Tính đến thời điểm cuối năm 2022, Grab có 9.942 nhân viên, chưa bao gồm 2.000 lao động tại chuỗi cửa hàng tạp hóa Jaya Grocer ở Malaysia mà công ty đã thâu tóm vào đầu năm ngoái.
Cú “quay xe” bất ngờ
Thông tin Grab cắt giảm khoảng 1.000 việc làm, chiếm tới 11% tổng lực lượng lao động, xuất hiện bất ngờ ngay giữa năm 2023, thời điểm làn sóng sa thải trong lĩnh vực công nghệ đã dần lắng xuống.
Vào tháng 6 năm nay, Grab ra thông báo cắt giảm hơn 1.000 nhân sự. Đây là một phần trong nỗ lực quản lý kinh phí và duy trì sức cạnh tranh của công ty.
Cụ thể, trong thư gửi đến nhân viên được đăng tải trên trang web, Giám đốc điều hành Grab Anthony Tan khẳng định, việc tái cấu trúc là bước đi khó khăn nhưng cần thiết. Ông Tan cho rằng, các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Chi phí vốn đã tăng lên, ảnh hưởng trực tiếp tới bối cảnh cạnh tranh.
Trước đó, vào tháng 9/2022, ông Alex Hungate - Giám đốc vận hành Grab từng tuyên bố công ty không nằm trong xu hướng này. Vị lãnh đạo này cũng nhấn mạnh công ty luôn thận trọng trong hoạt động tuyển dụng và chưa thấy bất cứ khó khăn nào để ngừng tuyển dụng hoặc giảm số lượng nhân viên.
Quan điểm không sa thải nhân viên đã được Anthony Tan, CEO kiêm đồng sáng lập của Grab, nhắc lại trong một bản ghi nhớ gửi nhân viên vào tháng 12 năm ngoái. Tuy nhiên, trong bản ghi nhớ này, Grab nói rằng đang tạm dừng tuyển dụng những vị trí không quan trọng và tạm dừng tăng lương cho các vị trí quản lý quản lý cấp cao.
Trên thực tế, Grab đã sa thải khoảng 5% lực lượng lao động ngay khi đại dịch Covid-19 bùng nổ. Ông Anthony Tan nhanh chóng bác bỏ thông tin kế hoạch sa thải nhân viên mới đây là để nhanh chóng đạt được lợi nhuận; đồng thời nhấn mạnh cho dù điều chỉnh lực lượng lao động hay không, công ty vẫn trên con đường đạt mức hòa vốn hệ số EBITDA (lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao) đã điều chỉnh trong năm nay.
|
Bất ngờ sa thải hơn 1.000 nhân viên: Grab kinh doanh lỗ, lãi sao? (ảnh minh họa: Internet). |
Trong thông điệp gửi nhân viên, vị CEO Grab cho biết, mục tiêu chính của kế hoạch này là tái tổ chức một cách chiến lược để công ty có thể di chuyển nhanh hơn, làm việc thông minh hơn và tái cân bằng các nguồn lực trong danh mục đầu tư phù hợp với các chiến lược dài hạn hơn.
Ông cũng nhấn mạnh phải thích ứng với môi trường kinh doanh phát triển nhiều công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo và chi phí vốn ngày càng tăng đang làm thay đổi cục diện cạnh tranh. Tình trạng giá vốn tăng cao đồng nghĩa Grab không thể thúc đẩy GMV (tổng khối lượng giao dịch) bằng cách đẩy mạnh ưu đãi tới người dùng và đối tác. Song, việc quy mô công ty được thu hẹp và bớt tốn kém hơn có thể giúp công ty mở rộng GMV bằng cách thâm nhập sâu hơn vào phân khúc dịch vụ giá cả phải chăng.
Cắt giảm chi phí, cố gắng thoát lỗ
Grab là doanh nghiệp do người Việt nắm 51% cổ phần song lại được các “công ty liên quan” ở nước ngoài liên tục cho vay hàng nghìn tỷ đồng không lãi suất, vậy tại sao phải cắt giảm nhân sự?
