Bí mật của người phụ nữ nghèo ở biệt thự, đi xe sang

Google News

Không nên xấu hổ khi sống thanh đạm, nhất là ở hiện tại, vì COVID-19 khiến nhiều người lâm vào cảnh mất cân bằng tài chính, cô nói.

Ở tuổi 39, Gemma Bird sống ở Essex, Anh sở hữu căn biệt thự triệu đô, chiếc xe hơi đắt giá cùng những chuyến du lịch xa xỉ.

Cô ấy đã làm tất cả những điều này mặc dù không bao giờ kiếm được hơn 25.000 bảng một năm (798 triệu đồng). Bí mật của cô chỉ nằm ở hai từ "tiết kiệm".

Bi mat cua nguoi phu nu ngheo o biet thu, di xe sang

Gemma sở hữu căn nhà triệu đô cùng nhiều tài sản giá trị nhờ biết cách tiết kiệm tiền từ năm 10 tuổi.

"Tôi chỉ là một cô gái thuộc tầng lớp lao động. Thế nhưng, tôi có đủ tiền mua những gì mình muốn nhờ vào cách tiết kiệm".

Chỉ trong 1 năm, tài khoản Instagram @MoneyMumOfficial của Gemma đã thu hút hơn 70.000 người theo dõi, trong đó có cả ngôi sao nổi tiếng. Cô thường xuyên chia sẻ các mẹo vặt tiết kiệm và các cơ hội săn deal giá rẻ trên trang cá nhân của mình.

"Tôi sống và thở bằng cách săn deal. Tôi không quan tâm bạn có bao nhiêu tiền, bởi ai cũng thích mua sắm với giá hời", cô nói.

Theo Gemma, tất cả những gì cô có được ngày hôm nay đều là nhờ tiết kiệm từ bé. "Sống tằn tiện chẳng có gì đáng xấu hổ, nhất là trong thời điểm hiện tại. Những lời khuyên về tiền bạc càng trở nên có ích khi dịch COVID-19 đang hoành hành", cô cho biết.

Bi mat cua nguoi phu nu ngheo o biet thu, di xe sang-Hinh-2

Dù bị gọi là "quý cô keo kiệt", cô vẫn không muốn từ bỏ cách sống của mình.

Gemma bắt đầu học cách chi tiêu từ 10 tuổi, sau khi người mẹ nội trợ và bố là tài xế xe buýt từ chối cho cô thêm tiền tiêu vặt. Ngày đó Gemma chỉ được cho 50 xu một tuần. Cô bé đã tự kiếm tiền bằng cách rửa xe ô tô của hàng xóm và nhặt từng đồng xu tìm thấy trên đường phố.

Ở trường, Gemma bán chocolate cho các bạn cùng lớp và có thêm nghề hái nấm ở tuổi 13. Đến năm 18 tuổi, cô kiếm được 12.000 bảng mỗi năm, trong đó để dành được 850 bảng một tháng. Cô đã dùng 6.000 bảng Anh tiền mặt để mua chiếc xe đầu tiên của mình.

Không lâu sau, cô và bạn trai trả góp mua một căn nhà hai phòng ngủ, trị giá 165.000 bảng. Năm 2011, Gemma chia tay và ra đi với 66.000 bảng Anh từ việc bán nhà.

Gemma tiết kiệm được 30.000 bảng Anh trong vòng 18 tháng nhờ làm 3 công việc cùng lúc: giáo viên dạy lái xe, cố vấn tài chính ở Halifax và nhân viên quán pub vào cuối tuần.

"Tôi không uống rượu, cũng chẳng đi tới những nơi sang chảnh. Tôi thường sử dụng voucher và vẫn có những trải nghiệm tuyệt vời", cô cho biết.

Năm 2011, Gemma gặp người chồng hiện tại Adam Bird. Cô dọn về sống cùng chồng trong ngôi nhà 4 phòng ngủ ở Essex trị giá 800.000 bảng Anh (hơn 25 tỷ VNĐ). Cặp đôi có với nhau 2 người con: con trai Brody sinh năm 2012 và con gái Bronte sinh năm 2019.

Khi đó, chồng Gemma vẫn còn nợ 225.000 bảng Anh tiền thế chấp nhà. "Kể từ lúc dọn vào, tôi đã dùng tiền tiết kiệm để trả 100.000 bảng Anh giúp Adam", cô nhớ lại.

Sau đó, tôi bán 2 khối bất động sản khác và thu về 130.000 bảng Anh để trả khoản nợ còn lại. Tôi làm được điều này không phải vì tôi tuyệt vời hay giàu có, mà nhờ tính thận trọng của mình".

