Bằng cấp vốn được coi là nền tảng của mọi sự thành công, tuy nhiên, không ít người chọn cách đi "tắt" để chạm tay vào ngọn lửa vinh danh - Nikhil Kamath là 1 người như thế.
Trở thành tỷ phú có trong tay khối tài sản trị giá 1,55 tỷ USD (35.777 tỷ đồng), Nikhil Kamath được vinh danh là tỷ phú trẻ tuổi nhất Ấn Độ trong lĩnh vực đầu tư tài chính.
Sinh ra trong gia đình có bố là quản lý ngân hàng, mẹ là giáo viên dạy âm nhạc, khi còn là 1 cậu bé 5 tuổi, Nikhil Kamath được huấn luyện để trở thành kỳ thủ cờ vua. Anh từng đi khắp Ấn Độ thi đấu với những người chơi giỏi nhất.
Nhà vô địch cờ vua 34 tuổi trở thành tỉ phú tự thân trẻ nhất Ấn Độ.
"Giống như nhiều việc trong cuộc sống, nếu bạn giỏi hơn một chút ở một môn thể thao hay một công việc nào đó, bạn sẽ bắt đầu thích nó hơn và làm nó nhiều hơn. Tôi cũng như thế với cờ vua", chàng trai trẻ tâm sự.
Ở tuổi 14, Nikhil Kamath kiên quyết bỏ học để theo nghiệp cờ vua, điều này khiến bố mẹ và bạn bè anh phản đối kịch liệt, họ đưa ra hàng tỷ lý do để chỉ ra rằng việc bỏ dở con đường học tập của anh là sai lầm.
Sau khi bỏ học, Nikhil Kamath vật lộn tìm con đường của riêng mình. Nhận ra cờ vua không đem lại sự thành công, năm 17 tuổi, Nikhil Kamath quyết định quay trở lại vạch xuất phát để tìm kiếm công việc thực sự phù hợp với mình.
Anh không ngại lao động chân tay, thử sức ở nhiều vị trí bao gồm cả tư vấn viên điện thoại. Kamath tâm sự không ai muốn thuê người không có bằng đại học nên anh phải tìm công việc không cần bằng cấp. Lúc này Nikhil Kamath biết đến chứng khoán.
Với niềm đam mê kinh doanh, anh đã tham gia thị trường chứng khoán nhờ sự giúp đỡ của bạn bè và anh trai.
Nikhil Kamath thích thú với việc giao dịch là không có giới hạn tối đa, anh nói: "Việc giao dịch trên sàn chứng khoán không yêu cầu bất kỳ bằng cấp nào cả. Bất kỳ ai cũng có thể nghiên cứu thị trường tài chính. Bạn có thể tìm hiểu thông tin từ sách, trên mạng và tự mình trở thành một nhà giao dịch".
Sai lầm, thất bại, thất vọng để rồi thành công, "3-4 năm đầu tiên trong nghề, tôi mắc đầy rẫy những sai lầm. Tôi kiếm được một chút, sau đó mắc sai lầm, rồi lại kiếm được. Vòng quay ấy cứ tiếp diễn trong vài năm", Nikhil Kamath chia sẻ.
Chơi lớn 1 lần, anh em Kamath dồn tiền tiết kiệm để tạo dựng nền tảng môi giới cho các nhà đầu tư. Năm 2010, công ty môi giới thương mại Zerodha ra đời, với nghĩa tiếng Phạn là "rào cản", "ra đời".
Đây là 1 nền tảng giao dịch chứng khoán miễn phí mà không cần bất cứ khoản đầu tư bên ngoài nào.
Nhờ hoạt động thuận lợi, khối tài sản của hai anh em Kamath ngày một tăng. Hiện tại, Zerodha đã trở thành công ty môi giới bán lẻ lớn nhất Ấn Độ với doanh thu 10 tỷ USD mỗi ngày.
Tỷ phú trẻ nhất Ấn Độ Nikhil Kamath hiện là đồng sáng lập kiêm Giám đốc đầu tư của Zerodha - công ty môi giới thương mại lớn nhất nước này.
Tiếp nối thành công, năm 2019, hai anh em tiếp tục ra mắt công ty quản lý tài khoản True Beacon, chuyên giải quyết vấn đề trong mô hình quản lý tài chính truyền thống bất chấp sự biến động của thị trường. Anh cũng thành lập nhiều doanh nghiệp "fintech" (công nghệ tài chính) thành công thông qua "vườn ươm" startup Rainmatter của mình.
Trong năm 2020, đợt dịch Covid-19 bùng phát bất ngờ trở thành cơ hội với thị trường chứng khoán. Bên cạnh đầu tư vàng và bất động sản, người dân Ấn Độ cũng đổ xô mua cổ phiếu trong năm ngoái.
Vào tháng 10/2020, Kamath cùng anh trai lọt vào danh sách 100 người giàu nhất Ấn Độ do tạp chí Forbes bình chọn với khối tài sản trị giá 1,55 tỷ USD. Ở tuổi 34, Kamath trở thành tỷ phú trẻ nhất Ấn Độ.
Trong thời gian tới, tỷ phú Kamath đặt trọng tâm vào Zerodha và True Beacon để các công ty ngày càng phát triển hơn nữa.
Trong những năm tới, Kamath hy vọng True Beacon có thể được định giá hàng tỷ USD và trở thành một trong những kỳ lân mới trong hệ sinh thái khởi nghiệp đang phát triển nhanh chóng của Ấn Độ.
Chia sẻ về công việc của mình, Nikhil cho biết anh hạnh phúc khi được làm việc mỗi ngày, thay vì ngồi ở nhà hoặc bên bờ biển, trên một ngọn núi nào đó mà không làm gì cả.
"Tôi không nghĩ rằng điều đó sẽ thay đổi trong tương lai gần. Ít nhất 5-10 năm tới, tôi cho rằng mình vẫn làm công việc mà mình vẫn đang làm bây giờ".