Chi tiền triệu khám phá thú chơi “đĩa ngọc, chén vàng” dịp Tết ở Hà Nội

Google News

Hoa thủy tiên là một loài hoa quý phái, được ví như "đĩa ngọc, chén vàng". Nhiều bạn trẻ không ngần ngại bỏ ra tiền triệu học cách gọt củ hoa này.

Từ đầu tháng Chạp, căn gác nhỏ nằm trên phố Phan Huy Chú (Hoàn Kiếm, Hà Nội) vốn là không gian thưởng trà lại thường xuyên đón những bạn trẻ đến để tìm hiểu và học cách gọt củ hoa thủy tiên, một trong hoạt động không thể thiếu vào dịp Tết của người Hà Nội xưa.
Chi tien trieu kham pha thu choi “dia ngoc, chen vang” dip Tet o Ha Noi
Do dịch bệnh nên mỗi lớp học cách gọt hoa thủy tiên chỉ giới hạn từ 3-5 người (Ảnh: Hà Hiền). 
Sẵn sàng chi tiền triệu, ngồi hàng giờ để gọt giò hoa chơi Tết
Gác lại bộn bề của những ngày cuối năm, hai bạn trẻ Thu Hương và Hương Giang mang theo củ hoa đã gọt từ buổi học đầu tiên đến để làm quen với cách xén lá, tạo thế cho giò hoa theo ý thích. Với Thu Hương, hoa thủy tiên không chỉ mang đến không khí Tết mà còn gợi nhớ ký ức tuổi thơ của cô mỗi dịp Tết đến xuân về lại được nhìn ngắm bà ngoại gọt hoa thủy tiên.
"Mình được truyền cảm hứng từ bà, xưa kia Tết năm nào bà ngoại mình cũng gọt hoa thủy tiên. Mình được biết gọt thủy tiên rất khó, để canh được hoa nở đúng lúc giao thừa còn là cả một nghệ thuật. Năm ngoái, mình bắt đầu mua củ hoa về tự học cách gọt trên mạng nhưng không thành nên năm nay quyết định tham gia lớp học bài bản", Thu Hương (30 tuổi) ở Ba Đình, Hà Nội chia sẻ.
Chi tien trieu kham pha thu choi “dia ngoc, chen vang” dip Tet o Ha Noi-Hinh-2
Dù mới tham gia lớp học gọt củ hoa được một buổi nhưng Thu Hương đã thành thạo những bước cơ bản, có thể điều khiển được củ hoa theo những dáng mà mình thích. 9X Hà Nội cũng thừa nhận gọt hoa thủy tiên giúp cô rèn tính kiên trì, cẩn thận (Ảnh: Hà Hiền). 
"Mình thường dành chút thời gian buổi sáng để gọt hoa, thời điểm có chút nắng sớm, tinh thần phơi phới minh mẫn nhất nên gọt hoa đỡ sai hơn. Mình đặt mục tiêu quyết tâm gọt được giò hoa nở đúng thời khắc giao thừa", Thu Hương cho biết thêm.
Hoa thủy tiên là thú chơi cầu kỳ của người Hà Nội mỗi dịp Tết đến xuân về, theo thời gian, thú chơi này dần bị mai một. Ngày nay, một số người trẻ vẫn âm thầm gìn giữ và lưu truyền nét văn hóa này, trong đó có anh Tống Hồng Cầm (39 tuổi), hiện là quản lý nhóm hơn 6000 người chơi hoa thủy tiên trên mạng xã hội Facebook.
Biết đến hoa thủy tiên từ năm 2013, anh Cầm ngay lập tức "phải lòng" loài hoa này nên đã dành nhiều tâm huyết và thời gian học hỏi thú chơi sang mà không chảnh, tinh tế mà tao nhã.
"Khi bắt đầu tập gọt những củ hoa đầu tiên, tôi may mắn được cụ Nguyễn Phú Cường - một người tâm huyết, am tường về thú chơi hoa thủy tiên cầm tay hướng dẫn từng đường dao, nét gọt. Vì vậy, tôi rất mong muốn có thể truyền lại một số kinh nghiệm đã học được từ thầy cho các bạn trẻ, để lan rộng thú chơi này", anh Cầm chia sẻ.
