Ở khối doanh nghiệp tư nhân, có 3 ứng viên là lãnh đạo các doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn chứng khoán gồm ông Lê Viết Hải – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (HBC), ông Nguyễn Như So – Chủ tịch Tập đoàn Dabaco (DBC) và ông Lê Xuân Quế – Phó tổng giám đốc Tập đoàn Sao Mai.
Doanh nhân ứng cử đại biểu Quốc hội trẻ nhất là bà Nguyễn Thị Kim Thoa – Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Sản xuất thương mại Abavina (Cần Thơ) 34 tuổi. Kỳ trước, ứng viên trẻ nhất mới 29 tuổi.
Nổi bật trong 30 doanh nhân ứng cử đại biểu Quốc hội là: ông Lê Mạnh Hùng - Tổng Giám đốc PVN; ông Lê Minh Chuẩn - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp Than, Khoáng sản Việt Nam.; ông Lê Viết Hải – Chủ tịch Xây dựng Hoà Bình (HBC); ông Nguyễn Như So - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dabaco.
Ông Lê Mạnh Hùng - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
Ông Lê Mạnh Hùng sinh năm 1973 ở Hưng Yên. Ông Hùng tốt nghiệp Đại học Bách khoa với bằng Kỹ sư Công nghệ Tổng hợp Hoá dầu và Hữu cơ. Tiếp đó, năm 2003, ông Hùng lấy bằng Thạc sỹ chuyên ngành Công nghệ hoá dầu ở Đại học Bách khoa Hà Nội. Năm 2008, ông Hùng trở thành Tiến sỹ chuyên ngành Hoá dầu và xúc tác hữu cơ.
Trong sự nghiệp của mình, ông Lê Mạnh Hùng đã có bề dày kinh nghiệm trong ngành dầu khí.
Từ năm 2013 đến nay, ông Hùng được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) phụ trách các lĩnh vực: Công nghiệp Lọc hóa dầu; Công nghiệp Khí, các dự án Điện khí; Công tác An toàn - Sức khỏe - Môi trường; Công tác Quản lý chất lượng và Công nghệ Thông tin của Tập đoàn.
Sau đó, ông Lê Mạnh Hùng chính thức làm Tổng Giám đốc PVN kể từ ngày 1/7/2019.
|
Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng. Ảnh: Petrotimes |
Về tình hình kinh doanh của PVN, quý I/2021, hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư của PVN tiếp tục được duy trì ổn định, các chỉ tiêu tài chính hợp nhất đều vượt so với kế hoạch đề ra, nộp ngân sách Nhà nước trên 19.000 tỷ đồng, hoàn thành 118% kế hoạch quý và tăng trưởng 3% so với cùng kỳ.
Ông Lê Minh Chuẩn - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp Than, Khoáng sản Việt Nam (TKV)
Ông Lê Minh Chuẩn - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn TKV.
Ông Lê Minh Chuẩn sinh ngày 2/4/1965, quê quán Thái Bình, là một doanh nhân và chính trị gia. Ông được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch HĐTV TKV vào tháng 6/2014 trong thời hạn 5 năm.
Ngày 2/7/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định về việc bổ nhiệm ông Lê Minh Chuẩn tiếp tục giữ chức vụ Chủ tịch HĐTV TKV từ ngày 27/6/2019.
|
Ông Lê Minh Chuẩn. Ảnh: Vietnamfinance |
Trước đó, vào tháng 5/2007, ông Lê Minh Chuẩn được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc TKV. Từ tháng 3/2011 đến tháng 6/2014, ông giữ Tổng giám đốc TKV.
Năm 2016, ông Lê Minh Chuẩn đã trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV nhiệm kỳ 2016-2021 tại Quảng Ninh.
