Như Khoa học và Đời sống/Báo Tri thức và Cuộc sống thông tin, các bà Đặng Thị Bích Thuận, Nguyễn Thị Kim Dung (đều ở Hà Nội), Hà Thị Thu Lành (Phú Thọ) và Nguyễn Thị Thanh Huệ (Yên Bái), phản ánh Công ty Cổ phần Giáo dục và Đào tạo Quốc tế Sydney không chi trả lương, không đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động.
|
Trong quyết định thay đổi chế độ làm việc người lao động của Công ty Cổ phần GD&ĐT Quốc tế Sydney nêu rõ, người lao động được hưởng quyền lợi tương ứng với chế độ HĐLĐ chính thức và được hưởng 100% mức lương cam kết. |
Luật sư Tạ Phương - Văn phòng Luật sư Trung Hòa (thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội) - cho rằng, căn cứ Điều 90 và 97 Bộ luật Lao động 2019, tiền lương do người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
Nếu có sự kiện bất khả kháng mà người sử dụng lao động tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn, thì không được chậm quá 30 ngày. Nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên, người sử dụng lao động phải đền bù một khoản tiền cho người lao động theo quy định nêu trên.
“Khi người sử dụng lao động trả lương không đúng hạn cho người lao động, đối chiếu theo quy định tại khoản 2 và điểm a khoản 5 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về tiền lương, tùy mức độ sẽ bị phạt tiền tương ứng với các khung hình phạt từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng”, luật sư Tạ Phương nói.
Người sử dụng lao động còn bị buộc trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động, tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố ở thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm.
|
Luật sư Tạ Phương - Văn phòng Luật sư Trung Hòa (thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội). |
Đối với việc Công ty Cổ phần GD&ĐT Quốc tế Sydney không đóng BHXH cho người lao động, luật sư Tạ Phương cho biết, khoản 6 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP về xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.
Trường hợp người sử dụng lao động không đóng BHXH bắt buộc cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, sẽ bị phạt từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng.
Trường hợp công ty không đóng BHXH cho một số người lao động thì bị phạt tiền với mức từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.
*Báo Tri thức và Cuộc sống tiếp tục thông tin./.