Nhiều năm trở lại đây, vào mùa Trung Thu, không ít doanh nghiệp, cửa hàng, khách sạn liên tiếp tung ra các mẫu bánh trung thu bạc triệu, thậm chí hàng chục triệu. Điểm chung dễ thấy của những mẫu bánh này là ngoài 4-8 chiếc bánh với nhân lạ, những hộp bánh bạc triệu này đều kèm theo rượu ngoại, trà xịn hoặc đồ lưu niệm,... trong đó, giá của sản phẩm bán kèm chiếm từ 30% đến 75% giá trị hộp bánh.
|
Các cửa hàng, khách sạn liên tiếp tung ra các mẫu bánh trung thu bạc triệu. Ảnh: Internet. |
Bánh trung thu “đại gia” có gì độc?
Giữ "ngôi vương" trong nhiều năm liên tiếp, khách sạn Hà Nội mùa trung thu 2017 cũng cho ra mắt sản phẩm Vương Kim Chi Ngộ với giá lên tới 13.998.000 đồng. Tuy nhiên, ngoài trang trí hộp da cao cấp, giá của hộp bánh "khủng" như vậy do có bán kèm một chai rượu Ballantine's 30 năm. Theo giá rao bán trên các trang webside chuyên rượu ngoại, chai rượu này đã có giá từ 5.000.000 đồng đến hơn 6.000.000 đồng, bằng gần nửa giá của hộp bánh trung thu siêu đắt đỏ này.
Ngoài mẫu bánh trung thu “đại gia” này, khách sạn Hà Nội còn đưa thêm 3 dòng Vương Kim Tri Ngộ khác được niêm yết với mức giá: 7.398.000 đồng, 4.898.000 đồng và 2.998.000 đồng. Các mẫu bánh trung thu này có giá cao hay thấp là tùy vào loại rượu đi kèm theo hộp.
|
Bánh trung thu của khách sạn Hà Nội có giá lên tới gần 14 triệu đồng. Ảnh: banhtrungthukhachsanhanoi.com. |
Tương tự, mẫu bánh Long Đình An Quý của nhà hàng Long Đình với mức giá từ 2.180.000 - 4.338.000 đồng/hộp cũng được bán kèm với các loại rượu Tây. Giá mỗi chai rượu trong hộp sản phẩm dao động từ 1.000.000 đến 1.500.000 đồng.
Hay dòng bánh Trung thu cao cấp của khách sạn Hilton với giá từ 2.000.000 đến 3.500.000 đồng. Sản phẩm này bao gồm 4 bánh Trung thu cỡ lớn, 1 gói chè, 1 bộ đồ chơi Lego và 1 chai rượu Tây.
Bên cạnh đó, khi nói về dòng bánh trung thu “siêu” giá 2017 này không thể không kể đến dòng bánh Trung thu thượng hạng Trăng Vàng của Kinh Đô. Dòng sản phẩm này bao gồm nhiều loại bánh như Kim Cương, Bạch Kim, Hoàng Kim, Pha Lê, Hồng Ngọc tượng trưng cho những lời chúc Khang, Lộc, Vinh, Phúc, An.
Nổi bật nhất là hộp Trăng Vàng Kim Cương, được chế tác từ chất liệu sơn mài, cùng các hương vị được làm từ các nguyên liệu xa xỉ và bổ dưỡng như cua huỳnh đế, bào ngư, tôm càng, hạt sen tứ quý… với giá bán từ 600.000 đồng đến 3.200.000 đồng/sản phẩm.
Còn trên thị trường bình dân hơn, tuy "mềm hơn" rất nhiều nhưng cũng không vắng mặt những sản phẩm có giá tiền triệu. Điển hình như bánh trung thu nhân trứng muối tan chảy được bán ra với giá 1.100.000 đồng – 1.700.000 đồng/hộp 8 chiếc, rồi bánh dẻo nhân sầu riêng tươi được quảng cáo là “made in Malaysia” có giá 1.2.000 đồng/hộp 8 chiếc 60 gram...
|
Thị trường bình dân hơn không vắng mặt những sản phẩm có giá tiền triệu. Ảnh: Internet. |
Mời quý độc giả xem clip: "Ngộ nghĩnh bánh Trung thu hình con vật cho bé". Nguồn: VTC14HD:
“Chủ yếu mua để tặng, chẳng dám ăn”
Theo nhiều người tiêu dùng, thị trường bánh trung thu thường chia ra hai loại: loại để ăn và loại để biếu, tặng. Người mua bánh trung thu để tặng sẽ chọn những thương hiệu nổi tiếng và chấp nhận trả số tiền lớn cho những hộp bánh “siêu sang” này.
Do đó, cuộc đua về xu hướng, độ sang của các hãng không chỉ nằm ở những chiếc bánh mà còn nằm ở khâu thiết kế vỏ hộp và những sản phẩm đi kèm. Thế nên mới có những quảng cáo “ấn tượng” như: vỏ hộp bằng da Ý nhập khẩu, hộp bánh được thiết kế bằng chất liệu gỗ, sơn mài, hay nhôm dập nổi cao cấp...
“Nếu đặt một hộp bánh cao cấp của một thương hiệu phổ thông có giá đến 3.000.000 đồng/hộp với hộp bánh 1.200.000 của một khách sạn 5 sao, người tặng vẫn thấy “bánh 5 sao” sang hơn. Đó là tâm lý tiêu dùng, tâm lý đẳng cấp”, chị Mai Hoa nhận xét.
Tuy nhiên, theo quan điểm của chị Nguyễn Thị Hằng (Hoàng Mai, Hà Nội): “Các loại bánh trung thu giá bạc triệu này phần lớn dành cho giới nhà giàu và các hoạt động tặng biếu, còn với hầu hết người dân đều không hợp túi tiền. Hơn nữa Tết trung thu là dành cho thiếu nhi không nên lãng phí quá nhiều vào những hộp bánh “nhà giàu” để làm mất đi ý nghĩa”.