Thông tin Công ty CP quốc tế ICO bị đình chỉ đại diện xin cấp visa Nhật từ ngày 01/11/2019, theo thông tin được đăng tải chính thức trên trang web của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam ngày 31/10/2019 đang khiến dư luận, các bậc phụ huynh từng nộp hồ sơ cho con em đi du học Nhật Bản xôn xao.
Thời điểm trước khi bị đình chỉ đại diện xin cấp visa Nhật Bản, công ty CP quốc tế ICO từng khiến dư luận xôn xao trước nghi án gian lận tài chính cho học sinh, không trả hồ sơ cho các phụ huynh có con đi du học Nhật Bản bị trượt tư cách lưu trú. Phản ánh của các phụ huynh cho thấy, họ đã hoàn thiện mọi thủ tục hồ sơ để cho con đi du học Nhật Bản theo yêu cầu của Tập đoàn ICOGroup nhưng sau đó lại bị "trượt thẳng cẳng" tư cách lưu trú cho du học sinh được cấp bởi Cục xuất nhập cảnh Nhật Bản - COE với lý do doanh nghiệp đưa ra là lỗi sổ hộ khẩu(?). Tuy nhiên, sau đó, các gia đình có đề nghị công ty CP quốc tế ICO hoàn trả lại toàn bộ hồ sơ gốc, thế nhưng, không hiểu có điều gì "khuất tất" mà công ty này cứ "chần chừ" kéo dài thời gian để không trả hồ sơ.
Đáng chú ý, Tập đoàn ICOGroup còn bị tố đã "cấu kết" với Hiệu trưởng của một số trường THPT trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, sử dụng cơ sở vật chất, tài sản của Nhà nước rồi mở lớp dạy tiếng nước ngoài như Nhật, Hàn, Đài Loan trái phép trong nhà trường để dễ dàng "hút" được nhiều học sinh tham gia. Lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Giang khẳng định việc Công ty CP quốc tế ICO về các trường THPT tổ chức dạy tiếng Nhật, Hàn miễn phí 1 tháng cho học sinh là trái phép, không đúng quy định.
|
Công ty CP quốc tế ICO. |
Trao đổi với PV Kiến Thức về vụ việc trên, Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, trước phản ánh của các phụ huynh về việc Công ty CP quốc tế ICO gian lận tài chính cho học sinh đi du học Nhật Bản, không trả hồ sơ cho các phụ huynh có con đi du học Nhật Bản bị trượt tư cách lưu trú, các cơ quan chức năng liên quan cần phải vào cuộc xác minh, làm rõ.
“Để xác định Công ty CP quốc tế ICO có lừa dối các phụ huynh và các em học sinh hay không thì cần phải xác định trong quá trình thực hiện làm thủ tục liên kết đối với các trường đại học, thủ tục đề nghị xin cấp visa của công ty ICO có đúng theo quy định của pháp luật không? ICO đã thực hiện đúng như những gì đã cam kết trong hợp đồng ký kết với học sinh hoặc phụ huynh học sinh chưa? ICO cung cấp các thông tin đến học sinh và phụ huynh có đúng sự thật không? Điều này cần phải có sự vào cuộc của Thanh tra Sở giáo dục và đào đạo, cơ quan chức năng có thẩm quyền để có kết luận chính xác, cụ thể”, Luật sư Hoàng Tùng cho biết.
Nêu ý kiến về vấn đề ICO chưa hoàn trả hồ sơ gốc cho học sinh, Luật sư Hoàng Tùng cho biết, trước tiên, việc ký kết hợp đồng du học giữa ICO với học sinh hoặc phụ huynh học sinh đươc coi là một hợp đồng dân sự bình thường.
Do đó, cần phải xem xét trong hợp đồng có điều khoản nào quy định về việc ICO được phép giữ hồ sơ gốc hay không? Nếu không có thỏa thuận này thì việc “chần chừ” không trả hồ sơ gốc cho học sinh và phụ huynh là không đúng. ICO có trách nhiệm phải trả lại hồ sơ gốc.
Luật sư Hoàng Tùng cho rằng, để bảo vệ quyền lợi của mình, các học sinh và phụ huynh có thể căn cứ vào nội dụng hợp đồng hoặc cam kết đã ký với ICO để đòi lại các quyền lợi cho mình.
Nói về việc Tập đoàn ICOGroup còn bị tố đã "cấu kết" với Hiệu trưởng của một số trường THPT trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, sử dụng cơ sở vật chất, tài sản của Nhà nước rồi mở lớp dạy tiếng nước ngoài như Nhật, Hàn, Đài Loan trái phép, Luật sư Hoàng Tùng cho hay, trường hợp chưa được cấp phép nhưng đã dạy học trong các trường học của Công ty CP quốc tế ICO là hành vi trái quy định của pháp luật trong lĩnh vực giáo dục, cụ thể đấy là hành vi vi phạm về điều kiện tổ chức hoạt động giáo dục.
|
Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa. |
Về vấn đề hiệu trưởng các trường “ vượt mặt” Sở giáo dục để cho công ty ICO dạy học trong trường, Luật sư Tùng cho rằng, các cơ quan ban ngành có thẩm quyền cần phải tiến hành thanh tra, làm rõ vấn đề có hay không việc các hiệu trưởng cho phép ICO sử dụng lớp học, cơ sở vật chất của trường học để dạy học mà chưa được Sở GD&ĐT phê duyệt?
“Đây là thỏa thuận giữa ICO với riêng hiệu trưởng hay với nhà trường? nếu có thì thực hiện dưới hình thức cho thuê hay cho mượn? Dù là hình thức cho thuê hay cho mượn thì cả phía hiệu trưởng và ICO đều vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công”, Luật sư Tùng cho biết.
Cụ thể, theo luật Quản lý sử dụng tài sản công năm 2017 thì hành vi cho thuê, mượn mà chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì đây là hành vi bị nghiêm cấm. Nếu hiệu trưởng các trường tự ý cho thuê hoặc mượn các phòng học để ICO dạy học là lạm dụng chức vụ quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công.
Luật sư Hoàng Tùng cho rằng, qua sự việc này, người dân cần phải thận trọng hơn trong việc tìm hiểu, ký kết hợp đồng đối với các công ty hoặc trung tâm tư vấn du học. Các cơ quan có thẩm quyền cũng cần thắt chặt công tác quản lý, kiểm tra, rà soát để đảm bảo quyền và lợi ích của người dân.
*Kiến Thức sẽ tiếp tục cập nhật thông tin liên quan đến vụ việc
Kinh nghiệm du học Nhật Bản | VTC