Một vài năm trở lại đây, khi số người tìm về thú chơi này ngày một nhiều hơn, anh cùng Cầm cùng một số người bạn chơi hoa thủy tiên kỳ cựu mở các buổi chia sẻ, lớp học ngắn để hướng dẫn tỉ mỉ từng bước từ chọn củ hoa, dao gọt, cách gọt, xén lá, tạo dáng nghệ thuật, cách dưỡng…
Anh Cầm cũng cho biết thêm, người đến học được trang bị đầy đủ dụng cụ gọt, củ hoa, học kiến thức gọt từ cơ bản đến nâng cao. Chi phí cho cả khóa học dao động từ 500.000 - 1.000 000 đồng/người.
Biết đến thú chơi hoa này từ năm 2012, nhưng đến năm nay anh Tạ Văn Hai (giảng viên) mới tìm được lớp học cách gọt hoa thủy tiên ưng ý.
Chia sẻ sau buổi học đầu tiên, anh Hai nói: "Khi được các anh chị ở lớp học hướng dẫn, những câu hỏi, thắc mắc trước đây của mình đều đã có lời giải đáp, để tạo ra một bát hoa đúng ý nguyện của mình".
Trước đó, cứ vào dịp Tết, anh Hai đều lang thang trên phố Hoàng Hoa Thám tìm mua củ hoa vể tự gọt, có năm anh gặp được một số cụ già và hỏi các cụ cách gọt nhưng chưa thành công.
Có tới 10 năm tìm hiểu về hoa thủy tiên, giảng viên trẻ này cho biết, khi gọt hoa thủy tiên cần phải tĩnh tâm, tập trung, bởi đây là loài hoa rất khó tính.
Mỗi bát hoa thủy tiên là duy nhất
Theo anh Tống Hồng Cầm, một bát hoa thủy tiên đẹp không hẳn phải là nhiều hoa, cũng không chỉ có bộ lá xoắn xít uốn lượn mà nó phải có một bố cục tổng thể hài hòa giữa cả hoa, lá, rễ và cả phụ kiện đi kèm như bát, đĩa trưng bày.
Nếu có thêm một không gian phù hợp thì sẽ hoàn hảo hơn, nhưng nếu không có điều kiện để thiết kế một không gian phù hợp thì mỗi người cũng có thể tạo cho mình một góc nho nhỏ đặt bát/ly hoa để ngắm nghía, thưởng thức.
Chia sẻ về điều khiến anh say mê loài hoa này nhất, nghệ nhân trẻ nói: "Với tôi, điều cuốn hút nhất ở thủy tiên không phải là sắc, hương, cũng không phải là bộ rễ dài và trắng muốt mà là ở sự ảo diệu thiên biến vạn hóa của nó. Sự ảo diệu ấy cho phép người chơi có thể sáng tạo tùy biến một cách hết sức linh hoạt, vì vậy mỗi bát hoa thủy tiên là tác phẩm độc nhất, không thể trùng lặp".
Sự độc nhất, không trùng lặp này cũng là điều lôi cuốn một người thích khám phá như chị Vũ Thị Thu Hiền (34 tuổi) ở Mỹ Đình, Hà Nội gác lại công việc bận rộn cuối năm tới tham gia lớp học gọt hoa thủy tiên.
"Mình thích hoa thủy tiên bởi đây là thú chơi rất độc đáo, rèn tính kiên nhẫn, sáng tạo. Mỗi củ hoa là độc nhất, củ đầu bạn gọt thành công nhưng củ sau vẫn có thể thất bại. Khi gọt những củ đầu tiên mình rất hồi hộp theo dõi quá trình phát triển, thay đổi từng ngày của chúng", chị Hiền chia sẻ.
Hoa thủy tiên khi nở có màu trắng tinh khôi, mùi hương tinh khiết, quyến rũ. Chính sự thanh tao đó mà loài hoa này không chỉ để trưng bày trong phòng khách mà còn sử dụng để thờ cúng dịp Tết. Người xưa quan niệm rằng, nhà nào có được bát hoa thủy tiên nở đúng thời khắc giao thừa, năm đó sẽ được may mắn, bình an, vạn sự như ý.
Mùa hoa thủy tiên năm nay đang vào dịp nhộn nhịp nhất. Thời điểm này, những người chơi hoa đang tập trung chăm sóc để có những bát hoa đẹp cho ngày đầu xuân năm mới với ước mong niềm vui và may mắn.
Theo Hà Hiền/Dân trí

>> xem thêm

Bình luận(0)