Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên Đán, trên nhiều diễn đàn phụ nữ, các chị em bắt đầu bàn tán xôn xao về chuyện chi tiêu cho tết, mua thứ gì, sắm sửa ở đâu...
Không ít người “choáng” khi một bà mẹ đơn thân chia sẻ kế hoạch chi tiêu tết khoảng 70 triệu đồng. Trong đó bao gồm: tiền mua đồ gia dụng (20 triệu), tiền mua thực phẩm bánh kẹo (20 triệu), tiền mua quà biếu tết (10 triệu), tiền mừng tuổi (5 triệu), tiền mua hoa, trang trí nhà cửa (20 triệu).
|
Cần lên kế hoạch chi tiêu Tết để mua sắm hợp lý vừa túi tiền. Ảnh minh hoạ |
Đối với những người có thu nhập trung bình thì việc chi tiêu chừng đó tiền cho một cái tết là quá nhiều, còn những người có thu nhập cao thì đó chỉ là chuyện nhỏ. Bởi có một bà mẹ có 6 con khác chia sẻ: "Mỗi tết nhà mình chi hơn 100 triệu vẫn không đủ".
Những trường hợp trên có lẽ là cá biệt vì nhìn chung, mức chi tiêu được nhiều chị em chia sẻ ở mức từ 10 đến 20 triệu đồng, bao gồm các khoản. Thế mới thấy, việc chia tiêu tết của mỗi gia đình đúng là muôn hình vạn trạng tuỳ vào tình hình kinh tế và hoàn cảnh.
Thông thường đến tết, nhiều người có tâm lý cả năm làm việc vất vả rồi nên dồn tiên tiêu pha cho thoải mái. Tư tưởng này dẫn đến tình trạng, sắm sửa tết phung phí nhưng hết tết không còn một đồng trong túi, lại phải lao vào làm việc cật lực để bù chi phí.
Thậm chí có người thích khoe khoang, đua nhau mua sắm hoành tráng để khách đến nhà phải trầm trồ. Họ chuẩn bị tết theo kiểu “vung tay quá trán”: mua toàn bia xịn, rượu ngoại đắt tiền, săn hàng độc chưng tết, còn mua thêm tivi, bàn ghế mới. Không đủ tiền thì đi mượn để tiêu rồi năm mới lại rơi vào cảnh nợ nần chồng chất.
Nhiều chị em sắm sửa theo phong trào, hàng hoá mua về nhiều nhưng không hề dùng đến. Gia đình ít người, nhu cầu ăn uống không nhiều vẫn mua đủ các loại thực phẩm chất đầy tủ lạnh đến khi ra Giêng lại đau đầu khoản giải quyết đồ thừa.
Để có một cái tết vui vẻ, không áp lực thì việc lên kế hoạch chi tiêu rất cần thiết. Theo các chuyên gia tư vấn tài chính, mỗi nhà cần lên kế hoạch chi tiêu tết càng cụ thể càng tốt và cần phải dựa trên điều kiện kinh tế hiện tại của gia đình.
Chi phí mua sắm nên chia vào từng khoản nhỏ và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên: tiền mua thực phẩm, tiền trang trí vệ sinh nhà cửa, tiền mua quần áo, tiền đi lại, tiền mua đồ gia dụng… để tránh rơi vào bẫy mua sắm ngày tết.
Việc mua sắm cũng nên bắt đầu trước tết một tháng để có nhiều sự lựa chọn và có giá cả rẻ hơn, tránh việc mua quá cận tết vừa hết hàng giá lại cao. Một số chị em chọn việc mua sắm chung hay săn hàng giảm giá cũng là một cách tiết kiệm chi tiêu.
Thực tế, không có một con số cụ thể nào cho việc chi tiêu tết được xem là đủ, hợp lý cho tất cả các gia đình mà phải tuỳ vào điều kiện kinh tế riêng. Nhưng việc chi tiêu quá tốn kém không có kế hoạch dẫn đến tình trạng lãng phí là điều không nên. Việc tiêu dùng cũng cần tránh tâm lý đua theo xu hướng mà cần căn cứ vào nhu cầu thực sự của gia đình, tránh việc mua sắm tốn kém nhưng thực tế sử dụng lại không hiệu quả.