Tại TKV, ngoài chức vụ Chủ tịch HĐTV thì ông Lê Minh Chuẩn hiện còn là Bí thư Đảng ủy, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Khối doanh nghiệp Trung ương; Phó Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ mỏ Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Trong 3 tháng đầu năm 2021, hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn TKV duy trì ổn định trong bối cảnh chịu tác động mạnh của đại dịch COVID-19. Cụ thể, doanh thu 3 tháng đầu năm toàn TKV ước đạt 28.544 tỷ đồng. Nộp ngân sách Nhà nước 4.800 tỷ đồng. Đến hết tháng 3, các chỉ tiêu chính của TKV hoàn thành từ 24 - 26% kế hoạch năm.
Ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng Hòa Bình
Doanh nhân Lê Viết Hải hiện giữ vai trò Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng Hòa Bình, Chủ tịch Hội xây dựng và vật liệu xây dựng Tp.HCM.
|
Doanh nhân Lê Viết Hải. Ảnh: HBC |
Ông Lê Viết Hải sinh năm 1958, tại làng Phú Xuân, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Năm 1985, ông tốt nghiệp Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM với tấm bằng Kiến trúc sư. Sau khi tốt nghiệp, ông vào làm việc tại Công ty Quản lý Nhà với công việc thiết kế thi công một số công trình nhà ở tư nhân. Năm 1987, ông thành lập và làm Giám đốc điều hành Văn phòng Xây dựng Hòa Bình với 5 kỹ sư và 20 người thợ.
Từ năm 2000 – đến nay, ông là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình. Hiện nay, Công ty có hơn 3.042 nhân viên và 5 công ty thành viên. Ngày 27/12/2006, cổ phiếu Hòa Bình chính thức niêm yết trên Sàn giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE: HBC).
Tính đến ngày 20/5/2021, ông Lê Viết Hải nắm giữ 37,06 triệu cổ phiếu HBC, tương đương 534 tỷ đồng, là người giàu thứ 166 trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Trong báo cáo tài chính quý I/2021, HBC ghi nhận doanh thu thuần giảm 7% về còn 2.263 tỷ đồng. Giá vốn giảm mạnh giúp biên lợi nhuận của HBC cải thiện lên 8,7% từ mức 7,7%. Lãi sau thuế trong quý I ở mức 8,9 tỷ đồng, tăng 63%, trong đó lãi thuộc về cổ đông công ty mẹ là 7,6 tỷ đồng.
Công ty mới đạt gần 17% kế hoạch doanh thu và 4% mục tiêu lợi nhuận năm.
Ông Nguyễn Như So - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dabaco
|
Doanh nhân Nguyễn Như So. Ảnh: Dabaco |
Doanh nhân Nguyễn Như So sinh 23/08/1957 tại huyện Tiên Du, Bắc Ninh. Ông Nguyễn Như So cũng đã có quãng thời gian 15 năm phục vụ trong quân đội. Sau khi xuất ngũ và lấy được tấm bằng cử nhân kinh tế, năm 1988, ông được điều về làm Phó Giám đốc Công ty Vật tư Hà Bắc.
Năm 1996 ông được tỉnh điều chuyển về làm Giám đốc Công ty Dâu tằm tơ Hà Bắc - một doanh nghiệp làm ăn bết bát và đang nằm trong diện giải thể. Thời điểm đấy, Công ty Dâu tằm tơ Hà Bắc sắp phá sản. Khi ông So về, tỉnh đổi tên doanh nghiệp này thành Công ty Nông sản Bắc Ninh.
Tiếp nhận một doanh nghiệp mà tài sản gần như con số không, ông So quyết tâm tìm hướng đi mới cho doanh nghiệp. Theo đó, dưới sự lãnh đạo của ông So, Công ty Nông sản Bắc Ninh dần phát triển. Ngày 26/3/2011, đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam.
Đến nay, sau hơn 20 năm, Dabaco sở hữu hệ thống trên 60 đơn vị thành viên.
Trong quý I/2021, Dabaco ghi nhận doanh thu đạt 2.473,7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 365 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 3,6% và 4,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm nhẹ từ 26% về còn 25,4%. Lợi nhuận gộp tăng nhẹ 1,4% lên 628,5 tỷ đồng, các hoạt động khác biến động không đáng kể so với cùng kỳ năm trước.