Sau 6 năm, đến nay anh đã có cả một trang trại rộng lớn vừa bán giống vừa bán nhung huơu ra thị trường.
Sau nhiều năm kinh doanh vận tải, anh Phạm Văn Kiên đã có một số vốn liếng nhất định. Tuy nhiên, do luôn có đam mê với các loại động vật hoang dã nên anh đã nghiên cứu, học hỏi và đi tham quan một số mô hình chăn nuôi khác nhau. Sau nhiều lần trải qua các mô hình chăn nuôi như lợn rừng, nhím, cầy, chồn… nhưng không thành công, đến năm 2016, anh chính thức bắt tay vào nuôi hươu sao và duy trì từ đó đến nay.
Ban đầu, anh Kiên bỏ ra khoảng 1 tỷ đồng để mua giống hươu sao về nuôi. Theo anh Kiên chia sẻ, để phát triển mô hình này cơ bản chi phí đầu tư cho chuồng trại và thức ăn chăn nuôi không lớn, chỉ chủ yếu tiền vốn mua giống lúc đầu lớn.
Hiện tổng diện tích trang trại chăn nuôi của anh rộng khoảng 2ha trong đó gồm hệ thống chuồng trại và diện tích trồng cây, cỏ để cung cấp thức ăn cho hươu. Đối với hệ thống chuồng trại, anh Kiên cho biết không đòi hỏi quá cầu kỳ, chỉ cần chú ý đảm bảo thoáng mát về mùa hè và ấm áp về mùa đông.
Là loài động vật ăn tạp nên nguồn thức ăn của hươu tương đối đa dạng và dễ kiếm chủ yếu là cỏ và các loại lá cây được anh Kiên tự trồng trong vườn nhà.
Trung bình mỗi ngày, một con hươu sẽ ăn khoảng 6kg cỏ, kết hợp ngô và lá cây các loại. Tính ra chi phí mỗi con hươu ăn chỉ khoảng 2.000 – 3.000đ/ngày. Thông thường, gia đình anh Kiên chỉ cho hươu ăn một bữa vào buổi chiều.
Về cơ bản, nuôi hươu rất ít khi mắc bệnh, chủ yếu là bệnh chướng bụng, đầy hơi và tiêu chảy. Để khắc phục tình trạng này chỉ cần điều chỉnh lượng thức ăn cho hươu sao cho ăn ít tinh bột, tăng cường nguồn thức ăn từ cỏ và lá cây.
Đối với hươu nuôi nhốt, mỗi năm anh Kiên tiêm phòng tụ huyết trùng hai lần để đảm bảo hươu không mắc bệnh.
Thời gian từ khi hươu bắt đầu sinh sản đến lúc động dục kéo dài khoảng 13 – 14 tháng và thời gian mang thai là 7 tháng.
Sau 5 tháng nuôi, hươu con có thể bắt đầu được bán giống, lúc này hươu đạt trọng lượng trung bình khoảng 15 – 17kg. Đối với huơu trưởng thành có thể đạt trọng lượng từ 100 – 120kg, còn thông thường hươu có trọng lượng khoảng 70 – 80kg/con.
Hiện gia đình anh Kiên có khoảng 60 – 70 con hươu sao (gồm cả con đực và cái), những lúc cao điểm có thể lên tới 150 con.
Hiện nay, hươu được gia đình anh Kiên chủ yếu bán giống và bán nhung cho bà con trong vùng và một số tỉnh thành lân cận, thậm chí không đủ hàng để bán. Trung bình mỗi cặp nhung hươu của gia đình anh Kiên có trọng lượng từ 7 – 8 lạng được anh bán với giá 2 triệu đồng/lạng.
Hươu giống được anh Kiên bán với giá từ 13 – 14 triệu đồng/con cái, 14 triệu đồng/con đực. Đối với hươu lấy nhung, từ lúc bán giống đến lúc được khai thác nhung mất khoảng 2 năm. Thời gian khai thác nhung tối đa kéo dài từ 20 – 25 năm.
Ngoài bán hươu giống của gia đình, anh Kiên còn nhận bao tiêu toàn bộ con giống và nhung hươu đã bán cho bà con. Bên cạnh đó, trong quá trình nuôi anh còn thường xuyên chia sẻ, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi hươu cho bà con đến khi phát triển thành công mô hình.
Năm 2022, anh Kiên xuất bán ra thị trường khoảng 50 – 70 hươu giống. Kết hợp với bán nhung, gia đình anh thu về khoảng 700 triệu đồng tiền lãi.
Ngoài nuôi hươu, anh Kiên đang dự định sẽ đầu tư thêm hệ thống chuồng trại để nuôi thêm dúi và cầy trong thời gian tới.
Theo anh Kiên đánh giá, mặc dù nuôi hươu vốn đầu tư ban đầu lớn nhưng tỷ lệ rủi ro ít, thị trường tiêu thụ lại ổn định, bên cạnh đó diện tích chăn nuôi cũng không đòi hỏi nhiều. Vì vậy, muốn phát triển mô hình này chỉ cần đảm bảo nguồn vốn ban đầu là có thể nuôi được.
Với mô hình nuôi hươu như hiện nay, gia đình anh Kiên đang tạo công ăn việc làm cho 4 lao động, trong đó có 2 lao động trong gia đình và 2 lao động được gia đình anh thuê thêm với thu nhập bình quân khoảng 6 triệu đồng/người/tháng.
Bà Đặng Thị Hà – Chủ tịch Hội Nông dân xã Cổ Lũng (huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) đánh giá: Anh Phạm Văn Kiên là một hội viên nông dân tiêu biểu của xã Cổ Lũng.
Gia đình anh Kiên đã mạnh dạn đưa mô hình nuôi hươu vào để phát triển kinh tế trên địa bàn xã và mang lại hiệu quả kinh tế tương đối cao.
Đến nay, gia đình anh Kiên đã cung cấp con giống cho bà con nông dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và một số tỉnh lân cận. "Đây là mô hình kinh tế ít rủi ro nên có thể nhân rộng trên địa bàn trong thời gian tới", bà Hà khẳng định.