Nắm rất nhiều doanh nghiệp thành viên tham gia trong 3 lĩnh vực nhưng đến nay, tình hình tài sản của Benthanh Group vẫn là một ẩn số bởi doanh nghiệp không công bố BCTC hợp nhất theo quy định.
Sau 27 năm hoạt động, "đế chế" Benthanh Group đang đầu tư vốn và tham gia quản lí 32 doanh nghiệp thành viên tại 3 lĩnh vực gồm dịch vụ du lịch, dịch vụ bất động sản, thương mại và sản xuất.
Dịch vụ du lịch là ngành kinh doanh chủ lực của Tổng Công ty. Benthanh Group cho hay đã đầu tư vào hệ thống lưu trú, nghỉ dưỡng trải dài từ Bắc Trung Bộ vào Nam gồm 25 khách sạn và resort với 2.337 phòng, được quản lí bởi các tập đoàn lớn trên thế giới như Accor, Marriott, Norfolk Group, Centara.
Ở lĩnh vực bất động sản, Benthanh Group đang kinh doanh 76.460m2 văn phòng, 298 căn hộ dịch vụ hạng A với tổng diện tích 28.995m2 thông qua việc hợp tác với các thương hiệu quản lý uy tín như Accor, Ascott, Marriott, Norfolk Group, 120.994m2 sàn thương mại, 273.402m2 hạ tầng khu công nghiệp.
Một số cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực này như Somerset Chancellor Court Ho Chi Minh City, Norfolk Mansion, toà nhà văn phòng HanNam, trung tâm thương mại Savico Megamall Hà Nội, Lam Sơn Square Vũng Tàu, Khu Công nghiệp Bình Chiểu, toà nhà văn phòng 27 Nguyễn Trung Trực, quận 1,…
|
Bến Thành Group không hề công bố BCTC hợp nhất? |
Trong mảng thương mại và sản xuất, mạng lưới kinh doanh đa dạng về hình thức. Trong đó, Savico là một doanh nghiệp tiêu biểu - nhà phân phối ô tô tại Việt Nam phân phối ô tô 2S và 3S trên toàn quốc của các thương hiệu uy tín như Toyota, Ford, Hyundai, Honda, Volvo, Mitsubishi, Chevrolet, Fuso.
Bí ẩn tình hình tài sản
Nắm rất nhiều doanh nghiệp thành viên tham gia trong 3 lĩnh vực nhưng đến nay, tình hình tài sản của Benthanh Group vẫn là một ẩn số bởi doanh nghiệp không công bố BCTC hợp nhất theo quy định.
Theo quy định tại Nghị định số 81/2015/NĐ-CP, doanh nghiệp phải xây dựng báo cáo tài chính (BCTC) 6 tháng và báo cáo tài chính năm trên cổng hoặc trang thông tin điện tử của doanh nghiệp báo cáo tài chính 6 tháng và báo cáo tài chính năm (đã được kiểm toán).
Đồng thời, doanh nghiệp phải gửi các báo cáo này đến cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước và Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện công bố theo quy định.
Tuy nhiên, thông tin của Benthanh Group công bố trên website https://benthanhgroup.com cũng như công bố tại http://dnnn.hochiminhcity.gov.vn và http://business.gov.vn đều chỉ có duy nhất BCTC riêng của Công ty mẹ mà không bao gồm BCTC hợp nhất.
Theo đó, báo cáo riêng lẻ của Benthanh Group không thể hiện đúng quy mô và tình hình tài sản Nhà nước đang được Tổng công ty quản lý do việc hạch toán theo phương pháp giá gốc trên báo cáo tài chính công ty mẹ. Không hiểu vì lý do gì mà cho đến nay vẫn còn quá nhiều doanh nghiệp chưa chịu thực hiện đúng công bố thông tin, mặc dù quy định đã có từ lâu.
Tại ngày 30/6/2024, vốn chủ sở hữu của công ty mẹ Benthanh Group đạt 2.173 tỷ đồng, tổng tài sản của Công ty mẹ chỉ ở mức 3.207 tỷ đồng, giảm 6% so với giá trị đầu năm. Nợ phải trả chiếm 1.034 tỷ đồng.
Đáng nói, trong kỳ công ty mẹ Benthanh Group đã giảm khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn từ 328 tỷ đồng về còn 128 tỷ đồng. Doanh nghiệp vẫn giữ nguyên phần đầu tư vào chứng khoán kinh doanh với tổng giá trị gần 322 tỷ đồng, dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh khoảng 12 tỷ đồng.
Sống nhờ khoản doanh thu tài chính, lãi ròng quý 2 giảm mạnh
Trong quý 2/2024, doanh thu công ty mẹ Benthanh Group hơn 49 tỷ đồng đóng góp bởi hoạt động bán hàng, cho thuê tài sản và cung cấp dịch vụ. Sau khi trừ đi giá vốn, Công ty lãi gộp gần 17 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế ghi nhận đến 77 tỷ đồng, tuy nhiên sụt giảm 29% so cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty mẹ Benthanh Group báo lãi giảm 18% ở mức gần 98 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 118 tỷ.
Thực tế, kết quả kinh doanh với lãi sau thuế cao hơn lãi gộp là điều không còn xa lạ với Benthanh Group, nhờ khoản thu lớn từ hoạt động tài chính, cụ thể hơn là cổ tức được nhận hàng năm.
Trong 6 tháng đầu năm, Benthanh Group mang về hơn 113 tỷ đồng doanh thu tài chính, cao hơn nhiều lần so với doanh thu hoạt động kinh doanh. Các khoản thu chủ yếu đến từ cổ tức được chia, tương ứng với phần góp vốn đầu tư.
Trong 6 tháng đầu năm, Benthanh Group nhận đến 97 tỷ đồng cổ tức, trong đó gần 25 tỷ đến từ Công ty TNHH Liên danh Khách sạn Plaza, hơn 22 tỷ từ Công ty Liên doanh Căn hộ & Văn phòng Sài Gòn, gần 12 tỷ đồng đến từ Công ty CP XNK Giày dép Nam Á,…
Tại thời điểm 30/6, Benthanh Group ghi nhận đầu tư vào 24 công ty liên kết, 5 công ty liên doanh, 3 khoản đầu tư khác, tổng giá trị gần 1.287 tỷ đồng. Các khoản đầu tư có giá trị lớn nhất phải kể đến tại Công ty cổ phần Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (Savico, SVC) hơn 199 tỷ đồng (40,8% vốn); Công ty TNHH Bến Thành Sao Thủy gần 147 tỷ đồng (28% vốn); CTCP Dịch vụ Du lịch Bến Thành (Benthanh Tourist, UPCoM: BTV) gần 123 tỷ đồng đổi lấy 49,09% vốn.
Ngoài ra, Benthanh Group cũng đầu tư gần 322 tỷ đồng chứng khoán kinh doanh, phần lớn là giá trị đầu tư vào cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Phương Đông (HoSE: OCB) hơn 283 tỷ đồng.
(Còn tiếp)...
Kỳ 2: Benthanh Group: Đại gia 'kín tiếng' trong số các doanh nghiệp Nhà nước tại TPHCM