Bộ Công Thương: "Nguồn hàng đầy đủ, người dân không cần tích trữ"

Google News

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, cho biết đã sẵn sàng phương án cung cấp nguồn hàng hoá thiết yếu cho người dân trước lệnh cách ly toàn xã hội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ban hành Chỉ thị số 16 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19.
Theo đó, để tiếp tục chủ động ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh, Thủ tướng yêu cầu thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1/5/2020 trên phạm vi toàn quốc. Trước diễn biến mới này, nhiều người dân lo lắng có thể thiếu các hàng hóa thiết yếu phục vụ cuộc sống.
Bo Cong Thuong:
Vụ Trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông. (Ảnh: Moit) 
Trả lời VTC News chiều 31/3, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết Bộ Công Thương đã sẵn sàng các phương án cung cấp nguồn hàng hoá thiết yếu cho người dân trong bối dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Ông Đông nói: “Là đơn vị có nhiệm vụ điều phối cung cầu hàng hoá tại thị trường trong nước, Vụ Thị trường trong nước đã trực tiếp yêu cầu các địa phương xây dựng phương án bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu ứng phó dịch Covid-19 theo 5 cấp độ”.
Theo Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, những phương án này được xây dựng theo đúng sự hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19.
Cụ thể, các địa phương gửi phương án về Bộ Công Thương và trong đó, mỗi phương án được yêu cầu đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn cung cho 13 mặt hàng thiết yếu gồm: gạo, dầu ăn, mì gói, gia vị, nước chấm, trứng gia cầm, thuỷ hải sản, rau củ quả…
Đồng thời các địa phương phải tính được nhu cầu hàng hoá thực phẩm với 13 loại mặt hàng trên như thế nào, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Đặc biệt là nhu cầu dịch bệnh tăng từ 10-20% hay thậm chí cao hơn, thì số lượng nguồn cung cần đáp ứng thế nào. Các địa phương phải có con số cụ thể, để sẵn sàng chuẩn bị nguồn hàng.
Bên cạnh đó, theo ông Đông, Bộ Công Thương cũng yêu cầu mỗi doanh nghiệp sản xuất và phân phối có số lượng dự trữ và cung ứng hàng hoá thiết yếu, với kế hoạch triển khai thực hiện theo 5 cấp độ của Ban Chỉ đạo quốc gia.
Đồng thời Bộ chỉ đạo tất cả hệ thống phân phối luôn sẵn sàng đảm bảo nguồn cung, phục vụ nguồn cung và phục vụ tiêu dùng trên phạm vi cả nước.
“Chúng tôi tính toán cụ thể nhu cầu cả nước, nguồn cung cả nước. Đến nay mọi phương án đã cơ bản sẵn sàng. Chúng tôi đã có phương án trên phạm vi cả nước, với số lượng nguồn dự trữ, doanh nghiệp tham gia cung ứng và phân phối. Chúng tôi cũng xây dựng bản đồ hàng hoá gồm tổng kho, nguồn hàng, hàng ở đâu, doanh nghiệp nào cung cấp, cung cấp như thế nào cho 13 mặt hàng thiết yếu như vậy với từng phương án”, ông Đông nói.
Về phương án lưu thông hàng hoá, tránh ứ đọng, Bộ Công Thương đã báo cáo với Ban Chỉ đạo quốc gia đối với phương án cao nhất, trường hợp cao nhất, thì sẽ phối hợp với quân đội và công an vận chuyển hàng hoá đến người dân.
“Chúng tôi đảm bảo là bất kỳ địa phương nào khi cần hỗ trợ, khi nào cần nguồn hàng, mặt hàng nào thì Vụ Thị trường trong nước sẽ điều phối ngay hàng hoá từ nơi khác về”, ông Đông nói và cho biết với tất cả các phương án và sự chuẩn bị trên, Bộ Công Thương khẳng định nguồn cung hàng hoá thiết yếu cho người dân là đáp ứng đủ cho người dân dùng.
Người dân không mua xăng tích trữ
Bộ Công Thương cho biết hiện nay, tại một số địa phương, có hiện tượng người dân tập trung mua xăng dầu tích trữ do giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu trong nước giảm mạnh theo diễn biến giá xăng dầu thế giới và trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp khó lường tại nước ta và trên thế giới.
Bộ Công Thương khẳng định nguồn cung xăng dầu trong nước luôn đáp ứng đủ để phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo các Sở Công Thương, các doanh nghiệp trong hệ thống phân phối xăng dầu trên phạm vi cả nước có các phương án cần thiết để bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống.
Bộ Công Thương cũng đang phối hợp với chính quyền các địa phương chỉ đạo Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường và các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, các cửa hàng không bán hàng mà không có lý do chính đáng,...
Việc mua tích trữ xăng dầu sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn phòng cháy chữa cháy, đe dọa tính mạng, tài sản của chính người mua tích trữ và cộng đồng dân cư.
Bên cạnh đó, việc tập trung đông người để mua xăng dầu có thể dẫn đến nguy cơ nhiễm, lây lan dịch bệnh và không tuân thủ chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cấp có thẩm quyền về phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Vì vậy, Bộ Công Thương khuyến cáo người dân không mua xăng dầu tích trữ, chỉ mua xăng dầu phục vụ nhu cầu tiêu dùng thường ngày; không đưa tin thiếu chính xác và không làm theo các thông tin chưa được kiểm chứng liên quan đến việc mua tích trữ xăng dầu và nghiêm túc thực hiện theo chỉ đạo, yêu cầu của các cấp có thẩm quyền về phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Theo Hoàng Hưng/VTC

>> xem thêm

Bình luận(0)