Nhiều người trong giới sành chơi sẵn sàng chi trả số tiền lớn để sở hữu chiếc điếu này, tuy nhiên chủ nhân vẫn nhất định không bán.
Chơi điếu cày được biết đến là một thú chơi bình dân nhưng lại đòi hỏi ở người chơi sự tỉ mỉ, công phu trong từng chi tiết của sản phẩm. Không chỉ dành nhiều thời gian để tìm kiếm, săn lùng những mẫu điếu cày độc lạ, một số tay chơi còn tốn nhiều công sức trong việc tự tay tạo ra một sản phẩm điếu cày đúng chất theo mong muốn của bản thân.
Anh Cao Xuân Hoà (28 tuổi, Thanh Hóa) là một trong những tay chơi điếu nổi tiếng trong công đồng những người yêu thích điếu cày Việt Nam. Anh Hòa hiện sở hữu bộ sưu tập điếu cày chạm khắc lên tới hàng chục chiếc độc – lạ, trong đó được anh “ưu ái” và tự hào nhất chính là siêu phẩm “Kim Long Vườn Ngọc”.
|
Toàn cảnh chiếc điếu được mệnh danh là “cực phẩm”: Kim Long Vườn Ngọc. |
Đây là chiếc điếu tạo hình rồng, được làm từ tre gai bụi của Thanh Hóa, thân ống cũng là thân của con Rồng là đoạn tre 100% thiên nhiên ban tặng, vòng xoắn không chắp nối. Đầu rồng được tạo hình từ khúc tre gai, râu tre được tận dụng nguyên bản tạo ra nét mộc mạc, tự nhiên nhất cho chiếc điếu.
Ngoài chất liệu ống tre ưu tú, điểm đặc biệt của chiếc điếu này là chi trước con rồng được người nghệ nhận cho cặp một viên đá quý phong thủy, tượng trưng cho ngọc trong thế “kim long vườn ngọc”.
Chủ nhân chiếc điếu cho biết, anh tình cờ mua lại được đoạn ông điếu (thân rồng) từ một người thợ chặt cọc tre với giá 2,7 triệu đồng. Với con mắt người trong nghề, anh dễ dàng nhận ra đây là một đoạn thân tre độc lạ, rất phù hợp để tạo hình điếu cày.
|
“Của không nặng bằng công”, săn lùng những khúc tre khúc nứa khó khăn nhưng đôi khi được chủ nhà cho không vì với người không sử dụng nó chỉ như một món đồ bỏ đi. |
|
Quá trình tạo hình, điêu khắc điếu lại đòi hỏi người nghệ nhân sự tỉ mỉ và tập trung tuyệt đối. Với điếu cày bằng tre, người làm phải cạo sạch lớp cật tre bên ngoài, dùng giấy ráp đánh sạch sẽ sau đó cho điếu vào nồi luộc hơn 30 tiếng để xử lý hết chất hữu cơ tự nhiên trong thân tre, tránh mối mọt sau này. |
Ngay sau đó, anh Hòa đã lên ý tưởng tạo hình và bắt tay vào thực hiện. Các công đoạn như tìm nguyên liệu cho các bộ phận liên quan trên thân rồng đến khoan khò, chế tạo chân lắp ghép, đục đầu rồng bằng ống tre đến khoan thông ống tre, cạo đánh bóng… anh đều làm hoàn toàn bằng thủ công, thời gian làm kéo dài liên tục trong 15 ngày.
Công đoạn cuối cùng là ngâm điếu trong nước bã rượu để khi sử dụng điếu cày “lên nước” chất lượng. Trong giới chơi điếu cày, một chiếc điếu “lên nước” càng nhiều hình thù hoa văn kỳ quái “độc nhất vô nhị", chủ nhân càng được đánh giá là dân sành điệu về điếu. Chính vì vậy, ngoài yếu tố về ngoại hình, một chiếc điếu đảm bảo “lên nước” đẹp mắt có thể có giá lên tới hàng chục triệu đồng.
|
Toàn bộ điếu được chính chủ đảm bảo “hoàn toàn mộc và thiên nhiên 100%”. |
|
Chiếc điếu từng được nhiều người hỏi mua song vẫn chưa tìm được chủ nhân mới. |
“Trên thị trường hiện nay đã xuất hiện nhiều chiếc điếu cày độc lạ do cộng đồng yêu thích điếu cày mỗi lúc một đông hơn. Tuy nhiên, một chiếc điếu độc đáo và có giá trị phải được làm từ tâm huyết, tỉ mỉ đến từng chi tiết của người nghệ nhân, bên cạnh đó, ý tưởng về tạo hình cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng” – Anh Hòa chia sẻ.
Theo anh Hòa, chiếc điếu khi đăng tải trong các hội nhóm được rất nhiều người hỏi mua, trong đó cũng những “tay chơi” trả giá khủng khiến anh cũng phải… chóng mặt, khoảng 1.000 USD (23 triệu VNĐ) cho một chiếc điếu cày. Tuy vậy, đến thời điểm hiện tại anh vẫn quyết định chưa sang tên chiếc điếu với lý do “chưa tìm được người thực sự tâm huyết”.