Xuất hiện giữa Hà Nội khoảng 2 tháng trở lại đây cùng với sự mới lạ và giá thành rẻ, chỉ 5.000 đồng/cái, món bánh ống lá dứa - đặc sản trứ danh miền Tây - đang thu hút nhiều vị khách tò mò, nhất là các bạn trẻ từ các trường đại học.
Cứ 5 giờ chiều, một chiếc xe đẩy gọn nhẹ nép bên lề đường phố Lê Thanh Nghị (Hai Bà Trưng, Hà Nội), xung quanh chiếc xe lúc nào các bạn trẻ cũng quây kín. Người bán lấy ra những chiếc bánh màu xanh cốm, trong những ống inox lạ mắt, mùi thơm béo ngậy tỏa ra, làm ai cũng muốn thưởng thức ngay giữa tiết trời se lạnh.
|
Bánh ống lá dứa miền Tây đang gây sốt trên vỉa hè Hà Nội. |
Ăn xong 2 chiếc bánh, Trần Thanh Thúy, sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân, gọi với: “Cho em 4 cái mang về anh nhé”. Thúy kể: “Một tuần có tới 4-5 ngày em ăn bánh ở đây. Cứ tầm chiều đi học về đói, em lại qua đây ăn 2 cái lót dạ. Mấy đứa bạn cùng phòng em cũng nghiền bánh này lắm. Nay các bạn bận nên em mua hộ".
Thúy cho hay, đây là lần đầu tiên cô được thưởng thức đặc sản của người Khmer và không nghĩ, với những nguyên liệu rất đơn giản, họ có thể làm ra món ăn vặt hấp dẫn như thế. Theo Thúy, bánh ống lá dứa dễ ăn, thơm, giúp no lâu. Đặc biệt, với giá 5.000 đồng/cái, phù hợp với túi tiền sinh viên, nên Thúy thường xuyên ăn bánh ở đây.
Không chỉ gây sốt trong giới trẻ, khách hàng công sở và mọi lứa tuổi cũng bị cuốn vào trào lưu ăn vặt mới mẻ này. Cứ đến giờ tan tầm, chiếc xe bán bánh ống lá dứa của anh Đặng Văn Dương trên đường Lê Thanh Nghị lại đông nghịt học sinh, sinh viên, dân công sở,... hết tốp này đến tốp khác chờ mua nên anh không lúc nào ngơi tay.
Anh Dương cho biết, lúc đầu anh chỉ bán bánh bầu phô mai, xôi, ngô nhưng đều không khả quan, thu nhập thấp. Thời gian gần đây, anh chuyển qua bán loại bánh lá dứa đặc sản miền Tây, thấy khách mua ăn đông hơn hẳn. Song, để làm được bánh này, anh và gia đình phải vào tận Sóc Trăng học làm từ năm 2017.
“Đây là món ăn vặt phổ biến của người dân miền Tây, ở Sài Gòn cũng được bán khá nhiều tại vỉa hè. Riêng ở Hà Nội, tôi là người đầu tiên bán bánh ống, đặc sản của người Khmer nên đa số khách ăn vì tò mò. Nhưng vì bánh có hương vị đặc trưng, dễ ăn lại khá rẻ, phù hợp với mọi đối tượng khách hàng nên ngày càng nhiều người tìm đến hơn”, anh Dương nói.
Trung bình mỗi ngày, anh bán được hơn 1 yến gạo, tương đương 400-500 chiếc bánh. Tính ra, doanh thu cũng lên đến 70 triệu/tháng, trừ đi chi phí anh lãi khoảng một nửa. Ngoài khách mua trực tiếp, anh còn bán online trên mạng, thuê người ship đến tận nơi.
Anh Dương cho biết, bánh ống lá dứa được làm từ gạo nếp, gạo được xay nhỏ, lá dứa giã nát vắt lấy nước, cùi dừa nạo, rồi trộn 3 thứ đó với vừng, lạc, đường làm bột bánh, tạo thành một hỗn hợp màu xanh nhạt.
|
Sinh viên, dân công sở khá thích thú với loại bánh này. |
Theo anh Dương, khâu khó nhất trong quá trình làm là cân đo trộn các nguyên liệu sao cho đúng tỷ lệ, như vậy bánh mới đảm bảo độ thơm ngon, không bị quá ngọt hay quá ngấy.
Khi có khách, anh cho bột vào khuôn hấp hình trụ dài khoảng 10-15cm, rồi dùng nắp tròn ở trên đậy lại thật nhanh, ở giữa có một que inox dài để lấy bánh ra. Nồi hơi đặt phía dưới các ống, bốc hơi nước lên và làm chín đều các bánh. Chỉ sau 2-3 phút là bánh đã chín, khi đó nguyên liệu sẽ nở đều và quện vào nhau.
Bánh lấy ra được cuộn vào lớp lá chuối, thơm mùi gạo nếp với hương lá dứa, mùi ngầy ngậy béo béo của dừa,... Khi ăn, bánh có vị ngọt dịu, cộng thêm vị bùi của lạc, vừng, gạo nếp dẻo và thơm khiến chiếc bánh đặc biệt hấp dẫn.
Món bánh ống lá dứa này phải ăn nóng mới cảm nhận hết các hương vị và mùi thơm hòa quyện. Do vậy, đa số khách thường ăn tại chỗ. Anh Dương chia sẻ, trước đây, người Khmer làm bánh với loại khuôn tre. Nhưng bây giờ, người làm sử dụng khuôn bằng inox cho tiện. Thực ra bánh này cũng gần giống cơm lam ống tre ngoài Bắc,
Ở Hà Nội, hiện chỉ có gia đình anh bán loại bánh đặc sản miền Tây này trên đường Trần Đại Nghĩa, Tạ Quang Bửu và Tôn Thất Tùng. Anh Dương dự định sắp tới sẽ cho ra loại bánh ống mặn, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.