Trải qua những tháng đầu biến động của năm 2018, nhưng lợi nhuận 9 tháng đầu năm nay của các ngân hàng tiếp tục ghi nhận những con số ấn tượng. Trong đó, có nhiều nhà băng đã báo lãi tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần so cùng kỳ. Đây là con số đáng khích lệ và cũng là tiền đề để các đơn vị này có thể vượt kế hoạch đã đề ra.
Theo đó, dẫn đầu danh sách các ngân hàng đã công bố lợi nhuận trong 9 tháng năm 2018, là Vietcombank khi báo lãi trước thuế kỷ lục hơn 11.600 tỷ đồng.
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2018 được Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank – VCB) công bố, trong quý 3/2018, thu nhập lãi thuần của Vietcombank bứt tốc so với 2 quý đầu năm, đạt 7.432 tỷ đồng, tăng 41,6% so với cùng kỳ. Hoạt động dịch vụ cũng có tăng trưởng khá cao, đạt lãi 895 tỷ đồng, tăng 37,5%; lãi từ hoạt động khác tăng 11% đạt 651 tỷ đồng.
Riêng hoạt động kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán lại có sự sụt giảm so với cùng kỳ: lần lượt có lãi 570 tỷ (giảm 11,6% so với cùng kỳ) và lỗ 170 tỷ (cùng kỳ lãi 135 tỷ).
Tổng thu nhập hoạt động trong quý 3 của nhà băng đạt 9.415 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ. Chi phí hoạt động tăng 28%, chi phí dự phòng rủi ro tăng 17% lên 1.762 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận trước thuế trong quý 3 đạt 3.666 tỷ đồng, tăng 36,8% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Vietcombank lãi trước thuế 11.683 tỷ đồng, lãi ròng 9.378 tỷ, tăng 47% so với cùng kỳ.
Tiếp sau Vietcombank là Ngân hàng Techcombank. Theo báo cáo tài chính của ngân hàng này, thu nhập hoạt động lũy kế 9 tháng đầu năm của Techcombank đạt 13.294 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Cơ cấu thu nhập của ngân hàng ngày càng đa dạng hơn, tiếp tục chuyển dịch theo định hướng chiến lược. Tỷ trọng doanh thu từ hoạt động tín dụng giảm từ 53% xuống 48%.
Lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm của Techcombank đạt 7.774 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng thu nhập hoạt động do Techcombank đã xử lý xong nợ xấu bán cho VAMC.
Cơ cấu bảng cân đối kế toán cũng tiếp tục có sự chuyển dịch theo định hướng chiến lược của Ngân hàng. Tính đến hết tháng 9/2018, Techcombank đang trên đà đạt tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn ở mức 34,17%, đi trước so với yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước. Việc Techcombank chủ động giảm tỷ lệ này xuống dưới 40% trước 1/1/2019 là để Ngân hàng đảm bảo khả năng phục vụ khách hàng một cách liên tục và không bị hạn chế bởi tỷ lệ an toàn vốn của Ngân hàng Nhà nước.
Tỷ số an toàn vốn (CAR) của Techcombank vào thời điểm cuối tháng 9/2018 đạt mức 14,33%, cao hơn đáng kể (2,31%) so với cùng kỳ là do mức độ tăng trưởng vốn chủ sở hữu cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tổng tài sản. Điều này phản ánh mức độ thận trọng của Techcombank trong việc quản lý mức độ tăng trưởng tín dụng. Luôn phù hợp với yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, Techcombank tự hào là một trong những ngân hàng có chất lượng tài sản cao nhất hệ thống.
Tại thời điểm cuối tháng 9/2018, Techcombank duy trì tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROAE-%) cao, ở mức 25,4% và tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROAA-%) là 3,2%. Cả hai chỉ số này của Techcombank đang ở mức hàng đầu giữa các ngân hàng trong nước và trong khu vực.
Giữ vị trí thứ 3 là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Theo Báo cáo tài chính quý 3/2018, đến hết 30/09/2018, BIDV tiếp tục hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh đề ra, cơ cấu chuyển dịch tích cực theo đúng định hướng, các chỉ tiêu hiệu quả tích cực tạo tiền đề quan trọng trong việc hoàn thành mục tiêu của năm 2018.
Theo đó, tổng tài sản đến 30/09/2018 đạt 1.268.413 tỷ đồng, tăng trưởng 5,5% so với đầu năm, tăng 12,67% so với cùng kỳ năm trước.
Huy động vốn đảm bảo cân đối vốn an toàn và hiệu quả, chất lượng huy động vốn được kiểm soát tốt, phù hợp với lộ trình tăng trưởng tín dụng: Tiền gửi khách hàng đạt 953.513 tỷ đồng, tăng 10,9% so với đầu năm.
Tổng thu nhập hoạt động đạt 32.865 tỷ đồng, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó các mảng hoạt động đều đạt kết quả tích cực. Chênh lệch thu chi đạt kết quả tích cực 21.620 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước. BIDV tăng cường trích lập dự phòng rủi ro trên cơ sở kết quả rà soát, phân loại nợ.
Lợi nhuận trước thuế tăng 30,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt 7.254 tỷ đồng, đạt 78% kế hoạch kinh doanh năm 2018 đã được Đại hội đồng cổ đông phê duyệt. Các chỉ tiêu an toàn hoạt động đảm bảo theo quy định.
Cùng với lợi nhuận, bất chấp những khó khăn trên thị trường chứng khoán, nhiều cổ phiếu niêm yết của các ngân hàng thương mại này cũng đang giữ ở mức khá cao so với mặt bằng chung của thị trường.