Một ấm đun nước bằng sắt thủ công của Nhật Bản có thể có giá 400 USD. Trong nhiều thế kỷ, các nghệ nhân đã chế tạo ấm đun nước bằng cách đổ sắt nóng chảy vào khuôn và đập khuôn ra khi nguội. Những chiếc ấm này thường có kiểu dáng đẹp nhưng chỉ dùng để đun nước. Bạn có thể mua một chiếc ấm đun nước được sản xuất hàng loạt với giá 20 USD, vậy điều gì làm cho những chiếc ấm này trở nên đắt đỏ như vậy?
Loại ấm sắt này thường được làm tại tỉnh Iwate của Nhật Bản. Ấm sắt đã được làm ở đây hàng trăm năm. Ấm sắt Nambu (hay Nambu tekki) là đồ sắt truyền thống được sản xuất lần đầu tiên vào thời Edo tại thành phố Morioka, tỉnh Iwate. Tên Nambu bắt nguồn từ vùng đất phong kiến nơi ấm sắt này ra đời.
Nobuho Miya, giám đốc điều hành công ty Kamasada, cho biết mất hai đến ba năm để thiết kế một chiếc ấm đun nước mới. Tại xưởng của ông, mỗi chiếc ấm đều được làm thủ công. Thiết kế đơn giản và trang trí tinh tế mang đến cho Nambu tekki nét đặc trưng riêng. Việc sản xuất đồ sắt truyền thống này bắt đầu do nhu cầu ngày càng tăng đối với dụng cụ pha trà.
Những chiếc ấm sắt truyền thống như thế này không có lớp tráng men bên trong. Thay vào đó, các nghệ nhân đun nóng ấm đến 900 độ C trên lớp than củi. Điều này tạo ra một lớp oxy hóa, giúp ngăn ngừa rỉ sét. Không có lớp tráng men, chiếc ấm sẽ làm thay đổi mùi vị của nước đun sôi một cách tinh tế.
Ấm Nambu sử dụng sắt chất lượng cao, có thể bổ sung sắt trong chế độ ăn uống khi đun sôi và giúp loại bỏ clo khỏi nước máy cách hiệu quả, mang lại hương vị dịu ngọt cho nước. Thêm vào đó, bên trong của ấm sắt Nambu được đốt trên lửa than trong khoảng một giờ để oxy hóa lên bề mặt, giúp ấm có khả năng chống gỉ, độ bền cao, cách nhiệt tốt, giúp nhiệt lưu thông đều.
Hầu hết các ấm từ Kamasada có giá từ 300 đến 400 USD, nhưng giá có thể lên tới 2.000 USD. Mặc dù giá cao, nhưng khách hàng luôn phải xếp hàng để chờ đợi được mua những chiếc ấm này. Với vẻ đẹp truyền thống Nhật Bản, kết hợp giữa tính nghệ thuật và thực tiễn, ấm Nambu đã sở hữu một thị trường rộng lớn tại Nhật Bản cũng như ở nước ngoài. Ngày nay, một số nhà sản xuất ở Nhật Bản đang xuất khẩu sản phẩm của họ sang châu Âu và châu Mỹ.