Theo báo Đầu tư chứng khoán, Grab càng mở rộng quy mô càng thua lỗ nhưng vẫn chuyển hàng trăm tỷ đồng phí bản quyền, phí quản lý ra nước ngoài cho các “công ty liên quan”…
Kết quả lợi nhuận hệ số EBITDA được điều chỉnh trong quý III/2022 được Grab công bố cho thấy con số vẫn là âm 161 triệu USD, giảm 24% so với khoản lỗ EBITDA sau điều chỉnh 212 triệu USD trong cùng kỳ năm trước. Với kết quả trên, Grab cũng nâng dự báo cả năm và ước tính doanh số cả năm 2022 sẽ đạt từ 1,32 - 1,35 tỷ USD, cao hơn dự tính trước đó là 1,25 - 1,30 tỷ USD.
Tại Việt Nam, lợi nhuận của Công ty TNHH Grab năm 2021 âm 300,5 tỷ đồng và theo đó nâng con số lỗ lũy kế lên tới 4.365 tỷ đồng. Báo cáo tài chính năm 2021 cho thấy doanh thu của Grab Việt Nam giảm 11% so với năm trước đó, xuống còn 3.345 tỷ đồng. Trong lúc giá vốn bán hàng lại tăng nhẹ khiến lợi nhuận gộp của Grab giảm 19,5%, còn 1.950 tỷ đồng.
Cụ thể trong năm 2021, chi phí bán hàng của Grab Việt Nam tăng gần 390 tỷ đồng so với năm 2020, lên gần 1.930 tỷ đồng. Trong số này, tiền chi khuyến mại là khoảng 1.622 tỷ đồng (tăng 293 tỷ đồng) và chi phí quảng cáo là 303 tỷ đồng (tăng 96 tỷ đồng).
Dù vốn chủ sở hữu đến hết năm 2021 âm 4.345 tỷ đồng, tổng nguồn vốn của Grab Việt Nam vẫn đạt gần 1.350 tỷ đồng chủ yếu nhờ vào các khoản nợ và vay tài chính dài hạn. Tại ngày 31/12/2021, Grab Việt Nam ghi nhận khoản vay dài hạn gần 4.279 tỷ đồng gồm GrabTaxi Holdings với 3.373 tỷ đồng và Grab Inc với 905 tỷ đồng. Các khoản vay này đều bằng đồng USD, lãi suất 0% và không có tài sản đảm bảo.
Theo Zing, nhờ cắt giảm chi phí, quý I/2023 là quý thứ ba liên tiếp Grab lập kỷ lục doanh thu với mức ghi nhận là 525 triệu USD, tăng 130% so với cùng kỳ năm ngoái và 4,5% so với quý liền trước. Đáng chú ý, GMV của Grab trong quý đạt khoảng 4,9 tỷ USD, chỉ nhỉnh hơn 3% so với cùng kỳ. Khoản lỗ ròng được thu hẹp đáng kể từ 435 triệu USD lên 250 triệu USD. Lợi nhuận hệ số EBIDTA đã điều chỉnh của Grab cũng cải thiện 77% lên âm 66 triệu USD so với số âm hàng trăm triệu USD của cùng kỳ.
Hiện mảng giao hàng vẫn đem lại doanh thu cao nhất cho Grab khi đạt 275 triệu USD, tăng 202% ngay cả khi GMV giảm 9%. Lợi nhuận EBITDA đã điều chỉnh cũng xoay chuyển từ âm 56 triệu USD sang dương 60 triệu USD. Doanh thu mảng di động tiếp tục tăng trưởng mạnh 72% lên 194 triệu USD nhờ sự phục hồi của hoạt động du lịch lẫn nhu cầu ở các thị trường. Lợi nhuận EBITDA đã điều chỉnh tăng 85% từ 82 triệu USD lên 152 triệu USD.
So với cùng kỳ, chi phí ưu đãi, khuyến mãi dành cho đối tác và người tiêu dùng tiếp tục được điều chỉnh, lần lượt đạt 169 triệu USD và 222 triệu USD, tương ứng mức giảm 22% và 36%. Hai quý gần nhất, ngân sách cho ưu đãi của Grab được duy trì trên dưới 400 triệu USD...