Liên quan đến vụ việc nhân viên gara Ford An Đô đánh khách hàng, Kiến Thức đã có cuộc trao đổi nhanh với luật sư Đăng Văn Cường – Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội.
Theo luật sư Đặng Văn Cường, hành vi cố ý gây thương tích cho người khác là hành vi vi phạm pháp luật vì pháp luật nghiêm cấm giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực.
|
Chiếc mỏ lết mà nhân viên của Ford An Đô đánh vào đầu anh Tuấn gây thương tích. Ảnh: GĐ&XH. |
Vì vậy việc nhân viên Ford An Đô hành hung khách hàng của mình không những là hành vi xấu trong kinh doanh mà còn là hành vi vi phạm pháp luật. Do đó, tuỳ thuộc vào nguyên nhân, động cơ và hậu quả xảy ra mà hành vi đánh người của nhân viên Ford An Đô có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự.
|
Vết thương của anh Tuấn phải khâu nhiều mũi. Ảnh: GĐ&XH. |
Nếu thương tích của nạn nhân từ 11% trở lên hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định từ điểm a đến điểm k, khoản 1, Điều 194 blhs thì người gây thương tích cho nạn nhân sẽ bị xử lý về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 104 Bộ luật hình sự, cụ thể hình phạt được Bộ luật hình sự hiện hành quy định như sau:
Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;
b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;
d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Có tổ chức;
g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;
i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;
k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.
"Trong vụ việc nêu trên thì người gây thương tích phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại cho nạn nhân theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 về sức khỏe bị xâm hại" - luật sư Cường phân tích.
Như Kiến Thức đưa tin trước đó, ngày 19/6 anh Vũ Văn Tuấn (Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) mang xe Ford Ranger biển số 29C- 341... đến gara Ford An Đô (168 Phạm Văn Đồng, Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm) để sửa chữa. Sau khi kiểm tra xe và làm báo giá, hai bên thống nhất ký hợp đồng sửa chữa. Trong thỏa thuận và hợp đồng có nêu về việc giám sát quá trình sửa chữa nên anh Tuấn thường xuyên qua để kiểm tra.
Ngày 30/6, sau khi nhận thông báo từ cố vấn dịch vụ của Ford An Đô là chiếc xe Ford Range của anh Tuấn đã hoàn thành các hạng mục và chỉ cần lắp vào nữa là xong nên anh Tuấn đã tới để giám sát. Lúc anh Tuấn tới thì thợ đã nghỉ nên khoảng 9h ngày 1/7/2017, anh Tuấn đến gara ô tô của công ty CP thương mại An Đô để lấy xe ô tô sửa chữa tại gara.
|
Ford An Đô - nơi nhân viên hành hung khách hàng Tuấn. Ảnh: GĐ&XH. |
Khi kiểm tra xe, anh Tuấn phát hiện nhiều hạng mục mà hai bên đã thỏa thuận trong hợp đồng ký ngày 20/6 giữa anh Tuấn và Ford An Đô đã không được thực hiện và anh yêu cầu trừ vào tiền thanh toán. Quá trình trao đổi giữa anh Tuấn và Lương Minh Tùng (SN 1978 trú tại Tân Xuân, Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm) là nhân viên của công ty đã xảy ra xô xát.
Hậu quả, anh Tuấn bị Tùng dùng tay đấm vào mặt; bị nhân viên Nguyễn Trung Thành (SN 1983, thôn Tiên Tảo, xã Việt Long, Sóc Sơn, Hà Nội) dùng mỏ lết vụt vào đầu chảy máu. Sau khi được can ngăn, anh Tuấn đã đến công an phường Xuân Đỉnh trình báo.
Đến chiều 3/7, anh Tuấn đã hoàn tất thủ tục trưng cầu giám định theo quyết định của Công an quận Bắc Từ Liêm. Anh Tuấn cho biết, sẽ chờ pháp luật xử lý theo quy định việc nhóm nhân viên của công ty An Đô hành hung.
Về phía Ford An Đô, anh Tuấn cho biết sẽ khởi kiện đơn vị này vì đã cung cấp dịch vụ không đúng với hợp đồng hai bên ký kết. Đây là nguyên nhân dẫn đến tranh cãi giữa hai bên, sau đó anh Tuấn bị nhóm thợ của công ty này hành hung hội đồng. Anh Tuấn cũng đã gửi thông tin đến Ford Việt Nam, đơn vị này cho biết sẽ làm việc với Ford An Đô về vụ việc nêu trên.