"Lộc rừng" đến vào dịp cuối năm
Xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình có cánh rừng dẻ rộng hơn 2.000ha, từ lâu đời. Trước đây, cứ vào mùa dẻ, người dân lại vào rừng nhặt hạt về phơi khô, tích trữ để ăn thay cơm mỗi khi đói kém do mất mùa hay lụt bão.
Người dân vào rừng nhặt hạt dẻ (Ảnh: P.P).
Vào thập niên 80-90 của thế kỷ trước, vì thiếu đất sản xuất, người dân xã Quảng Lưu chặt phá rừng dẻ, bán gỗ, lấy đất để sản xuất. Rừng dẻ Quảng Lưu đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.
Tuy nhiên, với quyết tâm tái sinh rừng dẻ, chính quyền xã Quảng Lưu quyết định cấm cửa rừng, không cho người dân chặt phá rừng làm nương rẫy. Xã này lập tổ bảo vệ rừng để tuyên truyền cho người dân hiểu được những lợi ích lâu dài mà rừng mang lại. Nhờ đó, rừng dẻ dần hồi sinh và Quảng Lưu trở thành địa phương có diện tích rừng dẻ lớn nhất tỉnh Quảng Bình.
Cũng từ đó, sản vật từ rừng dẻ như hạt dẻ, mật ong… đã mang lại nguồn thu lớn cho người dân địa phương. Cứ đến tháng 10 và 11 hàng năm, người dân xã Quảng Lưu và một số vùng lân cận lại tỏa đi nhặt "lộc rừng". Hiện đang giữa mùa hạt dẻ chín rộ, mỗi ngày có khoảng 500 lượt người đi nhặt hạt dẻ.
Theo chị Nguyễn Thị Liên, trú thôn Hải Lưu, xã Quảng Lưu, mỗi ngày đi rừng, chị có thể nhặt được khoảng 20kg hạt dẻ, với giá bán 20.000-30.000 đồng/kg, mỗi ngày chị có thu nhập 400.000-600.000 đồng.
"Năm nay, dẻ được mùa, hạt rụng dày, nên trung bình mỗi ngày tôi cũng nhặt được khoảng 20kg hạt. Nhặt hạt dẻ là công việc cần sự kiên trì. Việc đi nhặt hạt dẻ không quá mệt nhọc, hạt dẻ lại rất dễ bán và có thu nhập ngay nên thu hút rất nhiều người vào rừng mỗi ngày", chị Liên chia sẻ.
Cả xã kiếm 5 tỷ trong vài tháng
Theo người dân địa phương, cây dẻ nở hoa trắng tinh khiết và kết trái kéo dài trong vòng 9 tháng, đến đầu tháng 10 dương lịch, dẻ bắt đầu chín và trong khoảng 2 tháng là rụng hết. Nhờ hạt dẻ, suốt nhiều năm qua, nhiều người dân xã Quảng Lưu đã có thu nhập khá vào những tháng cuối năm và hi vọng có một cái Tết đầm ấm hơn.
Chị Trần Thị Lý (38 tuổi, trú tại xã Quảng Lưu) có thâm niên nhặt hạt dẻ gần 20 năm qua. Theo bà Lý, để nhặt hạt dẻ, bà phải di chuyển quãng đường dài vào sâu trong rừng nên cần mang theo cơm để ăn trưa. "Năng nhặt chặt bị", mỗi mùa dẻ cũng mang về cho bà Lý nguồn thu nhập khoảng 30 triệu đồng.
"Mùa hạt dẻ rụng chỉ vài ba tháng nên mình phải tranh thủ, chịu khó nhặt sẽ có nguồn thu nhập khá, số tiền này còn hơn làm lúa với chăn nuôi cả năm trời. Hạt dẻ không chỉ giúp chúng tôi trang trải sinh hoạt mà còn để dành nuôi con ăn học", bà Lý cho hay.
Hạt dẻ là mặt hàng rất được ưa chuộng, đặc biệt là dịp gần Tết. Do đó, hạt dẻ người dân nhặt về đều được các đại lý thu mua, tiêu thụ hết.
Ông Trần Văn Thắng, một đại lý thu gom hạt dẻ cho biết, trung bình mỗi ngày ông thu mua khoảng 1,5 tấn hạt dẻ của bà con. Ở xã Quảng Lưu có 3 đại lý thu gom như của ông Thắng nên bà con nhặt hạt dẻ từ rừng ra đều đưa đến các nơi này để nhập, thu "tiền tươi" nên ai cũng phấn khởi.
Trao đổi với Dân trí , ông Phạm Văn Húynh, Chủ tịch UBND xã Quảng Lưu cho hay, theo thống kê chưa đầy đủ, từ đầu mùa dẻ đến nay, người dân xã Quảng Lưu đã nhặt được hơn 200 tấn hạt dẻ, thu về khoảng 5 tỷ đồng.
Với sự tuyên truyền của chính quyền địa phương và những lợi ích kinh tế mà rừng dẻ mang lại, người dân Quảng Lưu bây giờ đã nhận thức rõ ràng và luôn có ý thức bảo vệ rừng dẻ. Không chỉ mang lại tiền tỷ, rừng dẻ còn góp phần chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.