Vừa cưới xong nên vợ chồng anh Hữu chị Mai (Bắc Giang) lên kế hoạch chi tiêu hết sức tiết kiệm. Thay vì mua sắm đồ gia dụng mới tốn kém, anh chị chọn cách lên mạng tìm kiếm những người cần thanh lý đồ cũ để tìm mua một chiếc tủ lạnh. Cuối cùng, vợ chồng anh cũng mua được một chiếc tủ lạnh cũ với giá 3,5 triệu đồng.
Tuy nhiên, mới sử dụng được 2 tháng, tủ lạnh lăn đùng ra hỏng. Anh Hữu nhờ thợ điện lạnh đến sửa thì được biết tủ lạnh hỏng log.
“Khi mới mua, chúng tôi cũng kiểm tra. Thấy tủ lạnh còn khá mới, vỏ ngoài bóng bẩy, không có vết xước nên chúng tôi quyết định lấy ngay và không kiểm tra gì thêm. Người bán cũng quảng cáo tủ lạnh vẫn chạy tốt, của một gia đình có nhu cầu thay tủ khác lớn hơn nên mới thanh lý. Tin lời người bán nên chúng tôi đã mua phải hàng lỗi”, anh Hữu bức xúc kể.
Theo anh Mai Xuân Ngọc, kỹ thuật viên của một siêu thị điện máy lớn ở TP. Bắc Giang, tủ lạnh cũ, cần thanh lý là chiêu trò gian lận quen thuộc của các thợ lẻ chuyên nhận sửa chữa điện lạnh, sau khi họ mua lại tủ hỏng của những người dân với giá cực rẻ.
“Họ mua lại với giá chỉ 500 nghìn đồng cho đến 1,5 triệu đồng mỗi tủ đã hỏng, sau đó mang về sửa chữa lại, đánh bóng cho mới rồi rao bán trên mạng với mác hàng thanh lý. Mỗi tủ lạnh họ lãi từ 1-2 triệu đồng. Về chất lượng, ngay chính bản thân họ cũng không đảm bảo tủ còn hoạt động tốt hay không”, anh Ngọc tiết lộ.
Trong khi đó, anh Ngọc cho rằng, phần lớn người mua đồ cũ thường chỉ quan sát bề ngoài sản phẩm, không kiểm tra kỹ chất lượng máy bên trong. Đặc biệt là tủ lạnh, là đồ dùng hoạt động ròng rã quanh năm, khi mua đồ cũ càng cần kiểm tra thật kỹ chất lượng máy.
Trên thị trường, tại các siêu thị điện máy lớn, giá tủ lạnh mới ở phân khúc bình dân thường dao động từ 10-20 triệu đồng, tùy vào thể tích, hãng sản xuất và tính năng; còn phân khúc cao cấp giá từ 50 triệu đến vài trăm triệu đồng. Còn tủ lạnh cũ giá chỉ từ 2-5 triệu đồng.
Để đảm bảo chất lượng tủ lạnh cũ, yên tâm sử dụng lâu dài, anh Ngọc chia sẻ kinh nghiệm để người mua không bị hớ.
Anh Ngọc cho hay, người mua trước tiên cần chú ý chọn loại tủ có thương hiệu. Đồng thời, tìm hiểu đời (năm sản xuất) của máy, vì máy đời thấp thường chạy yếu, công suất làm lạnh kém hoặc chậm hơn với các dòng đời cao. Từ đó, có thể tra cứu trên Internet là biết được tủ đã qua sử dụng được bao lâu, nếu quá 10 năm thì bỏ qua vì tuổi thọ của tủ thường chỉ khoảng 10 năm.
Hơn nữa, nếu lưới tản nhiệt tích nhiều bụi thì sẽ làm tủ lạnh tiêu hao nhiều điện năng hơn để làm lạnh, dẫn đến hóa đơn tiền điện tăng cao (hoặc tủ hoạt động nhưng khả năng làm lạnh kém). Dó đó, nên chọn tủ lạnh có lưới tản nhiệt sạch sẽ. Trong quá trình sử dụng, người dùng cũng nên vệ sinh phần này.
Sau khi kiểm tra lưới tản nhiệt, người dùng cần kiểm tra chảo đựng nước thải và dây nhợ. Chảo đựng nước thải được đặt ở dưới tủ cũng như các cuộn dây nằm ở phía sau lưng tủ. Nếu chảo đựng nước thải bị nhỏ giọt sẽ gây mùi khó chịu, đồng thời cuộn dây bị đóng bẩn sẽ làm tủ không lạnh nữa.
Ngoài những yếu tố cốt lõi quyết định đến chất lượng của tủ lạnh cũ, khi mua cũng cần kiểm tra các lớp vỏ bên trong tủ phải còn sáng bóng, không có vết nứt. Đảm bảo cửa tủ lạnh phải khít, nếu không khít hay không thể đóng cửa, khí lạnh thoát ra không chỉ khiến thực phẩm bị hư hỏng mà còn làm tăng lượng điện năng tiêu thụ.