Nam.
Sau 3 năm FRT Retail tham gia vào lĩnh vực bán lẻ thuốc, chuỗi FPT Long Châu đã ghi nhận mức lợi nhuận tăng nhẹ trong năm 2021, đạt lãi trước thuế năm 2022 và 6T.2023 lần lượt là 53 tỷ đồng và 280 tỷ đồng. Trong khi đó, chuỗi cửa hàng thuốc An Khang và Pharmacity đang chịu lỗ kể từ ngày bắt đầu hoạt động. Ngoài ra, FPT Retail mới mở thêm mảng tiêm chủng cũng góp phần tăng thị phần và doanh thu cho FPT retail trong thời gian tới.
Triển vọng dài hạn: Dân số tăng, cơ cấu dân số Việt Nam già hóa ngày càng nhanh và sức khỏe yếu hơn sau đại dịch Covid19 sẽ thúc đẩy người dân quan tâm tới sức khỏe nhiều hơn. Theo dự báo của WB, số người từ 65 tuổi trở lên ở Việt Nam sẽ tăng gấp đôi vào năm 2040, chiếm 18% tổng dân số. Hơn nữa, thị trường dược phẩm của Việt Nam vẫn còn phân mảnh, chuỗi nhà thuốc vẫn chiếm thị phần nhỏ, chủ yếu vẫn là các nhà thuốc truyền thống (gần 3,000 nhà thuốc thuộc chuỗi trên tổng 60,000 nhà thuốc tư nhân). Bên cạnh đó, thị phần từ nhà thuốc bệnh viện của FPT Retail được kỳ vọng tăng lên khi Long Châu đang dẫn đầu về lĩnh vực kinh doanh thuốc kê đơn, lợi nhuận từ lĩnh vực kinh doanh này cũng cao hơn các mảng khác. Mảng kinh doanh ICT kỳ vọng phục hồi khi lạm phát và lãi suất hạ nhiệt.
Định giá: Chúng tôi kết hợp phương pháp DCF và P/S để đưa ra giá mục tiêu FRT là 119,500 đồng/cp, upside 26.5% so với giá đóng cửa 17/10/2023.
Rủi ro: (1) Rủi ro về lạm phát toàn cầu hạ nhiệt chậm, lãi suất vẫn còn cao, (2) Rủi ro về hàng tồn kho cao, (3) Áp lực cạnh tranh ngày càng cao ở cả mảng ICT và bán lẻ dược phẩm, (4) Rủi ro pha loãng cổ phiếu, (5) Rủi ro thay đổi chính sách phân phối dược phẩm.
PTB (Khuyến nghị Mua): Định giá không bị ảnh hưởng nhiều từ sự kiện Noble House
Chứng khoán Yuanta: Cổ phiếu PTB đang bị ảnh hưởng giảm ngắn hạn sau thông tin Noble House Home Furniture LLC của Mỹ, một khách hàng của PTB, chính thức đệ đơn xin phá sản theo Chương 11 tới Tòa án Hoa Kỳ ở quận Houston Texas. PTB cũng đã có những giải trình với nhà đầu tư. Chúng tôi cho rằng thông tin trên sẽ gây ảnh hưởng ngắn hạn đến PTB do Noble House có khoản phải thu 79 tỷ đồng với PTB tại BCTC Q2/2023.
Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng sự kiện này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến triển vọng kinh doanh cũng như giá trị cốt lõi doanh nghiệp do 1) Noble House chỉ chiếm khoảng 5% doanh thu của PTB; 2) giá trị khoản phải thu 79 tỷ đồng là không lớn và PTB cho biết Noble House đã thanh toán 1 phần từ 30/06/2023 đến nay nên giá trị phải thu thực tế là nhỏ hơn; 3) Noble House nộp đơn xin phá sản không phải là tình hình chung của các công ty đồ nội thất ở Mỹ; 4) thông tin Noble House nộp đơn xin phá sản đã có từ 11/09/2023, không phải là thông tin mới.
PTB cho biết KQKD Q3 và Q4/2023 sẽ hồi phục tích cực, trong đó riêng Q3, các đơn hàng đang hồi phục với tốc độ nhanh chóng. Chúng tôi cho rằng triển vọng tích cực sẽ kéo dài sang 2024 khi Fed dừng việc nâng lại suất và việc mở rộng tệp khách hàng mới của PTB. Kể từ Q1/2023 PTB đã mở rộng mạng lưới khách hàng cho các sản phẩm đá thạch anh tại thị trường Mỹ và mang lại doanh thu tăng trưởng tích cực.
Nhà máy sản xuất đá thạch anh giai đoạn 2 có thể đi vào hoạt động từ tháng 6/2023, nâng tổng công suất lên 630, 000 m2/năm (+40%). Chúng tôi kỳ vọng nhà máy mới sẽ bắt đầu đóng góp doanh thu từ năm 2024 khi nhu cầu tại Mỹ thực sự ấm lên sau khi Fed dừng nâng lãi suất.
Định giá cổ phiếu: Trên quan điểm thận trọng, chúng tôi đã giả định khoản phải thu 79 tỷ đồng với Noble House là ghi nhận mất trong năm 2023. Chúng tôi định giá PTB bằng 2 phương pháp P/E và P/B, tỷ trọng 50% mỗi phương pháp. Chúng tôi dùng mức P/E dự phóng lần lượt là 11.00x tương đương mức trung bình 2 năm +1SD do triển vọng kinh doanh tích cực từ Q3/2023 và sang 2024; mức P/B dự phóng là 1.65 lần, tương đương mức TB 2 năm theo quan điểm thận trọng hơn. Kết quả dự phóng trung bình là 70,140 đồng/CP. Theo đó, chúng tôi đưa ra khuyến nghị MUA đối với PTB với tỷ suất lợi nhuận kỳ vọng +22.2% so với giá đóng cửa ngày 17/10/2023.