Theo đó, Bộ Tài chính yêu cầu chậm nhất ngày 31/5, Bộ ngành, cơ quan trung ương, tỉnh thành phố trên cả nước hoàn thành rà soát cơ sở nhà đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước thuộc phạm vi quản lý. Từ đó, xác định chính xác số nhà, đất phải sắp xếp lại, kê khai báo cáo, lập và phê duyệt phương án xử lý.
Đối với Bộ, ngành, địa phương còn nhiều cơ sở nhà, đất chưa phê duyệt phương án xử lý; các bộ, cơ quan trung ương, UBND các tỉnh, thành phố tổ chức các đoàn công tác trực tiếp đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch, đảm bảo đến hết năm 2023, cơ bản hoàn thành việc phê duyệt phương án xử lý nhà, đất.
|
Một khu nhà đất thuộc bộ, ngành trung ương quản lý gần khu du lịch quốc tế Đồi Rồng. Ảnh: nongnghiep.vn |
Bộ Tài chính yêu cầu, UBND tỉnh, thành phố có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Bộ, cơ quan trung ương sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà đất do tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trung ương quản lý trên địa bàn.
Mới đây, UBND tỉnh Kon Tum cũng đã có văn bản yêu cầu các sở, ban ngành, đơn vị thuộc tỉnh và chính quyền các huyện, thành phố rà soát tất cả các cơ sở nhà, đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước thuộc phạm vi quản lý; trên cơ sở đó, xác định chính xác số cơ sở nhà, đất phải thực hiện sắp xếp lại, xử lý; tiến độ kê khai, báo cáo, lập phương án xử lý, phê duyệt phương án xử lý.
UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu phải có đính kèm tài liệu kiểm chứng như: Quyết định phê duyệt phương án sắp xếp; Phương án sắp xếp đang trình cấp có thẩm quyền xem xét.
Kết quả rà soát và xây dựng kế hoạch sắp xếp lại, xử lý nhà, đất gửi Sở Tài chính trước ngày 25/5/2023 để tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Bộ Tài chính theo quy định.
Tại tỉnh Nghệ An, ngày 06/04/2023 UBND tỉnh cũng có văn bản yêu cầu các các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp lập, phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý tài sản công là nhà, đất.
Trên cơ sở đó, xác định chính xác số cơ sở nhà, đất phải thực hiện sắp xếp lại, xử lý; tiến độ kê khai, báo cáo, lập phương án xử lý, phê duyệt phương án xử lý gửi Sở Tài chính tổng hợp báo cáo UBND tỉnh trước ngày 31/5/2023.
Về việc xử lý các cơ sở nhà, đất bị lấn chiếm, có tranh chấp, sử dụng sai mục đích, thiếu hồ sơ pháp lý, UBND tỉnh giao các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trực tiếp quản lý, sử dụng nhà, đất rà soát các cơ sở nhà, đất bị lấn chiếm, tranh chấp, sử dụng sai mục đích hoặc thiếu hồ sơ pháp lý chứng minh nguồn gốc.
Tại Hải Phòng, trước đó tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV (7/2021), cử tri thành phố Hải Phòng cũng đã kiến nghị Đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 khu I, khu II, khu III và thiết kế đô thị quận Đồ Sơn đã được phê duyệt đến nay không còn phù hợp với yêu cầu phát triển của địa phương.
Nhiều nhà nghỉ, khách sạn của các bộ, ngành Trung ương sử dụng diện tích đất rất lớn, ở các vị trí trung tâm khu du lịch Đồ Sơn nhưng thiếu sự đầu tư cải tạo, sửa chữa, nhiều cơ sở đã xuống cấp nghiêm trọng hoặc để hoang hóa gây lãng phí và ảnh hưởng đến thu hút đầu tư phát triển du lịch.
Vì vậy, cử tri TP Hải Phòng đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu sớm có cơ chế tháo gỡ vướng mắc trong quá trình xử lý các khu đất (nhà khách, nhà nghỉ, khách sạn) sử dụng không hiệu quả trên địa bàn quận, tạo điều kiện để quận Đồ Sơn và thành phố Hải Phòng có quỹ đất để thu hút đầu tư phát triển hạ tầng khu du lịch quốc tế quận Đồ Sơn.
Sau đó, tại công văn gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải phòng trả lời kiến nghị trên, Bộ Tài chính đã đề nghị cử tri thành phố Hải Phòng kiến nghị UBND thành phố Hải Phòng rà soát quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Được biết, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng giao Sở Tài chính chủ trì cùng Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, UBND quận Đồ Sơn rà soát các cơ sở nhà, đất do các bộ, ngành, cơ quan trung ương đang quản lý (không bao gồm tài sản của Đảng) tại khu du lịch Đồ Sơn. Sau đó dự thảo văn bản để báo cáo Thủ tướng xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan trung ương chuyển giao các tài sản trên về thành phố quản lý, xử lý theo quy định để phục vụ phát triển du lịch.