Đó chính là một đơn vị của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã góp phần nạo vét, làm cho hồ Đống Đa từ năm 1976 đã có diện mạo cơ bản như ngày hôm nay.
Bên hồ Thành Công có tòa nhà cao 19 tầng rất đẹp, đó là tòa nhà của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Đây là tòa nhà mà PVN mua lại của một tập đoàn xây dựng khác từ năm 2008.
Nhưng không mấy ai biết rằng, việc PVN chuyển trụ sở về đây lại là việc có cơ duyên từ hàng chục năm trước, và chính hồ Thành Công (ngày xưa gọi là hồ Đống Đa) đã góp vào lịch sử ngành dầu khí một trang thú vị.
Tại hội thảo cải tạo chung cư cũ diễn ra tại Hà Nội vào ngày 4/4, đại diện Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Việt Hưng (Vihaijco, đơn vị được thành phố giao cải tạo chung cư cũ Thành Công) đã đưa ra đề xuất nâng tầng chung cư và lấy một phần diện tích hồ Thành Công phục vụ tái định cư tại chỗ.
|
Toà nhà PVN “dựa lưng” vào hồ Thành Công. |
Đại diện Vihaijco cho rằng, đơn vị này được UBND TP Hà Nội giao cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ trên địa bàn thành phố, trong đó có khu tập thể Thành Công.
Để đảm bảo tính khả thi của đề án, Vihaijco đề xuất giải pháp điều chỉnh quy hoạch công viên và hồ Thành Công hiện hữu khoảng 10 héc-ta theo hướng không làm thay đổi diện tích mặt nước hiện có.
Trên một tờ báo điện tử, khi phân tích về vai trò của hồ Thành Công, Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm nói: “Hồ trong đô thị đóng vai trò điều hòa, thu gom nước mưa khi trời mưa tránh nguy cơ ngập lụt cho thành phố.
Hơn nữa, hồ còn đóng vai trò là cảnh quan đô thị, tạo ra khí hậu tốt cho cảnh quan xung quanh đó. Hồ có tính chất làm giảm nhiệt độ trong đô thị, bởi nhiệt độ trong đô thị thường cao hơn khu vực xung quanh từ 1 đến 2 độ. Nói thế để thấy, hồ trong đô thị không nên lấp mà cũng không nên lấy hồ nơi khác để thay thế.
Bởi hồ Thành Công sẽ điều hòa cho khu vực Thành Công chứ không thể điều hòa cho khu vực khác, hay lấy hồ ở khu vực khác để điều hòa cho khu vực Thành Công. Sự tồn tại của hồ Thành Công từ lâu nay đã có rồi, giờ phá sự cân bằng ấy và thay bằng cân bằng khác là không ổn”.
Câu chuyện này vẫn còn chưa ngã ngũ vì hiện còn có nhiều ý kiến, thông tin trái ngược nhau.
Nhưng có một câu chuyện rất thú vị về lịch sử hình thành của hồ Thành Công, và không mấy người biết rằng chính một đơn vị của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã góp phần quan trọng để nạo vét, làm cho hồ Đống Đa từ năm 1976 đã có diện mạo cơ bản như ngày hôm nay, và làm cho hồ có độ sâu hơn so với hồ cũ.
Câu chuyện là vào năm 1976, việc tìm kiếm thăm dò dầu khí được tiến hành ở vùng đồng bằng Bắc Bộ mà chủ yếu là ở Thái Bình, mà tập trung ở huyện Tiền Hải và huyện Xuân Thủy
Từ tháng 12/1974 đến tháng 5/1977, Liên đoàn Địa chất 36 (sau đổi tên là Công ty Dầu khí I) đã triển khai khoan giếng 102 tại xã Giao Lạc huyện Xuân Thủy. Tới độ sâu gần 4000 mét thì giếng bị xâm nhiễm khí cực mạnh và có lúc đẩy cột dung dịch phụt lên tới độ cao 30 mét. Để xử lý sự cố khí phun này, cần phải có … đất sét.
Liên đoàn Địa chất 36 đã phải đi tìm nguồn đất sét. Và sau ít ngày khảo sát tìm kiếm thì lại thấy nguồn đất sét đó nằm ngay ở hồ… Đống Đa – mà bây giờ gọi là hồ Thành Công.
Thế là, một công trường khai thác đất sét hồ Đống Đa được khẩn trương thành lập, và ngày đêm, hàng chục xe tải chuyên dụng chở đất sét về Xuân Thủy để cứu giếng khoang 102.
Phải mất ròng ra gần một tháng, sự cố giếng khoan đã được xử lý xong, và hồ Đống Đa thì trở nên sâu hoắm.
Một thời gian sau đó, việc khai thác đất sét ở hồ Đống Đa vẫn tiếp tục và đất sét lấy tại đây được đưa đi làm dung dịch khoan.
Dung dịch khoan là một loại như... bùn lỏng được bơm xuống lỗ khoan. Loại dung dịch này vừa làm trơn giếng khoan, đồng thời cuốn theo đất, đá dưới giếng phun lên. Loại dung dịch này, có nguyên tắc là không được gây bất cứ một tác động gì tới môi trường. Và một thành phần không thể thiếu được của loại dung dịch này là… đất sét.
Mỗi giếng khoan cần từ hàng chục đến cả hàng trăm tấn đất sét, tùy theo độ sâu của giếng khoan.
Cũng chẳng ai tính được là Liên đoàn Địa chất 36 đã lấy đi bao nhiêu tấn đất sét từ đáy hồ Đống Đa, chỉ biết rằng, hồ Đông Đa vốn nông choèn choẹt nay trở nên sâu hoắm, và diện tích cũng tăng hơn so với cũ.
Năm 1997, hồ Đống Đa được cải tạo lớn và vì có thay đổi địa giới hành chính nên hồ thuộc về phường Thành Công, quận Ba Đình và có tên hồ Thành Công từ đó. Hồ có diện tích mặt nước là 5,9 héc-ta và là một hồ điều hòa quan trọng, tạo cảnh quan môi trường đẹp cho một khu vực dân cư.
Và cũng thật bất ngờ, năm 2008, Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) đã mua tòa nhà 18 Láng Hạ, quay lưng vào hồ Thành Công.
Những tấn đất sét của hồ Thành Công đã góp phần quan trọng vào việc thăm dò dầu khí ở vùng đồng bằng Bắc bộ, và sau này, PVN lại về “dựa lưng” vào hồ.
Thật là câu chuyện lý thú. Có lẽ, PVN nên dựng một tấm bia kỷ niệm bên hồ Thành Công, để “ghi công” cho hồ đã cung cấp đất sét cho ngành dầu khí.