34 tuổi, sở hữu trang trại heo rừng rộng hàng nghìn mét vuông, mỗi năm xuất ra thị trường trên 1.000 con đem về thu nhập cao. Nhưng ít ai biết rằng, để có được doanh thu hấp dẫn đó anh Nguyễn Tấn Đạt (trú xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách, Sóc Trăng) phải trải qua 2 lần thất bại, phải thiếu nợ.
Heo rừng đúng chuẩn có lông bờm dài, 4 chân cao ráo (Ảnh: Bảo Kỳ).
22 tuổi, sau khi tốt nghiệp, anh Đạt xin được việc làm tại một nhà hàng ở Cần Thơ với chức vụ quản lý.
5 năm gắn bó, dành dụm được kha khá vốn, anh hùn hạp với bạn đầu tư mô hình nuôi heo rừng và rau sạch. Sau thời gian dài góp vốn nhưng chẳng thấy lợi nhuận như mong đợi, anh rút khỏi nhóm, tự thân khởi nghiệp.
"Khoảng năm 2018, tôi mở trại heo rừng, con giống có sẵn vì trước đó có góp vốn kinh doanh rồi. Đầu tư chuồng trại xong hết thì dịch tả heo Châu Phi tới, heo rừng chết sạch không còn con nào.
Năm 2019 tôi tiếp tục tái đàn, nghĩ bụng đã có kinh nghiệm nên sẽ không sao. Ấy vậy mà thêm đợt dịch tả heo Châu Phi, 2 lần thất bại làm tôi lỗ hơn 2 tỷ đồng, mà số tiền ấy một phần là tiền dành dụm, phần khác mượn người thân mới có", anh Đạt kể.
Bể nợ, chán nản, anh Đạt bỏ lên Cần Thơ tiếp tục làm việc ở nhà hàng nhưng đam mê khởi nghiệp, làm chủ đã ngấm sâu vào tư tưởng nên chỉ vài tháng sau đó anh Đạt trở về nhà nuôi heo rừng lần thứ ba.
Rút kinh nghiệm từ những thất bại, lần tái đàn này 9X chú trọng khâu tiêm ngừa dịch bệnh, vệ sinh chuồng trại và lựa chọn chế độ chăm sóc phù hợp theo đặc tính hoang dã của loài heo rừng.
Heo rừng giống một năm sinh sản 2 đợt, mỗi lứa đẻ 6-10 con. Heo rừng từ lúc thả nuôi đến xuất bán mất khoảng 6 tháng. Heo giống nuôi được 9 tháng đến 1 năm chúng sẽ bắt đầu sinh sản (Ảnh: Bảo Kỳ).
"Cách chăn nuôi của tôi là nuôi nhốt kết hợp thả lang. Thường sau khi cho ăn trong chuồng xong tôi sẽ thả heo rừng ra ngoài vườn để chúng vận động. Cách này giúp thịt heo săn chắc, heo cũng không bị stress", anh Đạt cho hay.
Ngoài ra, chàng trai còn có phương pháp cho ăn khác biệt. Anh không dùng thức ăn công nghiệp, thay vào đó anh bổ sung đạm cho heo rừng bằng hỗn hợp hèm và bã đậu nành. Trong lúc heo "dạo chơi" ngoài vườn anh sẽ cho ăn thêm một số loại trái cây như xoài, vú sữa, dưa hấu, ổi...
"Trái cây này là do vựa không tiêu thụ nên tôi thu gom về tận dụng làm thức ăn cho heo. Việc dùng các loại thực phẩm trên cho heo rừng ăn giúp phần thịt heo ít mỡ, không hôi, đồng thời tăng sức đề kháng cho vật nuôi.
Hơn nữa cách nuôi này cũng tiết kiệm chi phí đầu vào, mỗi con chỉ tốn vài nghìn đồng mỗi ngày", anh Đạt tiết lộ bí quyết nuôi heo rừng.
Từ 20 con heo rừng bố mẹ ban đầu đến nay anh đã nâng lên được trên 200 con heo thương phẩm tại trại. Số nợ thiếu trước đây cũng được giải quyết, có lợi nhuận để trang trải cuộc sống.
Tận dụng đất vườn sau nhà, anh Đạt quây lưới thả lang heo rừng kết hợp cho heo ăn trái cây theo mùa (Ảnh: Bảo Kỳ).
Theo 9X, heo rừng mỗi năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa được 6-10 con, tùy cách phối giống. Heo hậu bán giống đạt khoảng 25kg/con còn heo thương phẩm phụ thuộc nhu cầu khách hàng. Hiện giá heo thịt dao động từ 130.000 đến 150.000 đồng/kg, giá heo giống cao gấp đôi heo thịt.
Được biết, từ năm 2021 đến nay, cơ sở của anh Đạt cung cấp trên 1.000 con heo/năm, cho lợi nhuận 500.000 đến 800.000 đồng/con. Heo rừng giống anh đã cung cấp ở nhiều địa phương như Cà Mau, Kiên Giang, Vĩnh Long...
Trang trại còn cung cấp heo rừng cho người tiêu dùng trên địa bàn TP Cần Thơ, nhà hàng, quán nhậu và đặc biệt là heo rừng quay. Để mở rộng đầu ra, anh Đạt còn xây dựng các kênh trên nền tảng Youtube, Facebook, TikTok...
Về phần heo giống, chủ trang trại còn bao tiêu đầu ra theo khả năng của người nuôi, để bà con có lợi nhuận.
Chia sẻ bí quyết thành công, 9X Sóc Trăng cho biết, sau mỗi lần thất bại, vấp ngã anh sẽ chọn cách buông bỏ tất cả để đi du lịch, đến khi đầu óc thư giãn, tìm ra được "kim chỉ nam" anh sẽ quay về là bắt đầu lại.