Theo Nghị định số 20/2020/NĐ-CP, và Nghị định số 87/2021/NĐ-CP của Chính phủ, từ năm 2020, Chính phủ cho phép thí điểm cơ chế tiền lương, thưởng với một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước theo hướng thị trường, căn cứ trên mức khoán, năng suất, lợi nhuận.
Các đơn vị thí điểm gồm: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT), Tổng Cty Hàng không (VNA) và Tổng Cty Quản lý bay (VATM).
Lãnh đạo hưởng lương bao nhiêu?
Nghị định 20/2020 quy định, lương trả cho người lao động (NLĐ) xác định theo đơn giá khoán, năng suất và lợi nhuận hằng năm; còn lương ban giám đốc cao không quá 7 lần lương bình quân NLĐ; lương cơ bản hội đồng thành viên (HĐTV), hội đồng quản trị (HĐQT), kiểm soát viên tăng từ mức 36,6 triệu đồng/tháng lên 40-70 triệu đồng/tháng nhân với tỷ suất lợi nhuận.
Tuy nhiên, tại thời điểm bắt đầu thí điểm, dịch COVID-19 xảy ra, khiến 2/3 đơn vị thí điểm có doanh thu giảm, thậm chí lỗ nặng, âm vốn chủ sở hữu, khiến việc thí điểm tới nay không còn phản ánh đúng bản chất của cơ chế.
Cụ thể, mức lương tại VNPT và VAMT khá ổn định bởi kết quả kinh doanh tốt. Với, VNPT, giai đoạn 2019 - 2022, tập đoàn vẫn giữ được lợi nhuận hằng năm bình quân khoảng 4 nghìn tỷ đồng/năm, với 22 nghìn NLĐ/năm. Năm 2019, lương bình quân NLĐ của tập đoàn gần 30 triệu đồng/người/tháng.
Tại VNPT, vị trí tổng giám đốc, năm 2019 nhận lương 94 triệu đồng/tháng, giai đoạn 2021-2022 nhận 139 triệu đồng/tháng; tương ứng theo năm. Chủ tịch HĐTV được nhận 97 triệu đồng/tháng sau đó lên 149 triệu đồng/tháng; thành viên HĐTV và kiểm soát viên thu nhập từ 86 triệu đồng/tháng lên 124 triệu đồng/người/tháng (kế hoạch lương cũng tương tự áp dụng cho năm 2023).
Với VATM, giai đoạn 2018-2019, VATM lãi gần 1,6 nghìn tỷ đồng/năm, lương bình quân của NLĐ đạt 28 triệu đồng/người/tháng.
Năm 2020, VATM chỉ còn lãi 4,4 tỷ đồng, nên lương bình quân NLĐ giảm còn gần 13 triệu đồng/người/tháng. Chủ tịch HĐTV nhận 88 triệu đồng/tháng, thành viên HĐTV nhận 73 triệu đồng/tháng, kiểm soát viên lương 59 triệu đồng/tháng.
Năm 2022, VATM lợi nhuận sau thuế đạt 350 tỷ đồng, chủ tịch HĐTV nhận lương 120 triệu đồng/tháng, thành viên HĐTV 100 triệu đồng/người/tháng, kiểm soát viên 80 triệu đồng/người/tháng.
Riêng với Tổng Cty hàng không Việt Nam (VNA), giai đoạn 2018 – 2019 doanh nghiệp này vẫn báo lãi bình quân 2,2 nghìn tỷ đồng/năm. Tuy nhiên đến giai đoạn 2020-2022 doanh nghiệp này ghi nhận mức lỗ bình quân hơn 9,7 nghìn tỷ đồng/năm do ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19.
Theo đó, năm 2019, lương bình quân NLĐ tại VNA đạt 50 triệu đồng/người/tháng, năm 2020 giảm còn 23 triệu đồng/người/tháng, năm 2022 tăng lên gần 32 triệu đồng/người/tháng.
Với lãnh đạo, năm 2019, lương ban giám đốc bình quân 120 triệu đồng/người/tháng, giai đoạn 2020-2022 còn 77 triệu đồng/người/tháng (trong đó lương tổng giám đốc bằng 4 lần lương bình quân NLĐ).
Với HĐQT, năm 2020, chủ tịch VNA nhận 55 triệu đồng/tháng, thành viên HĐQT nhận 47 triệu đồng/tháng. Đến năm 2022, Chủ tịch HĐQT nhận 99 triệu đồng/tháng, các thành viên HĐQT nhận 79 triệu đồng/người/tháng (kế hoạch lương cũng tương tự áp dụng cho năm 2023).
Thực tế do mức lương thấp hiện nay VNA đang phải đối mặt với tình trạng "chảy máu nguồn lao động phi công Việt Nam". Tính từ năm 2020 đến nay đã có 35 phi công Việt Nam bỏ việc, một số phi công đang dự kiến thôi việc sau khi kết thúc hợp đồng, điều này đang ảnh hưởng lớn đến các hoạt động bay của VNA.
|
Chưa có quy định bình ổn lương cho người lao động khi bị tác động khách quan - Ảnh minh họa, nguồn: baochinhphu.vn |
Chưa có quy định bình ổn lương cho người lao động
Quá trình triển khai nghị định đã đã phát sinh một số bất cập. Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh nhận định, nghị định chưa có quy định mức lương đảm bảo ổn định đời sống NLĐ trong trường hợp chịu tác động lớn bởi yếu tố khách quan, như ảnh hưởng dịch COVID-19 vừa qua.
Điều này dẫn tới tiền lương NLĐ tại doanh nghiệp bị sụt giảm nghiêm trọng khi thực hiện cơ chế thí điểm. Cụ thể như tại VNA, nếu theo Nghị định 20 và mức lỗ của doanh nghiệp, năm 2020, lương bình quân của NLĐ giảm 54% so với khi chưa có dịch.
Theo lãnh đạo Tập đoàn VNPT, cơ chế lương mới đã tăng tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp trong quản lý lao động, tiền lương, gắn với hiệu quả hoạt động.
Trong khi đó, tháng 3 vừa qua, lãnh đạo Tập đoàn VNPT đã có văn bản kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH cho tiếp tục giao chủ động xây dựng thang, bảng lương cho doanh nghiệp; bỏ quy định cứng việc nâng lương, nâng bậc và ngạch lương theo thâm niên.
Từ thực tế trên Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, cần thiết xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 20/2020/NĐ-CP và Nghị định số 87/2021/NĐ-CP của Chính phủ nhằm cho phép VNA được tính thêm tiền lương trả cho phi công Việt Nam để giữ chân, tiến tới thu hút đội ngũ lao động này góp phần ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của VNA.