Chị Bùi Thị Xuân ở Quang Lãm (Hà Đông, Hà Nội) tâm sự, vợ chồng chị quê ở Lục Ngạn (Bắc Giang). Cả hai đều có công việc ổn định ở Hà Nội nhưng tổng thu nhập cả hai chỉ quanh quẩn ở mức 15-20 triệu/tháng.
Năm ngoái, dồn toàn bộ tiền của tích cóp anh chị mua được mảnh đất và xây căn nhà hai tầng. Lấy nhau đã gần chục năm vợ chồng chị mới thoát cảnh ở trọ.
Song, nhà vừa hoàn thiện và dọn về ở thì cũng là lúc trong túi hết nhẵn không còn một đồng. Lúc đó, chỉ còn hơn hai tháng nữa là đến Tết Nguyên đán. Chị đang tính không biết Tết lấy tiền đâu mà sắm sửa chi tiêu.
|
Chị Xuân nảy ra ý định bán cam Canh lấy kiếm tiền tiêu Tết. |
Đang vắt tay lên trán suy nghĩ tìm cách kiếm tiền tiêu Tết, mẹ chồng chị ở quê điện ra bảo gửi cho thùng cam đường Canh mua của nhà bác hàng xóm, cuối ngày ra bến xe lấy. Mẹ chồng chị còn khoe, cam này quả nhỏ nhưng siêu sạch, ăn ngọt lừ bởi quá trình trồng, bác sử dụng thuốc trừ sâu là tỏi, ớt, gừng,... ngâm với rượu, còn bón cây bằng phân chuồng hoai mục.
Nhận cam về nhà ăn thử, chị Xuân thấy đúng như lời mẹ chồng chị quảng cáo: cam mọng nước, vỏ mỏng dính và siêu ngọt.
Chị liền nảy ra ý định buôn cam này bán Tết kiếm thêm chút tiền tiêu. May được chồng đồng ý luôn nên cuối tuần, cả hai vợ chồng đi xe máy về quê thăm vườn chốt giá cam. Chị quyết định ôm luôn cả vườn vì vườn nhỏ, lượng cam được khoảng 3 tấn.
Thời điểm cuối năm ngoái, giá cam đường canh loại ngon ở Hà Nội bán tới 70.000-75.000 đồng/kg. Còn chị quyết định rao bán trên facebook với giá chỉ 65.000 đồng/kg. Chị gom đơn khách đặt, cuối tuần mẹ chồng chị sẽ sang vườn hái và cân cam rồi gửi nhà xe xuống cho chị.
"Mình bán online, lại bán cho khách quen nên phải bán rẻ hơn ngoài thị trường dù cam ngon và chất lượng hơn nhiều", chị nói. Tuần đầu tiên, chị chỉ gom được vài chục đơn với lượng cam hơn 3 tạ. Khách mua chủ yếu là các chị em trong công ty vì tin tưởng nhau chứ không có khách lạ. Có người đặt mua tới cả 1-2 yến cam.
Thế nhưng, sang tới tuần thứ hai thì đơn hàng và lượng cam khách đặt mua tăng lên rất nhiều. Bởi, những khách mua đợt trước ăn ngon lại mua tiếp, ngoài ra còn giới thiệu hay đặt mua hộ bạn bè người thân. Cứ thế, trước ngày 23 tháng Chạp năm ngoái, chị đã bán hết sạch một vườn cam 3 tấn.
"Bán hết hơn 3 tấn cam tổng thu được 195 triệu đồng. Trong khi giá cam lấy tại vườn là 40.000 đồng/kg (đã cộng chi phí vận chuyển), một cân bán ra giá 65.000 đồng, lãi được 25.000 đồng/kg", chị Xuân tiết lộ.
Buôn xong vụ cam mùa Tết chị lãi được 75 triệu đồng. Số tiền này chị trích một khoản ra để mua sắm Tết cho gia đình, biếu bố mẹ chồng và bố mẹ đẻ. Còn dư 60 triệu chị quyết định mua chiếc xe máy SH Mode để đi, thay thế cho chiếc xe Wave cũ cà tàng của mình.
Kể chuyện buôn bán lời lãi nghe có vẻ dễ dàng, nhưng suốt quá trình buôn bán, vợ chồng chị phải thức đêm thức ôm kiểm tra đơn hàng khách đặt, đi lấy hàng, chia hàng thành từng đơn nhỏ để chuyển cho khách. Có hôm trời mưa, chị phải tha cả tạ cam lên cơ quan trả đơn hàng cho chị em, mệt phờ người. Kết thúc vụ buôn bán Tết, chị sụt mất 4 ký vì thiếu ngủ lại đi lại nhiều. Nhưng đổi lại, hai vợ chồng chị kiếm được một khoản khá.
Năm nay, chị lại "ôm" tiếp vườn cam đó bán Tết. Tuy nhiên, lãi chắc chắn không thể bằng năm ngoái do giá cam năm nay rẻ, ngoài chợ chỉ 45.000-50.000 đồng. Chị chỉ rao bán với giá tương đương, trong khi giá lấy tại vườn vẫn 35.000 đồng/kg.
Giờ đã bán được gần nửa vườn cam, khoảng 3 tuần nữa là bán hết rồi nghỉ ăn Tết là vừa. Bán xong, tiền lãi thu được năm nay chắc chỉ đủ mua sắm Tết chứ không dư dả như năm trước, chị chia sẻ.