Ngày 16/11, báo Trí Thức Trẻ đưa tin, trong thương vụ mua lại bánh kẹo Kinh Đô, Mondelez chi ra cao hơn 2.600 tỷ so với số tiền Kido Group nhận được. Cụ thể, báo cáo của Mondelez cho biết, con số 12.404 tỷ đồng (tương đương 569 triệu USD) là toàn bộ số tiền mà tập đoàn này đã chi trả cho việc mua lại hoạt động kinh doanh bánh kẹo, tài sản sở hữu trí tuệ, chi trả cho các thỏa thuận chống cạnh tranh và tư vấn (non-compete and consulting agreements) cũng như các khoản điều chỉnh khác.
Tuy nhiên, trên thực tế, Mondelez đã chi tới 12.601 tỷ nhưng nhận lại 197 tỷ do điều chỉnh giá trị giao dịch. Bên cạnh số tiền chi trực tiếp để mua lại BKD, Mondelez đã trả 1.518 tỷ đồng (70 triệu USD) cho các thỏa thuận chống cạnh tranh và tư vấn. Đối với thương vụ này, thỏa thuận chống cạnh tranh có thể bao gồm việc Kido và/hoặc các bên liên quan sẽ cam kết không trở lại kinh doanh bánh kẹo trong một khoảng thời gian nhất định.
Trong khi đó, các báo cáo tài chính của Kido Group chỉ nêu các thông tin hết sức sơ lược về thương vụ bán BKD. Điều này khiến dư luận đặt ra vấn đề là số tiền chênh lệch này đã được chi trả cho những mục đích gì?
Nếu theo báo cáo tài chính của Kido Group thì nhiều khả năng doanh nghiệp này không phải là bên được hưởng khoản tiền trên. Còn lại gần 500 triệu USD được chi trả để mua hoạt động kinh doanh bánh kẹo và tài sản sở hữu trí tuệ - tức vẫn cao hơn 50 triệu USD so với giá trị chuyển nhượng mà Đại hội đồng cổ đông của Kido Group đã thông qua.
|
Ảnh nguồn: Trí thức trẻ. |
Theo tìm hiểu của
Kiến Thức, được biết
, vào ngày 30/6/2015, Kido Group đã chuyển giao 80% cổ phần tại BKD cho Mondelez, 20% cổ phần còn lại đã được chuyển giao vào tháng 9/2016. Việc chuyển nhượng cổ phần BKD đồng nghĩa với việc Kido không còn nguồn thu từ mảng bánh kẹo nhưng nó đã giúp doanh nghiệp này thu về khoản lợi nhuận tài chính bất thường trong quý 2/2015 và quý 3/2016.
Ông chủ mới của Kinh Đô là tập đoàn thức ăn nhẹ hàng đầu thế giới với doanh thu năm 2015 đạt gần 30 tỷ USD, với hơn 107.000 nhân viên trên toàn cầu.
Theo bảng xếp hạng 2.000 công ty lớn nhất thế giới của Forbes (Global 2000), Mondelēz International đứng thứ 148 trong danh sách với khoản vốn hóa thị trường là 59,23 tỷ USD. Tập đoàn này cũng được xếp hạng là thương hiệu đắt giá thứ 46 trên toàn thế giới hồi năm 2012.