Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can Đỗ Anh Dũng (61 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh) cùng 6 đồng phạm về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ông Dũng bị cáo buộc đã có hành vi gian dối, sử dụng 3 công ty thành viên cùng các công ty liên quan để phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật, thu về số tiền 10.300 tỷ đồng. Mục đích để huy động tiền của nhà đầu tư nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu.
Với việc Chủ tịch Tân Hoàng Minh đã bị khởi tố, quyền lợi trái chủ trong vụ án sẽ được giải quyết ra sao? Trường hợp tập đoàn không trả tiền, các tổ chức, cá nhân mua trái phiếu cần làm gì để đảm bảo quyền lợi của mình?
|
Bị can Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Ảnh: Tân Hoàng Minh.
|
Theo dõi sự việc, luật sư Nguyễn Thanh Hà (Chủ tịch HĐTV Công ty Luật SB Law) nhìn nhận với việc hành vi chào bán trái phiếu của ông Dũng đã vi phạm pháp luật, cơ quan chức năng có quyền hủy bỏ các đợt phát hành trái phiếu của 3 công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh.
Trích dẫn Điều 34 Nghị định 153/2020/NĐ-CP của Chính phủ, ông Hà cho biết doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ chào bán trái phiếu và các thông tin công bố. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu không tuân thủ quy định tại Nghị định này, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài các biện pháp xử phạt hoặc xử lý trách nhiệm hình sự, đơn vị phát hành trái phiếu còn có thể bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như bị buộc thu hồi chứng khoán đã chào bán, phát hành hay hoàn trả tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc (nếu có) cộng thêm tiền lãi cho nhà đầu tư.
Để đảm bảo quyền lợi của mình, trong vòng tối đa 60 ngày từ ngày cơ quan có thẩm quyền ra quyết định áp dụng các biện pháp bắt buộc khắc phục hậu quả, nhà đầu tư cần gửi yêu cầu đến đơn vị phát hành trái phiếu để yêu cầu được hoàn tiền.
Trường hợp đơn vị phát hành trái phiếu không trả tiền hoặc không còn đủ khả năng thanh toán, nhà đầu tư có thể khởi kiện đơn vị phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật. Trình tự, thủ tục khởi kiện được quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
|
Trụ sở Tân Hoàng Minh yên ắng sáng 6/4. Ảnh: Đức Anh.
|
Còn với luật sư, trọng tài viên Trương Thanh Đức (Giám đốc Công ty Luật ANVI), ông nhìn nhận việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hủy bỏ các trái phiếu phát hành của Tân Hoàng Minh là chưa phù hợp.
Trích dẫn quy định tại Nghị định số 156/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bố sung tại Nghị định số 128/2021/NĐ-CP, ông Đức cho biết hành vi che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán, cụ thể là trong việc phát hành trái phiếu, nếu không cấu thành tội phạm hình sự theo quy định tại Điều 209, Bộ luật Hình sự năm 2015, thì không thuộc trường hợp nào trong 2 trường hợp bị đình chỉ chào bán chứng khoán và hủy bỏ chào bán theo Luật Chứng khoán 2019.
Do đó, vị trọng tài viên nhìn nhận cần xem xét lại quy trình hủy bỏ các trái phiếu phát hành đã đúng quy định hay chưa. Và đơn vị nào có quyền hủy bỏ các giao dịch đó? Trường hợp giao dịch bị hủy bỏ, ông Đức cũng cho rằng phía doanh nghiệp có trách nhiệm trả tiền cho nhà đầu tư.
"Trường hợp này, giao dịch mua bán trái phiếu là giao dịch bất hợp pháp và sẽ bị hủy bỏ. Khi đó, các bên phải hoàn trả lại tình trạng ban đầu, đồng nghĩa doanh nghiệp phải trả tiền cho nhà đầu tư. Trường hợp có đơn vị bảo lãnh thanh toán thì ngân hàng, tổ chức bảo lãnh sẽ chi trả trước cho người mua rồi sau đó yêu cầu doanh nghiệp thanh toán số tiền này", luật sư nói.
Nếu các bên không tìm được tiếng nói chung, nhà đầu tư có thể khởi kiện dân sự để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình.