Bộ sưu tập gồm 30 chiếc điếu cày có hình dáng vô cùng đặc biệt với tạo hình các con vật như bọ cạp; rồng; rắn… Chủ nhân của bộ sưu tập cho biết, anh từng được nhiều đại gia hỏi mua điếu với mức giá “khủng”, trong đó có chiếc được trả 40 triệu đồng nhưng anh không đồng ý bán.
Thú chơi điếu cày được biết đến là một thú chơi bình dân nhưng lại đòi hỏi ở người chơi sự tỉ mỉ, công phu trong từng chi tiết của sản phẩm. Không chỉ dành nhiều thời gian để tìm kiếm, săn lùng những mẫu điếu cày độc lạ, một số người người chơi còn tốn nhiều công sức trong việc tự tay tạo ra một sản phẩm điếu cày đúng theo mong muốn của mình.
Bắt đầu với niềm đam mê điếu cày từ năm 2018, sau hơn 1 năm tìm hiểu, đầu năm 2019 anh Nguyễn Hoàng Hải (Thái Nguyên) bắt đầu sở hữu cho mình những chiếc điếu đầu tiên trong bộ sưu tập. Anh Hải cho biết, lý do anh yêu thích sản phẩm này vì chúng được “thổi hồn”, biến hóa kỳ diệu từ những khúc tre/nứa đơn điệu, mộc mạc. “Nếu nhìn thấy những chiếc điếu của tôi từ lúc chưa thành hình, chắc ai cũng nghĩ nó chỉ là một thân cây tre nứa vứt đi” – Anh Hải vui vẻ chia sẻ.
Bộ sưu tập điếu cày gồm 30 chiếc có tổng giá trị lên tới hơn 200 triệu.
Giá trị một chiếc điếu cày phụ thuộc vào việc lựa chọn thân cây tre (hoặc nứa) loại bánh tẻ, vóc dáng vừa vặn, có ụ mắt đẹp.
Bộ sưu tập của anh Hải gồm 30 chiếc điếu, mỗi chiếc có hình dáng khác nhau được chạm khắc, tạo hình kỳ công. Để sở hữu được những “chiến binh” đặc biệt này, anh Hải không chỉ mất nhiều thời gian săn lùng khắp nơi mà còn tự mình lên ý tưởng, tìm kiếm nguyên vật liệu rồi chuyển cho nghệ nhân lành nghề tạo ra 1 chiếc điếu hoàn chỉnh, độc nhất theo đúng mong muốn của bản thân.
Quá trình tạo ra một chiếc điếu cày khó khăn nhất ở giai đoạn tìm nguyên vật liệu, anh Hải thậm chí phải lặn lội khắp các làng quê, tìm mua tận các huyện vùng sâu vùng xa. Tre nứa làm điếu phải đạt các yêu cầu về độ đẹp, hình dáng độc lạ, khác biệt… Chính những yếu tố này sẽ quyết định chiếc điếu cày khi ra thành phầm có hình thù như thế nào, và mức độ đắt đỏ của chiếc điếu cũng được định giá từ đây.
Cận cảnh chiếc điếu từng được một đại gia hỏi mua với giá gần 40 triệu đồng.
Ngoài ra, những chiếc điếu khác trong bộ sưu tập của anh Hải có giá dao động từ 5 – 20 triệu đồng/chiếc.
“Của không nặng bằng công”, săn lùng những khúc tre khúc nứa khó khăn nhưng đôi khi được chủ nhà cho không vì với người không sử dụng nó chỉ như một món đồ bỏ đi. Tuy vậy, quá trình tạo hình, điêu khắc điếu lại đòi hỏi người nghệ nhân sự tỉ mỉ và tập trung tuyệt đối. Với điếu cày bằng tre, người làm phải cạo sạch lớp cật tre bên ngoài, dùng giấy ráp đánh sạch sẽ sau đó cho điếu vào nồi luộc hơn 30 tiếng để xử lý hết chất hữu cơ tự nhiên trong thân tre, tránh mối mọt sau này.
Công đoạn cuối cùng là ngâm điếu trong nước bã rượu để khi sử dụng điếu cày “lên nước” chất lượng. Trong giới chơi điếu cày, một chiếc điếu “lên nước” càng nhiều hình thù hoa văn kỳ quái “độc nhất vô nhị", chủ nhân càng được đánh giá là dân sành điệu về điếu. Chính vì vậy, ngoài yếu tố về ngoài hình, một chiếc điếu đảm bảo “lên nước” đẹp mắt có thể có giá lên tới hàng chục triệu đồng.
Từng đường nét hoa văn trên chiếc điếu đều được chạm khắc tinh xảo.
Bảo quản điếu cũng là quá trình đòi hỏi người chơi cần sự kiên nhẫn. Theo anh Hải, thời gian lau rửa, vệ sinh điếu mỗi ngày có thể lên tới 6 tiếng với nhiều công đoạn phức tạp.
Trong bộ sưu tập của mình, anh Hải sở hữu những “chiến binh” khủng thu hút sự chú ý của nhiều dân chơi điếu, đặc biệt có nhiều chiếc từng được đại gia hỏi mua với giá từ 20 – 40 triệu đồng/chiếc. Tuy vậy, anh Hải nhất định không bán vì điếu giống như những đứa con tinh thần của anh. Ngoài những chiếc điếu đắt đỏ, những chiếc điếu khác trong bộ sưu tập của anh Hải có giá dao động từ 5 – 20 triệu đồng/chiếc.
Thời gian tới, anh Hoàng Hải tiếp tục tìm kiếm thêm nhiều mẫu điếu cày độc lạ để bổ sung vào bộ sưu tập của mình, anh mong muốn mở một câu lạc bộ riêng là nơi trưng bày cũng như giao lưu với những người có chung sở thích kỳ lạ với điếu cày.