Theo Gemma, nhờ tính tằn tiện mà cô mới tiết kiệm được tiền và sống một cuộc đời mơ ước.

"Tôi không bao giờ nợ quá hạn hay quên trả tiền. Tôi không bao giờ mua những thứ nằm ngoài khả năng của mình", cô nói.

Với con cái, Gemma cũng dạy dỗ chúng cách chi tiêu hợp lý từ nhỏ. Khi đưa con đi chơi, thay bằng vào tiệm, cô luôn mang đồ ăn, đồ uống từ nhà. Thậm chí, cô đã dạy các con bán đồ chơi cũ để mua được những món đồ chơi mới.

Bi mat cua nguoi phu nu ngheo o biet thu, di xe sang-Hinh-3

Năm 2019, Gemma lập một website chia sẻ mẹo tiết kiệm tiền và cùng khuyến khích mọi người tham gia thử thách "Ngày không tiêu tiền" và "Ngày kiếm tiền".

"Do hoàn cảnh của mỗi gia đình là khác nhau, tôi không khẳng định có thể giúp cho tất cả. Thế nhưng, tôi hy vọng chỉ cho mọi người cách mà tôi đã tiết kiệm. Từ đó, các gia đình có thể chọn lựa cách phù hợp".

Nhờ đó, bà mẹ hai con trở nên nổi tiếng, có hơn 70.000 người theo dõi trên Instagram. Thậm chí, với cách chi tiêu của mình, nhiều người còn gọi Gemma là "quý cô keo kiệt".

Hợp lý chi tiêu là một cách tốt để bạn có thể sống thoải mái về sau. Tuy nhiên, để tiếp tục giàu lên thì có những đầu mục quan trọng mà nếu thực hiện, bạn gần như sẽ không phải lo lắng cho những khoản chi tiêu nhỏ lẻ trong cuộc sống hằng ngày. Theo chuyên gia tài chính cá nhân Ramit Sethi, có 5 cách đơn giản để giàu lên:

1. Tự động hoá dòng tiền

Sethi cũng giống như nhiều chuyên gia tài chính khác, khuyến khích tự động hoá tối đa dòng tiền. "Tự động trích tài khoản hàng tháng cho các khoản tiền theo kế hoạch như tiết kiệm nghỉ hưu. Bạn hãy tập cách sống mà không cần đến số tiền đó", ông cho hay.

Đối với phần còn lại trong tài khoản, bạn nên thiết lập chuyển khoản tự động để thanh toán hoá đơn thẻ tín dụng, các chi phí cố định hàng tháng không thể tiêu bằng thẻ tín dụng và các khoản tiết kiệm, đầu tư khác. Số tiền còn lại để chi tiêu.

Bi mat cua nguoi phu nu ngheo o biet thu, di xe sang-Hinh-4

Chuyên gia tài chính cá nhân Ramit Sethi

2. Thoả thuận mức lương cao hơn

Bên cạnh cắt giảm chi tiêu đến mức sống không thoải mái, hãy nghĩ đến việc cải thiện thu nhập bằng cách mạnh dạn đề xuất tăng lương hoặc tìm kiếm công việc mới.

3. Tiếp tục đầu tư

"Nếu e ngại đầu tư, sẽ rất khó để giàu lên", chuyên gia tài chính này nhận định.

Sethi nói: "Khi đang lo lắng về việc có thể mất tiền, tức là bạn đang mất tiền". Bạn không cần kiến thức chuyên môn về cổ phiếu hoặc thị trường đầu tư. Khi đã trả hết nợ và tiết kiệm cho các mục tiêu ngắn hạn, hãy đặt tiền vào các tài khoản môi giới.

4. Lập tài khoản tiết kiệm cho những mục tiêu cụ thể

Bên cạnh tiết kiệm thông thường, nên có các khoản phụ cho những mục đích chi trả cụ thể. Cho dù đó là tiết kiệm cho đám cưới, một kỳ nghỉ hay kế hoạch nuôi trẻ... thì việc tạo ra những tài khoản riêng biệt sẽ giúp bạn có thêm động lực và theo dõi tiến trình.

5. Tích cực trả các khoản nợ

Chuyên gia cũng nhắc đến một yếu tố quan trọng là cần có một kế hoạch trả nợ và thanh toán một cách tự động.

Mấu chốt là đừng dành ra hơn 5 phút để quyết định. Chỉ cần chọn một phương pháp và thực hiện nó mà thôi.

Theo Như Ca /Gia đình & Xã hội

>> xem thêm

Bình luận(0)