Bất lực nhìn cây chết
Ông Nguyễn Văn Dũng (thôn Phước Thịnh, xã Ea Yông, huyện Krông Păk) có 120 cây sầu riêng trồng xen canh trong vườn cà phê. Những năm qua, vườn sầu riêng của ông Dũng luôn phát triển ổn định, duy trì năng suất trung bình khoảng 17 tấn quả mỗi năm. Thế nhưng từ sau Tết Nguyên đán đến nay, vườn sầu riêng của ông Dũng bỗng nhiên khô lá, chết hàng loạt. “Ban đầu, thân cây bị xì mủ, xuất hiện nhiều lá vàng và sau đó chết dần từ cành. Chỉ sau một thời gian ngắn, vườn sầu riêng của tôi bị chết gần 100 cây. Mặc dù tôi đã mua nhiều loại thuốc về chữa trị nhưng không thấy hiệu quả” - ông Dũng nói.
|
Hàng trăm ha sầu riêng chết bất thường khiến người dân hết sức hoang mang. Ảnh: Duy Hậu |
Sầu riêng được trồng tại huyện Krông Păk từ năm 2004, đây là loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện địa phương đã phát triển được gần 1.000ha, chủ yếu là sầu riêng ghép giống Dona, Mong Thong, Ri6… được trồng xen trong vườn cà phê. Sầu riêng tại đây thường được thương lái đến tận vườn mua với giá từ 38.000 - 45.000 đồng/kg.
Cũng như ông Dũng, nhiều gia đình trồng sầu riêng ở Ea Yông cũng bất lực nhìn vườn cây sầu riêng chết dần mà không có cách gì cứu vãn. Theo thống kê của xã Ea Yông, hiện đã có đến 500ha sầu riêng trên địa bàn xuất hiện hiện tượng vàng lá, khô cành rồi chết. Đây cũng là địa phương có hiện tượng sầu riêng chết bất thường nhiều nhất huyện.
Tìm đủ cách cứu sầu riêng
Tuy chỉ là loại cây trồng xen, nhưng những năm qua, sầu riêng đã giúp nhiều hộ gia đình ở Krông Păk có thêm một nguồn thu đáng kể. Với năng suất trung bình 24 tấn/ha, mỗi năm chỉ với một ha sầu riêng, nông dân có thể thu đến hơn 1 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Văn Dũng, chỉ với 120 cây sầu riêng nhưng mỗi năm ông thu đến 700 triệu đồng, cao hơn nhiều so với trồng cà phê.
Do hiệu quả kinh tế cao nên nhiều năm qua, việc trồng xen sầu riêng trong các vườn cà phê phát triển mạnh tại huyện Krông Păk. Theo Phòng Nông nghiệp huyện, từ năm 2004 đến nay, địa phương đã phát triển được khoảng 1.000ha sầu riêng, chủ yếu là trồng xen với cà phê. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các vườn sầu riêng của người dân đều bị nhiễm bệnh, tỷ lệ này chiếm đến hơn 70%.
Trước tình trạng này, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đăk Lăk đã phối hợp Viện Khoa học kỹ thuật nông - lâm nghiệp Tây Nguyên khảo sát, tìm nguyên nhân. Theo ghi nhận, tình trạng chung ở các vườn sầu riêng là bị đốm lá, cháy khô lá, chết từ cành ngọn xuống cành gốc, nứt thân, thối cành, xì mủ và có hiện tượng lây lan nhanh. Theo đánh giá ban đầu của các nhà khoa học, nguyên nhân của tình trạng trên có thể do diễn biến thời tiết bất thường trong thời gian qua.
Ông Lê Văn Thành - Chi Cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đăk Lăk cho biết, đơn vị vẫn đang phối hợp với cơ quan chức năng lấy mẫu để phân tích, tìm nguyên nhân khiến hàng loạt diện tích sầu riêng trên địa bàn bị chết. Trước mắt, để ngăn chặn sự lây lan của bệnh và giảm thiệt hại cho nông dân, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đăk Lăk đã có văn bản đề nghị Trạm Bảo vệ thực vật huyện Krông Păk hướng dẫn người dân tiêu hủy lá, cành và thân cây sâu riêng bị bệnh nặng, xử lý bằng vôi bột chung quanh gốc cây sầu riêng để không lây lan mầm bệnh. Đồng thời tuyên truyền, vận động nông dân nên sử dụng các loại thuốc phòng trừ nấm như: Rhizoctonia, Phytopphtora… để phun trừ nấm cho cây sầu riêng, tuyệt đối không sử dụng phân bón hóa học, phân bón qua lá có hàm lượng phân đạm cao đối với những vườn sầu riêng đã bị nhiễm bệnh.
Lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Đăk Lăk cũng cho biết đang mời một số chuyên gia từ Hà Nội vào để nghiên cứu, tìm cách “cứu” sầu riêng cho dân.